Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÚC MẮC VỀ PHÁP LUẬT THỪA KẾ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÚC MẮC VỀ PHÁP LUẬT THỪA KẾ

NGUYỄN QUANG LỘC – Nguyên Thẩm phán TANDTC

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã dành phần thứ tư để quy định về thừa kế, theo đó phần thứ tư bao gồm 04 chương và 54 điều (từ Điều 609- đến Điều 662). Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS về thừa kế, chúng tôi cũng còn băn khoăn về một số quy định, xin nêu để các bạn tham khảo.

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành phần thứ tư để quy định về thừa kế, theo đó phần thứ tư bao gồm 04 chương và 54 điều (từ Điều 609- đến Điều 662). BLDS không đưa quy định và khái niệm thừa kế.

Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác, việc chuyển dịch tài sản này có thể bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật dân sự quy định.

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa thế được pháp luật bảo hộ”. Bảo hộ quyền thừa kế tức là bảo hộ quyền sở hữu tư nhân hay chỉ khi có quyền sở hữu tư nhân thì mới có quyền thừa kế.

Về cơ bản các quy định trong 04 chương (những quy định chung, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia tài sản) của BLDS là tương đối rõ ràng, đầy đủ và đã khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS về thừa kế, chúng tôi cũng còn băn khoăn về một số quy định.

  1. Về quy định tại khoản 3 Điều 615 thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Người được hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Luật chỉ quy định phần di sản thừa kế đã chia ở thời điểm chia thừa kế mà không quy định việc phát minh hoa lợi, lợi tức từ di sản thừa kế mà người thừa kế đã nhận. Vậy, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại có được tính cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần di sản mà người thừa kế đã nhận không?.

Chúng tôi cho rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản (di sản) mà người thừa kế được chia là tài sản hình thành trong tương lai của cả người để lại thừa kế và người nhận thừa kế nên được coi là phần tài sản thanh toán nghĩa vụ của người chết đã để lại di sản.

  1. Về thời hiệu thừa kế

Khoản 1 Điều 623 BLDS quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Vậy người thừa kế đang quản lý di sản có phải tính đến hàng thừa kế không? Thời hạn nêu trên được tính như thế nào?

– Luật không quy định hàng thừa kế, trong trường hợp này người thừa kế đang quản lý di sản có thể là ở hàng thứ nhất, hàng thứ hai hoặc hàng thứ ba.

Ví dụ: Một người thừa kế ở hàng thứ ba đang quản lý di sản thừa kế và họ đã quản lý hơn 30 năm đối với bất động sản và hơn 10 năm đối với động sản thì họ là chủ sở hữu của di sản đó. Những người thừa kế ở hàng thứ nhất hoặc hàng thứ hai không còn quyền khởi kiện chia thừa kế hoặc đòi tài sản.

Nếu người thừa kế đang quản lý di sản nhưng chưa quá 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản thì những người thừa kế có quyền khởi kiện chia thừa kế.

– Trường hợp người thừa kế đã qua quản lý di sản xấp xỉ 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản nhưng lại giao quyền quản lý di sản cho người thừa kế khác (là đồng thừa kế) và người này mới chỉ mới chỉ đang quản lý di sản theo quy định thì họ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Như vậy có thiệt thòi cho người thừa kế trước đó không? Rõ ràng là không hợp lý bởi trong khối di sản đó còn có công duy trì, tôn tạo của người thừa kế trước đó. Do đó, nếu không thỏa thuận được thì người thừa kế có quyền kiện đòi những công sức này.

– Trường hợp người quản lý di sản không phải là người thừa kế nhưng họ chiếm hữu (người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai) trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ ngày chiếm hữu tài sản. Nếu người chiếm hữu di sản thừa kế chưa đủ các thời hạn nêu trên và thời hiệu thừa kế vẫn còn thì người thừa kế vẫn có quyền kiện thừa kế.

Tuy nhiên, nếu người chiếm hữu di sản thừa kế đã quá các thời hạn nêu trên nhưng thời hiệu khởi kiện thừa thế vẫn còn thì giải quyết thế nào?

