Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc về lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Tòa án và nội dung các bài tham luận tại hội thảo, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổng hợp một số nội dung vướng mắc, bất cập như sau:
1. Về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là “các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền hoặc không phải bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra”. Quy định về điều khoản “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” là quy định bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm (khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm) nhưng thực tế còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, cụ thể như sau:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ đề cập đến khái niệm, nguyên tắc và trường hợp ngoại lệ của điều khoản “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” mà không quy định giới hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm khi xác định những trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của mình. Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng quy định về các trường hợp “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” như một trong các công cụ để né tránh nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
– Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định về hậu quả pháp lý đối với những hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Do Luật này không quy định hậu quả pháp lý nên gây lúng túng cho các chủ thể trong hợp đồng và gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp khi xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi không thoả thuận về điều khoản loại trừ. Thực tế hiện nay tồn tại hai quan điểm khác nhau về việc xác định hậu quả pháp lý khi hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bên thoả thuận thiếu điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng thì có thể sẽ bị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nếu tranh chấp đó bị khởi kiện đến Tòa án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì cần phải xác định là hợp đồng chưa hình thành vì những điều khoản bắt buộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Quan điểm thứ ba cho rằng, trong trường hợp hợp đồng quy định thì áp dụng quy
định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Còn có sự mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Kinh doanh bảo hiểm khi cùng quy định về những điều khoản loại trừ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh dịch vụ. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ như là một điều kiện để xác định sự tồn tại của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Còn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực khi “loại trừ trách nhiệm của tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 16).
Khi áp dụng các quy định của hai luật này dẫn đến hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: Nếu áp dụng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ không nhận được tiền bảo hiểm. Còn áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ nhận được toàn bộ khoản tiền bảo hiểm theo thoả thuận. Thực tế, tình trạng này sẽ dẫn đến một hệ quả là hai bên trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm sẽ áp dụng quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và thấy bên nào trong hợp đồng cũng đưa ra căn cứ hợp pháp, cần được pháp luật bảo vệ. Vậy trong trường hợp này luật nào cần được ưu tiên áp dụng?
2. Xác định số tiền bồi thường bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, Công ty bảo hiểm và khách hàng đã thỏa thuận về giá trị tài sản được bảo hiểm, theo đó khách hàng sẽ phải đóng một khoản phí tương ứng với giá trị tài sản được bảo hiểm. Tuy nhiên khi xảy ra sự kiện bảo hiểm làm phát sinh việc chi trả tiền bồi thường thì hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định số tiền bồi thường đối với tài sản được bảo hiểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế”. Do đó, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế mà không phụ thuộc vào số tiền bảo hiểm ghi tại hợp đồng bảo hiểm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khi ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản, thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải thẩm định giá trị tài sản, xét đến tính trượt giá, tăng giá của tài sản cần bảo hiểm và trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng để thỏa thuận trị giá bảo hiểm đối với tài sản đó, tương ứng với đó thì khách hàng phải đóng một khoản phí bảo hiểm tương ứng. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì giá thị trường của tài sản thấp hơn so với giá trị được bảo hiểm nên số tiền bồi thường cho khách hàng sẽ thấp hơn giá trị bảo hiểm như hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Điều này là không hợp lý vì người được bảo hiểm đã phải đóng một mức phí tương ứng với giá trị tài sản được bảo hiểm và giá trị bảo hiểm đã được quy định
trong hợp đồng. Do đó, cần xác định lại căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dựa trên trị giá bảo hiểm được các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, không xác định số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm như theo khoản 2 Điều 42, khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
3. Về quyền lợi có thể được bảo hiểm
Khoản 9 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, quyền lợi có thể được bảo hiểm chính là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản, quyền tài sản. Tuy nhiên, pháp luật kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định về việc bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi được bảo hiểm từ thời điểm nào. Thực tiễn phát sinh trường hợp khi ký kết hợp đồng bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm nhưng sau đó lại có quyền lợi có thể được bảo hiểm thì khi phát sinh tranh chấp hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước đó có bị vô hiệu không?
Hiện nay vẫn còn có các quan điểm khác nhau về thời điểm bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm vì quyền lợi có thể được bảo hiểm chính là cơ sở để ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, bên mua bảo hiểm chỉ cần chứng minh có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Quan điểm thứ ba cho rằng, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm ở cả hai thời điểm là thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm và tại thời điểm sự kiện bảo hiểm xảy ra.
