Vào tháng 12/2017, tôi có mua của anh A một chiếc laptop giá 10 triệu đồng. Sau một thời gian, anh A bị cơ quan điều tra khởi tố về tội trộm cắp tài sản và tài sản mà anh A trộm chính là chiếc laptop tôi đã mua. Khi mua chiếc laptop tôi hoàn toàn không hề biết là tài sản do trộm cắp mà có. Vậy cho tôi hỏi, nếu chủ tài sản đến đòi lại chiếc laptop thì tôi có nghĩa vụ phải trả hay không? Tôi có lấy lại tiền được không?
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Trước hết, xét giao dịch giữa Anh/Chị và anh A về việc mua bán chiếc laptop là tài sản anh A phạm tội mà có thì giao dịch mua bán này bị vô hiệu bởi nội dung của giao dịch này vi phạm điều cấm của pháp luật khi anh A không phải là chủ sở hữu của chiếc laptop này nhưng đã bán cho Anh/Chị, tài sản giao dịch mua bán là tài sản do phạm tội mà có.
Đồng thời, dù trong trường hợp này khi giao dịch mua bán, Anh/Chị không hay biết chiếc laptop này là tài sản bị trộm cắp, là người chiếm hữu ngay tình; tuy nhiên theo quy định tại Điều 167 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”
Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù Anh/Chị là người chiếm hữu ngay tình nhưng do chiếc laptop Anh/Chị đã mua từ Anh A là tài sản không phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu và đã bị lấy cắp nên chủ sở hữu thật sự của chiếc laptop này có quyền đòi lại chiếc laptop này từ Anh/Chị theo quy định nêu trên. Anh/Chị phải trả lại cho chủ sở hữu trường hợp chủ sở hữu yêu cầu.
Khi đó, vì giao dịch mua bán giữa Anh/Chị và anh A vô hiệu nên giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Điều này đồng nghĩa với việc, anh A có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền đã nhận cho Anh/Chị và bồi thường các thiệt hại phát sinh nếu có. Riêng chiếc laptop là tài sản phạm tội mà có phải được bàn giao lại cho cơ quan điều tra để trả lại cho chủ sở hữu.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo CVPL: Nguyễn Công Tín
Công ty Luật FDVN