Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / VỀ TÍNH HỢP LÝ CỦA KHOẢN 3 ĐIỀU 7 NGHỊ QUYẾT SỐ 04/2017/NQ-HĐTP NGÀY 05/5/2017 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TANDTC

VỀ TÍNH HỢP LÝ CỦA KHOẢN 3 ĐIỀU 7 NGHỊ QUYẾT SỐ 04/2017/NQ-HĐTP NGÀY 05/5/2017 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TANDTC

TƯỞNG DUY LƯỢNG – Nguyên Phó Chánh án TANDTC

1. Về các trường hợp được khởi kiện lại, không được khởi kiện lại

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015) quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Khi đương sự khởi kiện, Tòa án phải tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, nếu đương sự đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật TTDS và loại việc thuộc thẩm quyền Tòa án thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết. Khi giải quyết, tùy diễn biến cụ thể trong mỗi vụ việc dân sự mà Tòa án ban hành “phán quyết” dưới hình thức như: bản án do Hội đồng xét xử ban hành, hoặc dưới hình thức quyết định do Hội đồng xét xử, do Thẩm phán ban hành. Khi vụ việc đã được giải quyết và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì về nguyên tắc, Tòa án không thụ lý, giải quyết lại. Do đó, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 đã quy định: “c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” mà đương sự khởi kiện lại thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý giải quyết.

Một trong những hình thức được coi là giải quyết vụ việc dân sự, đó là quyết định đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 192 Bộ luật TTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Bộ luật TTDS 2004) và quy định tại Điều 217 Bộ luật TTDS 2015.

Điều 217 Bộ luật TTDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với Điều 192 Bộ luật TTDS 2004 và được thiết kế thành 4 khoản, trong đó quy định các căn cứ pháp luật cho phép Tòa án có thẩm quyền đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều này.

Theo quy định tại Điều 218 Bộ luật TTDS 2015, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án sẽ là: “1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, bên cạnh quy định không được khởi kiện lại, Bộ luật TTDS cũng đặt ra những ngoại lệ, dù Tòa án đã ra phán quyết dưới hình thức bản án hay quyết định, nhưng phán quyết đó không dẫn đến chấm dứt quan hệ pháp luật và theo luật nội dung thì quan hệ pháp luật đó vẫn đang tồn tại, vận động; hoặc “phán quyết” đó không làm đương sự mất quyền khởi kiện thì đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại, Tòa án phải thụ lý, giải quyết, dù “phán quyết” đó vẫn đang có hiệu lực, đó là trường hợp sau:

– Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS 2015:

“c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”

– Quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015:

“a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Chúng tôi cho rằng, những trường hợp đình chỉ mà Bộ luật TTDS cho phép đương sự có quyền khởi kiện lại, Tòa án phải thụ lý, giải quyết là hợp lý, phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Đối với trường hợp “thời hiệu khởi kiện đã hết” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2004 và quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS 2015 là: “e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết” thì cả hai Bộ luật (Bộ luật TTDS 2004, Bộ luật TTDS 2015) đều không quy định cho đương sự được khởi kiện lại.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đã quy định như sau:

“Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 là các trường hợp trong Bộ luật TTDS 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

“Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định trong Nghị quyết này là:

a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015.

Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

c) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết này”.

Theo quy định của điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết thì có thể nhận thấy, Hội đồng thẩm phán căn cứ vào quan hệ thừa kế để xử lý quan hệ tài sản chung. Nói cách khác, Hội đồng thẩm phán coi hai quan hệ này là một, do đó đã hướng dẫn xử lý về quan hệ tài sản chung giống quan hệ thừa kế.

Không khó để nhận thấy quan hệ thừa kế xuất phát từ huyết thống, nuôi dưỡng, từ ý chí của người để lại di sản, còn quan hệ tài sản chung, việc hình thành nên tài sản chung xuất phát từ đóng góp công sức, tiền của, từ ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các chủ thể có quyền tài sản… để hình thành nên tài sản chung. Khi nói tài sản chung, chia tài sản chung chỉ là cách nói tắt để chỉ về quan hệ sở hữu tài sản chung.

Thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy đã phát sinh một số trường hợp sau: trường hợp 1, một số thẩm phán đã chia tài sản chung khi hết thời hiệu; trường hợp 2,khi tranh chấp chưa khởi kiện ra tòa, thì các thừa kế đã tự thỏa thuận phân chia di sản, sau đó không thực hiện theo văn bản thỏa thuận, dẫn đến việc khởi kiện ra tòa án, tòa án lấy văn bản thỏa thuận làm cơ sở chia tài sản chung; trường hợp 3, một vài thừa kế có thời gian khác nhau chiếm hữu, sử dụng di sản, thẩm phán quyết định di sản là tài sản chung của những thừa kế này. Chúng tôi cho rằng, dù còn thời hiệu hay hết thời hiệu khởi kiện thì di sản không tự nhiên chuyển hóa thành tài sản chung của các thừa kế. Di sản chỉ trở thành tài sản chung khi tất cả các thừa kế tự nguyện thỏa thuận di sản thành tài sản chung của các thừa kế hay của một số thừa kế, hoặc cả người không trong diện hưởng thừa kế (xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện định đoạt được quy định trong BLDS). Chỉ khi có sự tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của tất cả các thừa kế rằng khối di sản là tài sản chung, thì di sản mới chuyển hóa thành tài sản chung của những người đó. Từ thỏa thuận này, nếu di sản là loại phải đăng ký và theo yêu cầu của những người có quyền đối với tài sản chung, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho các chủ thể đó, nếu có yêu cầu phân chia tài sản chung có nguồn gốc là di sản thừa kế, tòa án phải thụ lý, chia tài sản chung, chứ không phải chia thừa kế. Do đó, chỉ cần một thừa kế không tham gia thỏa thuận, không đồng ý di sản là tài sản chung của các thừa kế hay một số thừa kế thì di sản sẽ không trở thành tài sản chung của bất kỳ chủ thể nào.

Bởi các lý do nêu trên, khi có đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung, Tòa án phải căn cứ vào việc di sản đã chuyển hóa thành tài sản chung hay chưa, nếu di sản đã chuyển hóa thành tài sản chung, sẽ không căn cứ vào các quy định của pháp luật thừa kế để giải quyết mà phải căn cứ nội dung thỏa thuận, pháp luật về quyền đối với tài sản chung để giải quyết. Trong trường hợp đương sự khởi kiện chia tài sản chung không được Tòa án chấp nhận, được thể hiện dưới hình thức quyết định đình chỉ hay dưới hình thức bản án xử bác yêu cầu chia tài sản chung, thì khi bản án, quyết định này có hiệu lực, các đương sự không được khởi kiện chia tài sản chung. Nhưng điều đó không cản trở các đương sự khởi kiện chia thừa kế, nếu theo quy định của BLDS 2015 thời hiệu khởi kiện vẫn còn, vì đó là hai quan hệ pháp luật khác nhau. Chủ thể trong quan hệ chia tài sản chung có thể giống quan hệ thừa kế và có thể khác nhau (nếu các thừa kế cho cả người không trong diện thừa kế được hưởng tài sản chung có nguồn gốc là di sản), nên việc thụ lý đơn khởi kiện thừa kế không vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 218, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015.

Nếu điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết triển khai theo hướng này thì sẽ không những phù hợp với lý luận, quy định của pháp luật, mà còn phù hợp cả với thực tế.

Do Nghị quyết xuất phát từ quan hệ thừa kế nên đã quy định khi giải quyết yêu cầu chia tài sản chung mà Tòa án đình chỉ giải quyết thì đương sự được khởi kiện lại, còn trường hợp Tòa án ra bản án bác yêu cầu khởi kiện chia tài sản chung, đương sự không được khởi kiện lại. Sự lựa chọn này không chỉ tạo sự thiếu nhất quán ngay trong cùng một quan hệ, mà còn không bảo đảm tính công bằng, hợp lý.

2. Trường hợp được khởi kiện lại quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thừa kế đang có hiệu lực vì lý do hết thời hiệu

Khoản 1 Điều 218, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 quy định, không được thụ lý giải quyết lại khi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đang có hiệu lực pháp luật với lý do hết thời hiệu. Trong khi đó, Hội đồng thẩm phán lại vận dụng quy định “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” của điểm d khoản 2 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 để hướng dẫn cho việc thụ lý giải quyết lại chỉ riêng với quan hệ thừa kế. Có thể nói rằng, quy định này đã vượt ra khỏi phạm vi của văn bản hướng dẫn thi hành luật vì có nội dung mang tính chất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS 2015.