4. Về việc tính lãi trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho người hưởng thụ, người được bảo hiểm hoặc có tranh chấp về số tiền bảo hiểm, bồi thường. Tòa án giải quyết tranh chấp đã quyết định doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn thì có tính lãi trên số tiền đó hay không? Nếu có thì tính lãi từ thời điểm nào, mức lãi suất như thế nào? Hiện nay còn có hai quan điểm về vấn đề này.
Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp trên, doanh nghiệp bảo hiểm đã chậm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm tức là thuộc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 20151. Theo đó, doanh nghiệp
1Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
- Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
- Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
bảo hiểm sẽ phải trả lãi cho số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả tính từ ngày tiếp theo của ngày đến hạn trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm cho đến khi thanh toán xong theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, hiện nay là 10%/năm.
Có quan điểm cho rằng, vì các bên có tranh chấp về số tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường nên sẽ không phải chịu lãi trên số tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại đưa ra tình huống hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại thì trường hợp này, người có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó. Vậy trường hợp nêu trên cũng có thể hiểu là một trường hợp tương tự và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chịu lãi đối với số tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường.
Ngoài ra, một trường hợp tương tự cũng thường phát sinh trong thực tiễn là đối với khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho cho người được bảo hiểm, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm khởi kiện yêu cầu người thứ ba có lỗi gây lên sự kiện bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường thiệt hại thì có được tính lãi suất không? Nếu có việc thì tính lãi kể từ thời điểm nào?
5. Về xử lý trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực
Theo quy định của pháp luật thì bên mua bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định còn chưa thống nhất việc xử lý trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, cụ thể theo điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Vậy, trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật có thể coi là hành vi lừa dối để giao kết hợp đồng không? Trường hợp này có dẫn tới hậu quả là hợp đồng bảo hiểm vô hiệu không? Trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không đầy đủ, trung thực thì hậu quả pháp lý là doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng hay phải xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu?.
6. Về tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người được bảo hiểm,
người thứ ba gây thiệt hại
Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm và được người được bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu bồi thường đã căn cứ vào Điều 49 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nộp đơn khởi kiện người thứ ba gây thiệt hại cho người được bảo hiểm để đòi bồi
thường lại số tiền bồi thường đã trả cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế phát sinh ba tình huống mà pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Tình huống thứ nhất: Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm nhưng người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường theo quy định tại Điều 49 của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Mặc dù Khoản 2 của điều luật này có quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường nhưng không nói rõ khấu trừ bằng cách nào trong khi doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm rồi và cũng không có quy định doanh nghiệp bảo hiểm được quyền đòi lại số tiền bồi thường đã chi trả cho người được bảo hiểm.
Tình huống thứ hai: Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm và được người được bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu nhưng sau khi khởi kiện người thứ ba để đòi bồi thường thì không được Tòa án chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu khởi kiện do không có tổn thất hoặc tổn thất ít hơn so với yêu cầu (bằng một bản án đã có hiệu lực). Tương tự như trên, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không có quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đòi người được bảo hiểm trả lại số tiền bồi thường đã chi trả cho người được bảo hiểm vượt quá mức bồi thường được Tòa án chấp nhận đối với người thứ ba hay không.
Tình huống thứ ba: trong tình huống trên Tòa án có đưa người được bảo hiểm đã chuyển quyền cho DNBH vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hay không? Nếu cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đòi người được bảo hiểm trả lại số tiền bồi thường đã chi trả cho người được bảo hiểm thì phải đưa người được bảo hiểm đã chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm vào tham gia tố tụng, còn nếu cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền này thì không cần đưa người được bảo hiểm vào tham gia tố tụng vì không ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
7. Về xử lý trường hợp Giấy chứng nhận bảo hiểm thiếu chữ ký của bên mua
Trong thực tế, bên mua bảo hiểm thường rơi vào hoàn cảnh chỉ có trong tay giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp nhưng bên mua bảo hiểm không ký (chưa ký) vào giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm có tồn tại và có hiệu lực không?