Ví dụ: A chiếm hữu di sản thừa kế từ năm 1985, đến năm 2018 thì các thừa kế kiện thừa kế kiện thừa kế vì thừa kế còn trong thời hiệu khởi kiện thừa kế mở năm 2018.

Như vậy A đã chiếm hữu di sản thừa kế 33 năm và thời hiệu thừa kế thì mới chỉ có 01 năm.

Theo chúng tôi, khi thời hiệu thừa kế còn thì các thừa kế vẫn có quyền thừa kế, có quyền yêu cầu chia thừa kế. Người chiếm hữu chỉ có thể được trở thành chủ sở hữu khi mà hết thời hiệu thừa kế, việc họ chiếm hữu di sản bao nhiêu năm không còn ý nghĩa để xác định sở hữu. Đây là một vấn đề mới quy định trong BLDS cần có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Thảo luận của Civillawinfor:

Liên quan đến thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, xét về lý thuyết pháp lý sẽ lý tưởng hơn nếu BLDS không quy định về loại thời hiệu này, vì kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế hợp pháp đã xác lập quyền sở hữu đối với di sản được hưởng.

Tuy nhiên, do còn có nhiều e ngại về việc không quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản có thể dẫn tới việc giải quyết vụ việc thừa kế luôn trong tình trạng kéo dài, thu thập chứng cứ, chứng minh sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể làm  xáo trộn các quan hệ có liên quan trong xã hội… nên vấn đề này tiếp tục được ghi nhận trong BLDS năm 2015 nhưng có sửa đổi, bổ sung để có tính hợp lý và tính khả thi hơn (ít nhất là theo mong muốn của nhà làm luật).

Thời hiệu yêu cầu chia di sản và thời hạn chiếm hữu của người quản lý di sản là hai loại thời hạn có mục đích và hậu quả pháp lý khác nhau. Thời hạn chiếm hữu của người quản lý di sản là khoảng thời gian mà người này nắm giữ, chi phối một cách trực tiếp hoặc gián tiếp di sản trong phạm vi quyền, nghĩa vụ quản lý di sản của mình.

Thời hiệu yêu cầu chia di sản là khoảng thời gian theo luật định mà trong khoảng thời gian này người thừa kế hoặc người quyền, lợi ích liên quan khác phải thực hiện yêu cầu chia di sản. thời hiệu yêu cầu chia di sản không dựa trên và cũng không phụ thuộc vào thời hạn chiếm hữu di sản của người quản lý. 

Về hậu quả pháp lý, BLDS năm 2015 quy định đường lối giải quyết theo các cách tiếp cận sau đây:

Thứ nhất, trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế mà những người thừa kế có đủ điều kiện yêu cầu nhưng không yêu cầu thì họ phải gánh chịu chịu một hậu quả pháp lý bất lợi theo luật định đó là họ mất quyền thừa kế đối với di sản và làm xác lập quyền sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác đối với di sản đó. Tức là bản chất pháp lý của giải quyết vụ việc lúc này không còn là thực hiện quyền thừa kế nữa mà là xác định cá nhân, tổ chức nào được xác lập quyền sở hữu với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia.

BLDS cũng đã quy định rõ cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình. Liên quan đến vấn đề này, thời hiệu yêu cầu chia di sản và hậu quả pháp lý của hết thời hiệu là công khai do được quy định cụ thể bởi luật, do đó người thừa kế và người đại diện hợp pháp của họ biết hoặc phải biết về quy định này (trừ trường hợp có các căn cứ tại Điều 156 BLDS), việc họ không có yêu cầu chia di sản trong thời hiệu luật định thì họ phải chấp nhận hậu quả bất lợi cho mình.

Thứ hai, việc lựa chọn người thừa kế quản lý di sản được xác lập quyền sở hữu đối với di sản họ đang quản lý không phải vì họ thuộc diện được thừa kế mà là chính sách của nhà làm luật trong xác định thứ tự ưu tiên xác lập quyền đối với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản so với người đang chiếm hữu khác hoặc Nhà nước.