Chúng tôi chia sẻ quan điểm với Hội đồng thẩm phán khi muốn tạo ra sự công bằng trong phần lớn các trường hợp (chỉ đáp ứng phần lớn, vì những trường hợp trong bản án Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết thì không áp dụng như đã quy định ở đoạn cuối điểm a, b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết) hết thời hiệu dù có quyết định đình chỉ hay không có quyết định đình chỉ đều được giải quyết lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các quy định của pháp luật đều đi sau cuộc sống, do vậy, chỉ có thượng tôn pháp luật mới tạo sự công bằng.

3. Trường hợp cho khởi kiện những trường hợp đã có quyết định đình chỉ

Khác với hình sự, trong quan hệ dân sự bên này được thì bên kia mất, nên mọi quy định sửa đổi, bổ sung luật phải tính đến tính ổn định và phát triển, lấy mục tiêu phát triển là chủ đạo, nhằm tạo đà phát triển kinh tế – xã hội; nhưng mất mát phải ít nhất có thể, nếu thoát ly tư duy này sẽ là sự thất bại trong lập pháp thuộc lĩnh vực luật dân sự.

Quy định tại Điều 7 của Nghị quyết có thể không gặp khó khăn khi giải quyết đối với những trường hợp Tòa án mới ra quyết định đình chỉ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quy định thời hiệu về thừa kế bắt đầu xuất hiện trong Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và về lý thuyết, đến năm 2000 bắt đầu áp dụng quy định về thời hiệu. Do đó, những năm về sau đã xuất hiện quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thừa kế vì lý do hết thời hiệu, và quyết định này ngày một nhiều sau khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS 2004.

Ngoài ra, thực tế xem xét đơn giám đốc thẩm các vụ án thừa kế cho thấy, nhiều trường hợp, sau khi Tòa án có quyết định đình chỉ thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho một hay một số người thừa kế.

Bên cạnh đó, cho dù chưa được cấp giấy, hay đã được cấp giấy chứng nhận, cũng có không ít trường hợp bên thừa kế đang quản lý di sản đã xây dựng nhà ở, công trình mới trên nhà, đất nguyên là di sản, đã tặng cho con, cháu, người thân, đã chuyển nhượng… Mối quan hệ gia đình sóng gió một thời, vừa lắng xuống sau quyết đình đình chỉ giải quyết, thì nay, bằng quy định tại Điều 7 của Nghị quyết, các cơ hội tạo ra sóng gió mới không chỉ trong nội bộ gia đình, mà cả những chủ thể sau khi biết đã có quyết định đình chỉ giải quyết chia thừa kế của Tòa án đã tham gia mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản… nổi lên. Các đối tượng này sẽ đứng ngồi không yên, ít nhất cũng phải tham gia “đáo tụng đình”, khi có thừa kế, căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị quyết để khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.

4. Hướng dẫn về đường lối giải quyết quan hệ có liên quan đối với các trường hợp cho giải quyết lại nói chung, và trường hợp giải quyết lại khi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đang có hiệu lực

Cho phép khởi kiện lại những trường hợp luật không cấm là cần thiết, điều đó cũng có nghĩa ngoài việc phân chia thừa kế, Tòa án sẽ phải giải quyết các quan hệ dân sự hình thành sau khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, nhất là sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết, như thế nào cho hợp lý. Đây là một khó khăn không nhỏ đối với các thẩm phán. Bởi lẽ, đường lối giải quyết sẽ rất khác nhau giữa trường hợp tặng cho, với trường hợp chuyển nhượng đã hoàn thành về hình thức; trường hợp chưa xây dựng với trường hợp đã phá nhà đất di sản để xây dựng nhà mới, biến đất thổ cư, đất vườn thành vườn cây, ao nuôi tôm, cá; giữa trường hợp nhà đất được cấp giấy chứng nhận sau khi có quyết định đình chỉ mà chuyển nhượng, tặng cho… với nhà, đất chưa được cấp giấy chứng nhận đã chuyển nhượng, tặng cho…, và sẽ vô cùng khó khăn khi giải quyết trường hợp nhà đất đã chuyển nhượng, tặng cho… qua nhiều chủ, bởi diễn biến của gần 20 năm sau quyết định đình chỉ. Và còn rất nhiều trường hợp khác liên quan đến vấn đề nêu trên, nhưng chưa được Hội đồng thẩm phán hướng dẫn trong Nghị quyết này./.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP Số 01 (353) Kỳ 1 – Tháng 01/2018

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/ve-tinh-hop-li-cua-khoan-3-111ieu-7-nghi-quyet-so-04-2017-nq-h111tp 

Bài viết liên quan