8. Về xử lý trường hợp các bên thỏa thuận đẩy lùi ngày ký hợp đồng bảo hiểm
Thực tế xảy ra trường hợp các bên ghi ngày ký hợp đồng bảo hiểm lùi lại so với thời gian giao kết hợp đồng bảo hiểm trên thực tế. Vậy trong trường hợp này Tòa án căn cứ vào ngày ghi trên hợp đồng hợp bảo hiểm hay ngày các bên thực tế ký kết hợp đồng để xác định sự kiện bảo hiểm xảy ra trước hay sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực?
9. Về nộp phí bảo hiểm
Việc nộp phí bảo hiểm liên quan trực tiếp đến những nội dung rất quan trọng như thởi điểm có hiệu lực bảo hiểm; thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay chỉ quy định chung chung còn việc quy định cụ thể các trường hợp không nộp phí hoặc nộp phí sau khi hết hạn thanh toán thì lại do văn
bản dưới luật (Thông tư của Bộ Tài chính quy định). Trong các vụ việc tranh chấp bảo hiểm liên quan đến việc nộp phí bảo hiểm không đúng hạn, Thẩm phán sẽ có nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau nên các Phán quyết cũng có kết quả khác nhau về vấn để bồi thường, đặc biệt là các trường hợp hợp đồng bảo hiểm các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận một cách rõ ràng, cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên trong việc nộp phí bảo hiểm và hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm của các bên trong trường hợp vi phạm thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định chi tiết về các điều kiện, phương thức gia hạn nộp phí dẫn đến Thẩm phán có thể hiểu theo nghĩa có lợi cho bên được bảo hiểm là hết thời gian gia hạn Công ty bảo hiểm phải có văn bản thông báo chấm dứt thì mới được coi là hợp đồng hết hiệu lực.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm không có quy định về thời hạn tối đa phải nộp phí trong hợp đồng, có trường hợp thời hạn nộp phí kéo dài trong thời gian khách hàng chưa nộp phí xảy ra tổn thất, công ty bảo hiểm có phải bồi thường không? Nếu có thì bồi thường toàn bộ tổn thất hay bồi thường bao nhiêu?
- Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không quy định cụ thể về xử lý trả lại phí khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, dẫn đến khi có tranh chấp mặc dù khách hàng chỉ nộp được 1 kỳ, sau đó vi phạm không nộp nhưng khi có tổn thất vẫn đòi bồi thường (mặc dù hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt do không nộp phí).
10. Về giám định, chi phí giám định
Một trong những vấn đề có tính chất quyết định cần được quan tâm trước tiên trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tài sản chính là vấn đề giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Có nhiều trường hợp các bên đã thống nhất về nguyên nhân tổn thất nhưng tranh cãi về mức độ tổn thất, kết quả giám định từ các cơ quan giám định lại cho kết quả khác nhau làm khó khăn cho Tòa án trong việc đánh giá chứng cứ và đưa ra phán quyết.
Thực tế thường các bên không thống nhất được giám định độc lập thì Tòa án sẽ chỉ định nhưng tiêu chí nào để xác định tổ chức giám định độc lập có đủ khả năng chuyên môn, khách quan để đưa ra kết luận buộc các bên tuân thủ thì chưa có.
Khi Tòa án trưng cầu 01 tổ chức giám định thì kết luận giám định đó lại theo quy định của Luật giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi đó, kết luận giám định đó vẫn có thể bị yêu cầu giám định lại nếu có căn cứ nên khái niệm giám định độc lập phải tuân thủ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm là chưa hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, trường hợp Công ty giám định từ chối giám định vì hồ sơ, tài liệu không đủ cơ sở giám định thì Tòa án có thể tự mình đánh giá tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân hoặc mức độ tổn thất được không.
Bên cạnh đó, việc tiến hành giám định lại cũng không khả thi do thiệt hại đã xảy ra được một thời gian, hàng hóa hư hỏng đã được xử lý và các tàu vận chuyển gây thiệt hại thường đang vận chuyển chuyến hàng mới đi các nước. Đây là một khó khăn trong việc xác định lỗi của các bên đối với thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì chi phí
giám định tổn thất do tổ chức bảo hiểm chịu, nhưng vụ việc đã qua nhiều lần giám
định, nhưng hai bên không nhất trí dẫn đến việc Tòa án phải trưng cầu cơ quan giám định độc lập để xác định lại tổn thất, đây là hoạt động trong quá trình Tòa án tiến hành tố tụng, mà kết quả vẫn tương đương với những lần giám định trước thì ai phải chịu chi phí giám định, doanh nghiệp bảo hiểm hay người được bảo hiểm chịu?
