Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI THEO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG NĂM 2023

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI THEO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG NĂM 2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, mang đến nhiều thay đổi quan trọng. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, luật này đã có nhiều quy định mới đáng chú ý hơn, cụ thể như sau:

1. Bổ sung, làm rõ một số khái niệm

Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bổ sung, làm rõ khái niệm về một số chủ thể mới, bao gồm:

– Người tiêu dùng: kế thừa khái niệm người tiêu dùng tại Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010, tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bổ sung tiêu chí “không vì mục đích thương mại” để xác định rõ người tiêu dùng, tạo căn cứ thống nhất trong quá trình xác định người tiêu dùng.

– Người có ảnh hưởng: bổ sung mới đối tượng người có ảnh hưởng tại Khoản 9 Điều 3 để tạo căn cứ xác định chính xác khái niệm và trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Người tiêu dùng dễ bị tổn thương:  Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã xác định 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó, quy định trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng:  Điều 39 xác định rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, gồm: tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Đối với từng chủ thể nêu trên, Luật có các quy định chi tiết về trách nhiệm để bảo đảm ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các chủ thể này trong quá trình thực hiện các giao dịch với người tiêu dùng.

– Tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp: bổ sung nhóm chủ thể liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Kèm theo đó, Luật có các quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của nhóm chủ thể này trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia bán hàng đa cấp.

2. Bổ sung thêm đối tượng áp dụng

Điều 2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 quy định về đối tượng áp dụng bao gồm các đối tượng sau:

– Người tiêu dùng;

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh;

– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội;

– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã mở rộng phạm vi áp dụng, bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là những tổ chức được Nhà nước giao phó một số nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, các tổ chức này cũng nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật quy định cụ thể về các hoạt động mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

3. Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng

Điều 4 Luật năm 2023 đã quy định người tiêu dùng có 11 quyền, tăng hơn so với quy định tại Điều 8 Luật năm 2010. Cụ thể, Luật mới bổ sung các quyền sau đây:

– Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

– Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Luật năm 2010 chỉ quy định người tiêu dùng có hai nghĩa vụ. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật năm 2023 đã bổ sung các nghĩa vụ khác đối với người tiêu dùng, gồm:

– Lựa chọn mua sắm hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại đến môi trường.

– Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật (quy định cũ đang là thực hiện chính xác, đày đủ hướng dẫn sử dụng).

– Chịu trách nhiệm khi cung cấp không đúng/đầy đủ thông tin về giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

– Nghĩa vụ khác.

Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không chỉ mở rộng quyền lợi của người tiêu dùng mà còn nhấn mạnh trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, nhằm tạo ra một môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững và minh bạch hơn.

4. Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh:

Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm so với Luật  2010 gồm:

– Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

– Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

– Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

– Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

– Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

– Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

– Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

– Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật mới còn cấm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau:

– Bắt người khác phải đặt cọc, nộp tiền/mua hàng hoá nhất định để tham gia bán hàng đa cấp.

– Cung cấp thông tin gian dối, khiến người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp nhầm lẫn.

– Không có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

– Kinh doanh đa cấp với dịch vụ/hình thức khác không phải mua bán hàng hoá trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên việc mua bán hàng hoá.

– Vi phạm các hành vi bị cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Quy định mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm:

– Người cao tuổi;

– Người khuyết tật;

– Trẻ em;

– Người dân tộc thiểu số;

– Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

– Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

– Người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Luật mới đã đưa ra một số trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức và cá nhân kinh doanh. Trong đó, điểm nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại và tranh chấp theo quy định của pháp luật, được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng có nguy cơ dễ bị tổn thương.

6. Quy định mới về giao dịch từ xa

Trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 ban hành, thuật ngữ “giao dịch từ xa” chưa được sử dụng. Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 3 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, thì giao dịch từ xa được định nghĩa là: “giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc các phương tiện khác mà người tiêu dùng không có cơ hội kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi thực hiện giao dịch.”.

Theo Luật năm 2023, các vấn đề liên quan đến giao dịch từ xa được quy định như sau:

Thông tin phải cung cấp: Vì tính chất của giao dịch này không cho phép tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, các bên phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin sau:

– Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác;

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số doanh nghiệp…;

– Số lượng, chất lượng, công dụng, giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của hàng hoá, dịch vụ;

– Phí giao hàng (nếu có);

– Thời hạn thanh toán; điều kiện đổi, trả hàng nếu có lỗi..;

– Chi tiết về công dụng, cách sử dụng, bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Nội dung của hợp đồng:

Hợp đồng giao dịch từ xa cần bao gồm:

– Thông tin mà bên cung cấp hàng hoá phải trình bày chính xác, cụ thể, đầy đủ như đã nêu; tên, địa chỉ, số điện thoại, cách liên hệ khác của người tiêu dùng;

– Quyền, nghĩa vụ của các bên;

– Phương thức xử lý khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ: Thỏa thuận cách xử lý; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời hạn 30 ngày và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; người tiêu dùng không phải chịu chi phí để chấm dứt hợp đồng.

Hình thức giao dịch từ xa:

– Thông qua điện thoại; các hình thức liên lạc, đàm thoại khác;

– Thông qua môi trường mạng.

7. Bổ sung quy định về phương thức giải quyết tranh chấp

Tương tự như Luật trước đây, các tranh chấp giữa người tiêu dùng và người kinh doanh dự kiến sẽ được giải quyết qua các phương thức như thương lượng, hoà giải, trọng tài, hoặc thông qua toà án. Tuy nhiên, Luật 2023 chỉ định rõ ràng 03 trường hợp mà không được phép thương lượng hoặc hoà giải:

– Vi phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và công cộng.

– Xâm phạm vào những điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

– Gây thiệt hại cho lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ khi có thể xác định rõ ràng số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trong khi đó, khoản 2 của Điều 30 trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ đề cập đến một trường hợp duy nhất không được phép thương lượng, hòa giải là khi tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.

8. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng  như sau:

– Điều 14 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ khi cung cấp cho người tiêu dùng. Đồng thời, cũng cụ thể hóa quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

– Chi tiết hóa thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hoá; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

– Điều 33 của Luật quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật phân thành 02 nhóm: Nhóm A (có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng) và Nhóm B (có thể gây thiệt hại cho tài sản người tiêu dùng). Luật cũng quy định trách nhiệm thu hồi tương ứng cho mỗi nhóm sản phẩm, hàng hoá, nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xác định và thu hồi theo phương thức phù hợp.

Ngoài ra, để đảm bảo toàn diện quyền lợi của người tiêu dùng, Luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết và cam kết.

9. Bổ sung trách nhiệm về quản lý nhà nước

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc:

– Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

– Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại địa phương.

Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bổ sung và điều chỉnh các quy định để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch từ xa, quản lý thông tin, và xử lý tranh chấp. Việc củng cố trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước hứa hẹn tạo ra một môi trường tiêu dùng công bằng, an toàn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam, thích hợp với bối cảnh kinh tế số hiện đại và thị trường tích cực hơn.

Theo Nguyễn Vân Anh – LUẬT SƯ FDVN

…………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2, Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan