Như PLVN đã phản ánh, chỉ sau 7 giờ truy xét, các lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Đà Nẵng đã lần ra tung tích, bắt nóng đối tượng giết người rồi phân xác phi tang gây rúng động dư luận trên địa bàn vào ngày 7/2.
Nghi phạm người Trung Quốc tên gọi tiếng Việt là Tiêu Quý Bình (SN 1993, ngụ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc), nạn nhân cũng là người Trung Quốc. Bước đấu xác định, do mâu thuẫn trong việc chia tiền thắng thua khi chơi bài, Bình ra tay sát hại nạn nhân, sau đó chặt xác cho vào túi ni lon và va li để phi tang…
Chiến công xuất sắc của lực lượng Công an TP. Đà Nẵng trong những ngày đầu năm mới đã nhận được nhiều khen ngợi từ người dân…
Tuy nhiên, dư luận tại Đà Nẵng đang băn khoăn trường hợp này có áp dụng Luật dẫn độ hay không?Trong khi đó, Phó Giám đốc Công an có nói sẽ truy tố và xét xử tại Việt Nam. Vậy, nếu xét xử tại Việt Nam, mức án nào dành cho đối tượng trên?
|
Hộ chiều nghi can Tiêu Quý Bình |
Luật sư Mai Quốc Việt, Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng đã trả lời PLVN về vấn đề này
Theo luật sư Mai Quốc Việt, quy định pháp luật hiện hành trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam, trừ những người có thân phận ngoại giao được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, còn lại chính sách xử lý hành vi vi phạm về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
|
Luật sư Mai Quốc Việt trả lời với PLVN về việc có dẫn độ đối tượng Trung Quốc bước đầu nghi giết đồng hướng |
Trong sự việc nêu trên, nếu có cơ sở để xác định đối tượng người Trung Quốc thực hiện hành vi giết người, rồi phi tang như báo chí vừa nêu thì đã vi phạm pháp luật của Việt Nam. Do vậy, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam, ở đây Công an TP. Đà Nẵng sẽ điều tra, giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Tuy nhiên, khi xử lý do nạn nhân và người phạm tội cũng có Quốc tịch Trung Quốc, do vậy việc xác định được nhân thân của nạn nhân, của người phạm tội cũng gặp nhiều khó khăn; quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa,…, đòi hỏi phải có người phiên dịch. Do đó, cơ quan chức năng thông thường sẽ gửi thông báo, yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ, giúp đỡ trong việc xác minh thông tin, giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam – Trung Hoa ký năm 1998.
Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể trục xuất người phạm tội ra khỏi Việt Nam và dựa vào các hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm, hoặc hiệp định tương trợ tư pháp, để giải quyết theo đúng luật pháp, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 33, Luật Tương trợ tư pháp 2007 có quy định: “Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.”
Như vậy, có thể nhận thấy, bước đầu tiên thẩm quyền giải quyết vụ án đang thuộc Công an TP. Đà Nẵng giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, căn cứ vào tình tiết của vụ án, cũng như những sự trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối tượng, nghi can cũng có thể được dẫn độ về nước sở tại để xử lý.
Trường hợp, đối tượng được xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam, thì với hành vi giết người rồi phân thi thể nạn nhân, bỏ vào vali và mang đi phi tang là một hành động rất man rợ, là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Theo đó, đối tượng thực hiện hành vi nêu trên có dấu hiệu phạm tội với tội danh “Tội Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, và với tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ”, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có khả năng bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Vũ Vân Anh báo Pháp luật Việt Nam