Giáo sư James F Harrigan, chuyên gia tư vấn pháp lý cho cơ quan Thi hành án San Francisco, California, Hoa Kỳ từng khẳng định: “Việc thi hành các bản án của quốc gia là yếu tố quan trọng nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật”. Điều này đúng với việc áp dụng pháp luật của Việt Nam. Bởi vì, thi hành án (THA) là một trong những hoạt động thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tính uy nghiêm của Nhà nước. Hoạt động thi hành án là hoạt động đưa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Bản án, quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước khi được chấp hành nghiêm chỉnh có tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.
Theo quy định của pháp luật về thi hành án, việc thi hành án dân sự có thể được thực hiện bằng một trong ba biện pháp sau: (1) thoả thuận thi hành án, (2) tự nguyện thi hành án, (3) cưỡng chế thi hành án. Trong đó, thỏa thuận thi hành án dân sự (THADS) là sự tự nguyện của các đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án) nhằm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi để đi đến thống nhất thi hành một phần hay toàn bộ nội dung bản án, quyết định dân sự trên cơ sở quyền và nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo bản án, quyết định dân sự đó[1]. Đây là biện pháp THA hiệu quả và bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa các đương sự trong THA. Bởi vì, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau thì họ sẽ tự THA, cơ quan, tổ chức THA không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nó giúp việc thực hiện bản án, quyết định dân sự một cách nhanh nhất, thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của đương sự, Nhà nước.
1. Quy định của pháp luật về thoả thuận THADS
Thoả thuận THADS được ghi nhận đầu tiên tại Pháp lệnh thi hành án dân sự (PLTHADS) năm 1989, sau đó được tiếp tục sửa đổi, bổ sung qua các văn bản pháp luật là PLTHADS năm 1993, PLTHADS năm 2004 và đến nay là Luật thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) (sau đây gọi là “Luật THADS”) và được hướng dẫn tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Gần đây nhất, ngày 17/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP). Nghị định đã có những sửa đổi, bổ sung cần thiết liên quan đến thỏa thuận THA, giải quyết một số vấn đề tồn tại mà các văn bản trước đó chưa giải quyết được.
Quyền thỏa thuận thi hành án được ghi nhận tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự: “1. Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án. 2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
Theo quy định trên, chủ thể có quyền yêu cầu THADS là đương sự, bao gồm người được THA và người phải THA[2]. Đương sự có quyền thoả thuận THA vào các thời điểm sau của giai đoạn THA: (1) trước khi yêu cầu THA, (2) đã yêu cầu nhưng cơ quan THADS chưa ra quyết định THA hoặc đã ra quyết định THA hoặc (3) cơ quan THADS đang tổ chức THA[3]. Việc quy định này nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt và thoả thuận của mình.
Pháp luật cũng đã quy định rõ hình thức của thỏa thuận phải “bằng văn bản” và các nội dung cần thể hiện trong biên bản thỏa thuận.
Trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án thì thỏa thuận đó phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia.
Pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của đương sự khi thực hiện thỏa thuận thi hành án. Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó.
Trường hợp đương sự thỏa thuận đình chỉ thi hành án sau thời điểm tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc đã bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được tài sản cho họ thì việc thỏa thuận phải được sự đồng ý của người trúng đấu giá, người mua tài sản hoặc người nhận tài sản.
Trường hợp cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó. Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành.
Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp thoả thuận THA tại thời điểm cơ quan THADS đã ra quyết định THA hoặc đang tổ chức THA. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan THADS. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận[4]. Hiện nay, pháp luật đã bỏ quy định về việc chứng kiến thoả thuận ngoài trụ sở cơ quan THADS và chi phí chứng kiến thoả thuận THA.
- Một số vướng mắc đối với quy định của pháp luật về thoả thuận thi hành án
Thứ nhất, các điều kiện đối với thoả thuận thi hành án không được quy định tập trung mà được quy định tại nhiều điều khoản trong Luật và Nghị định hướng dẫn
Theo Điều 6 Luật THADS thì đương sự có quyền thoả thuận về việc THA, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định thêm: “4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận”.