Việc lựa chọn ưu tiên người thừa kế đang quản lý di sản trước hết là để bảo đảm sự ổn định của các giao dịch và các quan hệ khác có liên quan, đồng thời bảo đảm phù hợp với truyền thống trong kế thừa, quản lý di sản của gia đình Việt Nam (thường là những người có quan hệ họ hàng thân thuộc với người để lại di sản thực hiện việc quản lý)…

Vì thế, nhà làm luật không quan tâm người thừa kế quản lý di sản trong thời hạn bao lâu mà chỉ cần xác định tại thời điểm hết thời hiệu yêu cầu, người thừa kế nào đang trực tiếp quản lý di sản thì di sản thuộc về họ (việc xem xét xác định người thừa kế quản lý sản theo hàng thừa kế lúc này đã là vô nghĩa).

Ví dụ: cả A và B đều là người thừa kế theo pháp luật, A đã quản lý di sản là bất động sản được 28 năm, sau đó chuyển di sản này cho B quản lý được 2 năm thì hết thời hiệu yêu cầu, trường hợp này di sản thuộc về B .

Thứ ba, trường hợp di sản được nhiều người quản lý ở những thời điểm khác nhau thì di sản được xác định thuộc về người thừa kế đang trực tiếp quản lý tại thời điểm hết thời hiệu yêu cầu chia di sản, nhưng những người đã từng quản di sản khác  có thể căn cứ quy định tại Điều 618 BLDS để yêu cầu người được xác lập quyền sở hữu đối với di sản thanh toán cho mình các chi phí hoặc lợi ích tương ứng với thời gian, công sức thực hiện việc quản lý di sản.

  1. Về di chúc miệng Điều 629 BLDS

Theo chúng tôi, quy định về di chúc miệng khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là trong những trường hợp mà hai người làm chứng không thể ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và trong thời hạn 05 ngày phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực.

Người lập di chúc miệng thường là người đang ở trong tình trạng tình trạng nguy kịch đến tính mạng như bện nặng sắp chết hoặc khi gặp hoạn nạn. Chẳng hạn bị đắm tàu giữa biển, lời của họ nhắn gửi lại thường được coi là trăn trối. Giả sử có hai người cùng bị đắm tàu nghe được lời trăn trối đó thì họ cũng không thể ghi chép, chứng thực, chứng nhận theo quy định của Luật, nếu họ không được cứu thoát và trở về trong vòng 05 ngày.

Như vậy, di chúc miệng không đảm bảo về mặt hình thức và sẽ không được chấp nhận. Người để lại di sản thừa kế không thể thực hiện hoặc được thực hiện ý chí của họ bởi thừa kế được thực hiện theo luật.

Theo đó, luật cần cân nhắc thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép chứng nhận, chứng thực cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

  1. Về hình thức của di chúc

Khoản 3 Điều 631 BLDS quy định “Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.

Quy trình này phù hợp với di chúc được lập thành văn bản do người để lại di chúc, tự đánh máy, nhờ người đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ. Người để lại di chúc ký hoặc điểm chỉ vào từng trang để xác nhận đó là ý chí của họ.

Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản do chính người để lại di chúc viết cũng phải ký tên, điểm chỉ trong từng trang di chúc có lẽ không cần thiết bởi ý chí của họ đã thể hiện trên từng chữ của di chúc.

Sẽ là trái ý chí của người để lại di chúc khi họ chỉ ký vào trang cuối cùng của di chúc mà không ký từng trang. Vậy những trang không ký là không có giá trị pháp lý về hình thức.

Giả sử trang cuối cùng chỉ có vài câu như “Tôi để lại di chúc này, mong các con thực hiện đúng tâm nguyện của tôi” và ký tên (hết trang). Nội dung của di chúc lại nằm ở các trang trước đó và những trang đó lại không có chữ ký, điểm chỉ của người viết (thông thường thì người đã viết di chúc, chỉ ký mà không sử dụng hình thức điểm chỉ) thì toàn bộ di chúc cũng không có giá trị và thừa kế được chia theo pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, di chúc viết tay là di chúc có giá trị cao nhất, thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí của người để lại di chúc. Nếu xác định di chúc là do chính người để lại di chúc viết ra thì việc họ không ký trong từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự cũng không ảnh hưởng đến ý chí của họ và di chúc đó phải được chấp nhận.

Cũng sẽ có trường hợp di chúc có trang ký, có trang không ký hoặc đánh số thứ tự của trang.Trang ký, có số thứ tự thì được chấp nhận, trang không ký không có số thứ tự thì không được chấp nhận.

Phần di chúc không được chấp nhận vì vi phạm hình thức được chia theo luật. Rõ ràng là quyền và lợi ích của người thừa kế rơi vào trang không có chữ ký hoặc điểm chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi phần thừa kế của họ bị chia cho các thừa kế khác đã có phần thừa kế được chấp nhận tại các trang có chữ ký, điểm chỉ . Có nghĩa là ý chí của người để lại di chúc không được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.

Thảo luận của Civillawinfor:

Vấn đề này thiết nghĩ TANDTC cần có hướng dẫn trên cơ sở vận dụng quy định tại Điều 129.1 của BLDS thì hợp lý hơn.

  1. Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Điều 644 BLDS quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ trường hợp họ là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng thừa kế di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của BLDS.

  1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”

Điều luật chỉ quy định mức tối thiểu mà những người đương nhiên được hưởng thừa kế mà không quy định mức tối đa được hưởng là bao nhiêu. Quy định này có thể dẫn đến người đương nhiên được hưởng thừa kế nhiều hơn người thừa kế.

Ví dụ: Ông A không có con, chỉ có một người cháu. Ông A kết hôn với bà B nhưng mục đích hôn nhân không đạt được. Ông A xin ly hôn. Trong khi Tòa đang giải quyết việc ly hôn thì ông A viết di chúc cho toàn bộ tài sản riêng của mình cho người cháu. Ông A chết.

Theo quy định tại Điều 655 thì bà B vẫn được hưởng thừa kế của ông A và theo quy định tại Điều 644 thì bà B (là vợ) được hưởng ít nhất là 2/3 suất của người thừa kế, tức là 2/3 của toàn bộ di sản của ông A – của một suất thừa kế.

Như vậy, bà B được hưởng 2/3 di sản của ông A và cháu của ông A chỉ được 1/3 khối di sản mà lẽ ra theo ý chí của ông A thì được hưởng toàn bộ.

Nếu điều luật quy định mức độ tối đa hoặc quy định không được nhiều hơn một suất thừa kế thực tế được hưởng thì mới phù hợp.

  1. Về trường hợp có nhiều di chúc

Khoản 5 Điều 643 quy định: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật”.

Điều luật quy định “Đối với một tài sản” là không chính xác khi di chúc đề cập đến nhiều tài sản. Lẽ ra chỉ quy định là “đối với tài sản” là phù hợp. Người lập nhiều bản di chúc nhưng nội dung của các di chúc đó không mâu thuẫn với nhau thì các bản di chúc đó đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp thì Tòa án chỉ căn cứ vào bản di chúc được lập sau cùng, các bản di chúc trước đó có thể được coi là chứng cứ thể hiện thống nhất ý chí của người để lại di chúc.

Trong trường hợp có nhiều bản di chúc nhưng không xác định được thời điểm lập di chúc mà nội dung của các bản di chúc này không thống nhất, có mâu thuẩn với nhau tức là không xác định được đâu là bản di chúc sau cùng thì giải quyết như thế nào? Đây là vấn đề mà điều luật không quy định rõ.

Đối với trường hợp này, có thể áp dụng Điều 648 BLDS giải thích nội dung di chúc vì nội dung di chúc được coi là không rõ ràng, có những mâu thuẩn giũa các bản di chúc.

Nếu những người thừa kế không thống nhất được về giải quyết mâu thuẩn của các bản di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, tức là chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, trường hợp không xác định được chia di chúc sau cùng khi có nhiều di chúc khác nhau, có nội dung mâu thuẩn với nhau mà không thể giải thích thống nhất được, phải yếu cầu Tòa án giải quyết thì các bản di chúc đó đều không có hiệu lực pháp luật.

  1. Về di chúc chung của vợ chồng

Điều 663 BLDS năm 2005 quy định về di chúc chung của vợ, chồng: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”.

