Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Muốn hủy hợp đồng bán đất đã công chứng phải làm như thế nào?

Muốn hủy hợp đồng bán đất đã công chứng phải làm như thế nào?

Tháng 12 vừa rồi tôi có bán một mảnh đất cho bạn tôi. Sau khi thỏa thuân giá cả, chúng tôi đi đến thống nhất và có ký hợp đồng mua bán mảnh đất có công chứng vào ngày 10/12/2019. Đến nay, do một số vấn đề về kinh tế gia đình, ban tôi không thể mua đất nữa. Ở chỗ quen biết và là bạn lâu năm nên hai chúng tôi quyết định hủy hợp đồng này. Tuy nhiên, vì hợp đồng đã có công chứng nên tôi không biết có hủy được không. Quý Công ty tư vấn cho tôi biết làm sao để hủy hợp đồng đã công chứng? Việc hủy như vậy có đem lại hậu quả hay tiếng xấu cho mảnh dất của tôi sau này không?

Cảm ơn Qúy khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến cho Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với yêu cầu tư vấn của Quý khách, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, FDVN có những tư vấn như sau:

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định “Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó”. Theo đó, việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của các bên tham gia hợp đồng này. Trong trường hợp của Quý khách, nếu Quý khách và bạn của Quý khách đã thảo thuận và quyết định hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng đã được công chứng thì hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng có thể được hủy bỏ.

Tiếp đó, tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 51 Luật Công chứng có quy định:

Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch

  1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
  2. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”

Về trình tự, thủ tục hủy bỏ thực hiện hợp đồng đã công chứng thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng quy định tại Luật công chứng 2014. Để dễ hiều hơn, FDVN tóm gọn và tư vấn cho Quý khách thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Quý khách nộp hồ sơ yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đã công chứng đến văn phòng công chứng đã công chứng hợp đồng trước đó. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.

Hồ sơ phải nộp bao gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng

Trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

Trường hợp trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Bước 2: Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng

Bước 3: Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Thanh Trà – FDVN LawFirm

Bài viết liên quan