Từ hai căn cứ pháp lý trên, có thể nhận thấy, một thoả thuận thi hành án dân sự chỉ được công nhận khi đảm bảo 05 điều kiện sau:
- Không vi phạm điều cấm của pháp luật
- Không trái đạo đức xã hội
- Đúng với thực tế
- Không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba
- Không nhằm trốn tránh phí thi hành án
Việc quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, quy định về điều kiện của thoả thuận thi hành án không tập trung cùng một điều luật trong cùng một văn bản, điều này gây khó khăn cho trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai, quy định về chủ thể có quyền thoả thuận thi hành án không thống nhất và “bỏ sót” đối tượng cần bảo vệ
Theo quy định tại Điều 6 Luật THADS, thì đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật THADS, đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
Điều này đồng nghĩa với việc, chủ thể có quyền thoả thuận thi hành án bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề thỏa thuận thi hành án dân sự không chỉ liên quan đến người được thi hành án và người phải thi hành án mà còn liên quan đến người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Việc không có quy định liên quan đến đối tượng này, một mặt, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đối tượng này, vì không được tham gia vào thỏa thuận thi hành án dân sự nên họ không có tiếng nói trong thỏa thuận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, họ cũng không biết các đương sự thỏa thuận như thế nào, thỏa thuận đó ảnh hưởng đến mình ra sao, họ ở thế bị động trong thỏa thuận thi hành án dân sự. Mặt khác, vì không được tham gia vào thỏa thuận dân sự, nên họ có tâm lý bị bỏ rơi trong thỏa thuận, họ có thể không thực hiện những thỏa thuận của đương sự vì cho rằng mình không được tham gia thảo luận, không có tiếng nói. Chính vì vậy, cần thiết phải có quy định người có quyền và nghĩa vụ liên quan được tham gia vào thỏa thuận thi hành án dân sự.
Mặt khác, theo điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự cũng quy định người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án. Khái niệm “thỏa thuận” được hiểu là phải có sự tự nguyện, đồng ý của ít nhất từ 02 bên trở lên, do đó, theo quy định trên thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền thỏa thuận thi hành án với người được thi hành án và người phải thi hành án. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 6 với Điều 7 và Điều 7a của Luật Thi hành án dân sự về chủ thể có quyền thỏa thuận thi hành án.
Ngoài ra, quy định về chủ thể thỏa thuận thi hành án tại Điều 7, Điều 7a Luật Thi hành án dân sự lại chưa thống nhất với các điều khoản khác có quy định về thỏa thuận trong thi hành án, ví dụ: Điểm a khoản 2 Điều 78, khoản 1 và khoản 2 Điều 98, khoản 2 Điều 103, khoản 3 Điều 135.
Thứ ba, còn nhiều quy định là kẻ hở để đương sự lợi dụng để kéo dài thời gian yêu cầu thi hành án
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án, trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất chung biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định pháp luật hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này thường không thực hiện được do sự không phối hợp của người THA và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản. Một số tình huống thường gặp là họ không chịu tự thoả thuận phân chia, đồng thời cũng không yêu cầu toà án phân chia hoặc khi Toà án giải quyết thì họ không cung cấp lời khai về công sức đóng góp trong khối tài sản chung, do đó Toà án không có cơ sở để toà án giải quyết việc phân chia tài sản[5].
Mặt khác, Luật THADS không quy định chế tài khi người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu, sử dụng chung cố tình không thỏa thuận phân chia tài sản chung phải thi hành án hoặc không yêu cầu Tòa án giải quyết. Chính vì vậy, trường hợp những người này không thiện chí, không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên thì cũng không có biện pháp chế tài nào đối với họ, đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi hành án kéo dài.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thoả thuận ở giai đoạn cơ quan THA đã ra quyết định THA là do các bên tự thoả thuận và ghi vào băn bản thoả thuận. Điều này rất khó thực hiện trên thực tế, bởi khi các bên đã cố tình không hợp tác thì bất cứ thoả thuận gì cũng không thực hiện. Việc quy định trên chưa đủ tính răn đe và bắt buộc đương sự phải thi hành, đã tạo điều kiện để cho đương sự cố tình lách luật, cố tình chống đối, chây ỳ, ỷ lại để kéo dài thời gian thi hành án, gây thiệt hại cho cho bên bị vi phạm.
- Khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự quy định việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau: “… b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản”. Theo đó, quyền yêu cầu định giá lại được thực hiện sau khi kê biên, định giá tài sản cho đến trước khi thông báo công khai về việc bán đấu giá.
Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự không có quy định nào yêu cầu đương sự phải nêu lý do làm căn cứ cho yêu cầu của mình. Điều này có nghĩa là việc định giá do các bên thỏa thuận ngay tại thời điểm kê biên cũng có thể bị người phải thi hành án, người được thi hành án yêu cầu giám định lại. Chính vì chưa có quy định về vấn đề này nên dễ dẫn đến sự tùy tiện hoặc cố tình lợi dụng quyền yêu cầu giám định lại để kéo dài thời gian thi hành án, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
- Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thoả thuận trong thi hành án dân sự
Thứ nhất, cần có quy định thống nhất trong một điều luật về điều kiện có hiệu lực của Thoả thuận THA để thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai, cần quy định người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong THADS là đương sự và họ có quyền thoả thuận THADS nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Thứ ba, cần quy định chế tài khi người phải THA và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử đất cố tình gây khó khăn, kéo dài quá trình THA khi có các hành vi không thoả thuận phân chia tài sản chung, quyền sử dụng đất chung phải THA hoặc không yêu cầu toà án giải quyết hoặc không hợp tác trong quá trình Toà án giải quyết nhằm kéo dài thời hạn THA.
Thứ tư, cần quy định khi các bên thoả thuận được về giá tài sản kê biên thì các bên không được yêu cầu định giá lại tài sản. Quy định như vậy mới tạo cho đương sự ý thức tôn trọng các thoả thuận của chính họ đưa ra, cũng như ý thức chấp hành pháp luật nói chung.
Thứ năm, cần quy định rõ hơn về hiệu lực và giá trị pháp lý của thoả thuận THADS. Đồng thời phải có quy định về chế tài đối với trường hợp các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thoả thuận; quy định về bồi thường thiệt hại nếu việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thoả thuận gây thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Thứ sáu, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục của chấp hành viên để phát huy tối đa vai trò của chấp hành viên trong việc thuyết phục đương sự thoả thuận với nhau, đảm bảo quyền lợi của các bên nhưng vẫn giữ được hoà khí, giảm bớt căng thẳng không cần thiết, trên cơ sở đó dẫn dắt các đương sự về những vấn đề có thể thoả thuận được. Đồng thời đảm bảo thoả thuận đó phù hợp với các quy định của pháp luật và thực hiện được trên thực tế.
Thứ bảy, cần tăng cường công tác phổ biến quy định pháp luật về thoả thuận THADS cho các đương sự ngay từ giai đoạn tố tụng để các đương sự nắm được các quyền, nghĩa vụ của mình, từ đó chủ động thực hiện thoả thuận việc THA, giảm bớt công việc của cơ quan THA cũng như căng thẳng trong quan hệ xã hội./.
Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật FDVN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ths. Trần Trung, Sự thoả thuận của các đương sự trong THADS, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/su-thoa-thuan-cua-duong-su-trong-thi-hanh-an-dan-su-3430#:~:text=Th%E1%BB%8Fa%20thu%E1%BA%ADn%20thi%20h%C3%A0nh%20%C3%A1n%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%20l%C3%A0%20s%E1%BB%B1%20t%E1%BB%B1,quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%20%C4%91%C3%B3.
[2] Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014
[3] Khoản 1, 2, 3 Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020.
[4] Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020.
[5] Ths. Trần Trung, Sự thoả thuận của các đương sự trong THADS, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/su-thoa-thuan-cua-duong-su-trong-thi-hanh-an-dan-su-3430#:~:text=Th%E1%BB%8Fa%20thu%E1%BA%ADn%20thi%20h%C3%A0nh%20%C3%A1n%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%20l%C3%A0%20s%E1%BB%B1%20t%E1%BB%B1,quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%20%C4%91%C3%B3.
[6] Lê Thuỳ Linh, Luận văn thạc sĩ: Thoả thuận thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nguồn: https://www.slideshare.net/trongthuy3/luan-van-thoa-thuan-thi-hanh-an-dan-su-theo-phap-luat-viet-nam.
…………………………….
99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/