BLDS năm 2015 đã bỏ quy định này, do vậy về nguyên tắc thì di chúc chung của vợ, chồng không có hiệu lực vì pháp luật không còn thừa nhận. Tuy nhiên, trước khi BLDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật mà vợ, chồng đã lập di chúc định đoạt tài sản chung thì giải quyết thế nào nếu họ không lập các di chúc khác.

Theo chúng tôi nên phân định ra các trường hợp sau:

-Nếu di chúc vợ, chồng được lập trước ngày 01/01/2017 và thời điểm mở thừa kế đều vào trước ngày 01/01/2017 thì di chúc vợ, chồng vẫn có hiệu lực pháp luật.

-Nếu di chúc vợ, chồng được lập trước ngày 01/01/2017 và thời điểm mở thừa kế của người chết (vợ hoặc chồng) trước ngày 01/01/2017 thì di chúc vẫn có hiệu lực đối với phần tài sản chung mà vợ chồng định đoạt.

-Nếu thời điểm mở thừa kế sau ngày 01/01/2017 mà không có sự thay đổi, bổ sung di chúc chung thành di chúc cá nhân cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật thì bản di chúc chung vợ, chồng không có hiệu lực pháp luật.

Thảo luận của Civillawinfor:

  1. BLDS năm 2015 không quy định về di chúc chung nhưng các điều kiện đối với di chúc cũng không có điều cấm về việc nhiều người  lập di chúc trên cùng một văn bản. Do đó, việc hai vợ chồng lập di chúc chung thì cũng cần hiểu đây là trường hợp lập di chung trên cùng một văn bản. Di chúc này vẫn có hiệu lực, nhưng nội dung liên quan đến phần di sản của ai thì có hiệu lực đối với người đó (thời điểm, địa điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế…) – Giải pháp này ở một khía cạnh nào đó tương tự quy định tại Điều 671 BLDS năm 1995.
  2. Về hiệu lực đối với di chúc chung được lập trước 01.1.2017: Theo quy định tại Điều 668 của BLDS năm 2005 thì di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Như vậy nếu đến ngày 01.1.2017 mà chưa có sự kiện chết của cả hai vợ chồng thì di chúc chung được xác định là chưa có hiệu lực và trên cơ sở quy định tại Điều 688 BLDS năm 2015 về điều khoản chuyển tiếp thì có thể hiểu giao dịch chưa có hiệu lực tại thời điểm BLDS năm 2015 có hiệu lực thì phải áp dụng theo quy định của BLDS năm 2015.

        9. Về thừa kế quyền sử dụng đất

BLDS năm 2015 không quy định về thừa kế quyền sử dụng đất, khi giải quyết việc chia thừa kế quyền sử dụng đất, Tòa án phải căn cứ vào quy định thừa kế tài sản và quy định của Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết.

Điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định “cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Đất đai do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với đất đai đó) mà đất đai này đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 thì quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Ngoài các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì điểm g khoản 1 Điều 100 quy định “Các loại giấy tờ xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ”.

Các loại giấy tờ khác đã được Chính phủ quy định tại Điều 18 Nghị quyết số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.

Khi giải quyết thừa kế về đất đai, các Tòa án phải căn cứ vào quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đó là:

“ a. Có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của luật này:

b.Đất không có tranh chấp;

c.Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d.Trong thời hạn sử dụng đất.”

Ngoài ra các điều kiện nêu trên quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì thừa kế về đất đai còn phải bảo đảm các điều kiện khác quy định tại các Điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật Đất đai.

Ví dụ: Việc thừa kế đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…

Người được thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Trường hợp người chết để lại đất đai mà đất đai đó không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì đất đai đó không phải là di sản thừa kế vì chưa có quyền sử dụng đất.

Nếu có tranh chấp về đất không có giấy tờ thì đó là tranh chấp đất đai và đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết là nộp đơn tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan hành chính thì đương sự có quyền khởi kiện tại Tòa án và Tòa án giải quyết theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về một số quy định của BLDS năm 2015 về thừa kế để các bạn tham khảo và rất mong nhận được các ý kiến phản hồi.

Xem thêm:

TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT KHÔNG CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG?

Án lệ số 06/2016/AL tranh chấp thừa kế

…………………………………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

 

 

 

Bài viết liên quan