Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Mua đất đang bị thi hành án có được không?

Mua đất đang bị thi hành án có được không?

 Công ty cho hỏi; Tôi và bà A cùng mua lại thửa đất của ông B và được Văn phòng đăng ký đất đai huyện P xác nhận ngày 15/5/2018. Ngày 22/06/2018 Bà A chuyển nhượng phần quyền sử dụng đất mà trước đây tôi và bà A cùng mua của ông B cho tôi. Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng. Tuy nhiên, trong quá trình sang tên thì Phòng đăng ký trả lời tôi rằng quyền sử dụng đất của bà A đang bị thi hành án nên không thể sang tên. Ngày 22/8/2018 Chi cục thi hành án huyện P ra quyết định về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với thửa đất trên để tránh tẩu tán tài sản của bà B khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ theo nội dung Bản án số 179/DSPT ngày 21/8/2013. Vậy việc Chi cục thi hành án ra quyết định trên đúng hay sai? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Dựa trên yêu cầu tư vấn của bạn, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật Công ty TNHH MTV FDVN (FDVN) đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

[1]. Quy định pháp luật về thi hành án

Luật Đất đai 2013 tại Khoản 1 Điều 188 quy định một trong các điều kiện để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất là “Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án”.

Tiếp đó, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008: “Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.”

Căn cứ Điều 19 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/07/2015 Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án Dân sự: “Kể từ thời điểm nhận được quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, cơ quan đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi nhận được quyết định của Chấp hành viên về chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”

Đồng thời, tại thời điểm Bản án phúc thẩm số 179/DSPT ngày 21/8/2013 có hiệu lực, Khoản 1 Điều 6 Thông tư 14/2010/TTLT-TANDTC-VKSNDTC, ngày 26/07/2010 Về hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự có quy định:

“1. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.”

Như vậy, đối chiếu quy định trên thì Bà A đang phải thi hành bản án số 179/DSPT ngày 21/8/2013 , tuy nhiên tháng 5/2018 Bà A và bạn cùng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Tráng, do đó, tại thời điểm này, Bà A không dùng tài sản của mình để thi hành bản án mà lại tiếp tục chuyển nhượng và không dùng số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thi hành bản án dân sự thì diện tích đất bị kê biên và xử lý để đảm bảo thi hành án.

[2]. Phương án bảo vệ quyền và lợi ích của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong trường hợp này, bạn và bà B đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đã được công chứng. Tuy nhiên, không thể đăng ký sang tên do tài sản trên của bà B đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bạn hoàn toàn có thể khởi kiện Bà B trả lại toàn bộ số tiền đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của bạn trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng các ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho bạn.

                                                                                                                         Dương Hoài Thương – FDVN

 

Bài viết liên quan