11. Về xác định lỗi vô ý, lỗi cố ý của người được bảo hiểm
Theo khoản 3 Điều 576 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “3. Trong trường hợp bên được bảo hiểm cố ý để xảy ra thiệt hại thì bên bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm; nếu do lỗi vô ý của người được bảo hiểm thì bên bảo hiểm không phải trả một phần tiền bảo hiểm tương ứng với mức độ lỗi của bên được bảo hiểm”. Quy định tương đồng tồn tại trong Bộ luật Hàng hải năm 2015 tại khoản 2 Điều 323 theo đó “Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những tổn thất xảy ra do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất phát sinh do sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng đồng thời cũng là người được bảo hiểm trong việc điều khiển, quản trị tàu và các tổn thất do lỗi của thuyền bộ, hoa tiêu hàng hải”. Tuy nhiên trong thực tiễn việc xác định bên được bảo hiểm có lỗi “cố ý” hay “vô ý” để xác định mức tiền bồi thường gặp rất nhiều khó khăn.
12. Về việc có nên đưa đơn vị bán điện vào tham gia tố tụng trong những vụ án tranh cháp bảo hiểm liên quan đến cháy nổ.
Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”.
Trong những vụ án tranh chấp bảo hiểm liên quan đến cháy nổ thì một vấn đề đặt ra là có cần đưa đơn vị cung cấp điện vào tham gia tố tụng để làm rõ chất lượng của mạng lưới điện cũng như trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện hay không?
13. Về vi phạm nghĩa vụ giải thích của doanh nghiệp bảo hiểm
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Ở đây, Luật quy định về nghĩa vụ giải thích của bên bảo hiểm nhưng Luật lại chưa rõ về chế tài trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ này?
Ngoài ra, Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định trogn trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định khi nào doanh nghiệp bảo hiểm được xác định là đã hoàn thành trách nhiệm giải thích cho bên mua bảo hiểm? thế nào là “điều khoản không rõ ràng” để áp dụng thống nhất.
14. Về thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sữa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu khởi kiện theo hướng dẫn chiếu tới các quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Có thể thấy quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2015 là chưa thống nhất ở thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Cụ thể nếu như theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp; trong khi đó quy định bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 là kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
15. Về một số quy định khác của Luật Kinh doanh bảo hiểm cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung
Qua tổng kết thực tiễn giải quyết tranh chấp về bảo hiểm, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh một số vướng mắc, bất cập về các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau:
- Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, thì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó. Quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm hiện nay khá chung chung nên xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này cho cụ thể.
- Khoản 2 Điều 20 Luật Kinh đoanh bảo hiểm quy định: “Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm”.
Quy định như vậy sẽ gây thiệt thòi cho bên mua bảo hiểm, hoặc người thụ hưởng. Do đó trong trường hợp có những yếu tố làm tăng mức độ rủi ro cần thiết phải phân biệt là do nguyên nhân khác quan hay nguyên nhân chủ quan. Do vậy khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm nên quy định theo hướng: “Khi có sự thay đổi làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân từ phía bên mua bảo hiểm, hoặc người được bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì bên bán bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp này nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm”.
- Quy định tại khoản 2 Điều 42, khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm về căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dựa trên giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế là
không hợp lý; cần quy định theo hướng căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dựa trên trị giá bảo hiểm được các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định về trách nhiệm của đại lý bảo hiểm và của doanh nghiệp bảo hiểm tại Điều 88 theo đó “trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm”. Quy định này áp dụng cho “trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm” nhưng đoạn in nghiêng chưa thực sự rõ. Vụ việc liên quan đến việc đại lý không thu phí đúng hạn ở địa điểm đã quy định có thuộc phạm vi của điều luật trên không? Cần sửa đổi quy định này theo hướng cụ thể hơn.
Xem và tải nội dung chi tiết
…………………………………………………………………………………………………………Luật sư tại Đà Nẵng: 99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà NẵngLuật sư tại Huế:336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc
Luật sư tại Quảng Ngãi
359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446