Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / LUẬT PHẢI ĐỦ MẠNH THÌ TÍN DỤNG ĐEN KHÔNG THỂ HOÀNH HÀNH

LUẬT PHẢI ĐỦ MẠNH THÌ TÍN DỤNG ĐEN KHÔNG THỂ HOÀNH HÀNH

Các hoạt động núp bóng để cho vay kiểu lãi cao “cắt cổ” vẫn diễn ra hàng ngày nhưng không bị xử lý triệt để.

Đó là nhận định của Luật sư Lê Cao (Chủ tịch Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) khi trao đổi với Đất Việt về tình trạng tín dụng đen hoành hành trong thời gian qua.

Tín dụng đen hoành hành vì đâu?

PV: – Thời gian qua, hàng loạt những vụ việc chấn động dư luận xã hội liên quan tới hoạt động cho vay tín dụng đen, từ con nợ bị côn đồ đòi nợ thuê truy sát, bị tán gia bại sản, bị thương tật, thậm chí cùng quẫn tự tử, đến thảm án liên quan tới việc cho vay và đòi nợ.

Thưa ông, tình hình kinh tế khó khăn có phải là nguyên nhân khiến tình trạng tín dụng đen ngày càng phức tạp, hay còn vì những nguyên nhân nào khác? Nếu vậy, những vụ việc đau lòng như đã ghi nhận có phải là những vụ việc cuối cùng?

LS Lê Cao: – Tình hình kinh tế không hẳn là nguyên nhân chính khiến tình trạng tín dụng đen hoành hành như thời gian qua, mà nó đến từ quan hệ vay mượn tiền và những nguồn gốc liên quan đến hoạt động này.

Thứ nhất, từ bên cho vay, việc cho vay theo các thủ tục đơn giản, không có tài sản bảo đảm cho khoản vay, chứa đựng những rủi ro nhất định, nhưng lãi suất rất cao chính là nguyên nhân khiến các bên không còn quan tâm đến các thiết kế bảo lãnh phòng tránh rủi ro. Họ sẵn sàng cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chỉ cần cam kết qua loa, thể hiện qua giao dịch nhanh gọn với mục đích thu về lãi suất cao.

Chính lãi suất cao đẩy họ vào những rủi ro, vì có thể bị người vay xù nợ, trốn nợ.  Khi đó, vì không có các cơ chế bảo đảm cho khoản vay để thu hồi vốn nên họ sẵn sàng dùng các giải pháp trái luật để siết nợ, từ đó có các hoạt động can thiệp của đòi nợ thuê phi pháp, cưỡng đoạt tài sản, dẫn đến va chạm giữa bên cho vay và bên vay.

Lãi suất dù được pháp luật khống chế, nhưng bằng các giao dịch ngầm trong xã hội, việc thu lợi rất lớn từ việc đôn lãi suất lên rất cao để thu lợi khiến cho người cho vay bất chấp và sẵn sàng lao vào vòng xoáy do chính họ tạo ra.

LS Lê Cao, Chủ tịch Công ty Luật FDVN

Thứ hai, từ bên đi vay, nhu cầu có khoản tiền cho các giao dịch trong đời sống, trong hoạt động kinh doanh thì thời nào cũng có, nhưng nếu như người dân dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn vay phù hợp, có những nguồn giải ngân vốn dễ dàng, thủ tục không phức tạp thì họ sẽ không phiêu lưu với các nguồn vốn tín dụng đen.

Tuy nhiên hiện nay ở ta, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, có tới 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Như vậy, con số khổng lồ dân số chưa thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức cho vay chuyên nghiệp sẽ dẫn đến các hoạt động vay tiền khác diễn ra bằng các giao dịch dân sự bên ngoài ngân hàng.

Nguồn tiền giao dịch vay mượn bằng các hình thức này có hoạt động bình thường theo thỏa thuận dân sự phổ biến, nhưng có nhiều hoạt động sẽ rơi vào vòng xoáy tín dụng đen bởi người đi vay cần tiền, bên cho vay lại sẵn sàng cung cấp vốn với thủ tục vô cùng đơn giản, dễ dàng. Sự cần tiền nhanh cộng với việc sẵn sàng cung ứng vốn từ phía cho vay làm cho các bên xích lại với nhau và chuyện sau đó chúng ta đều rõ là có những hệ quả xảy đến nếu các bên không đi đến cùng cam kết với nhau.

Với những người đi vay, sở dĩ họ chấp nhận vay tín dụng đen là bởi họ cần nguồn vốn nhanh chóng, bất chấp việc có trả lãi suất cao được hay không; có trường hợp vì cần tiền cho các yêu cầu khẩn cấp, nhưng cũng có những trường hợp do khó khăn; do bất cập trong việc quản trị tài chính cá nhân, dù không có tiền nhưng sẵn sàng vay để tiêu dùng, sử dụng hoang phí dẫn đến không kiểm soát được khả năng trả nợ vay, từ đó sẵn sàng lao vào các vòng xoáy tín dụng đen đầy cạm bẫy.

Thứ ba, việc kiểm soát hoạt động tín dụng đen bằng các công cụ pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay còn khá bất cập. Các hoạt động núp bóng để cho vay kiểu lãi cao “cắt cổ” vẫn diễn ra hàng ngày nhưng không bị xử lý triệt để. Quy định chế tài hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi trong một thời gian dài theo luật cũ trước đây rất khó xử lý vì những đòi hỏi về yếu tố như “bóc lột” nạn nhân được đưa vào Bộ luật Hình sự cũ khiến khó xử lý đối với hành vi này.

Trong khi đó, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) tại Điều 201 có quy định như sau:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

  1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Quy định nêu trên có sự phù hợp hơn đối với thực tiễn, nhưng trên thị trường tín dụng đen nhiều chiêu thức cho vay với lãi suất rất cao, trên ngưỡng xử lý hình sự nhưng lại được các đối tượng cho vay luồn lách, xử lý bằng các thao thác tinh vi, không xác lập bằng các văn bản rõ ràng cụ thể mà quy ước ngầm với nhau để lấy lãi, không sử dụng rõ ràng lãi suất bằng văn bản mà bằng các quy tắc kiểu “xã hội đen” và con nợ buộc phải tuân thủ, nếu không phải chịu các hình thức xử lý kiểu “giang hồ” nên rất khó để có các bằng chứng xử lý trách nhiệm hình sự nếu việc điều tra, xác minh thông tin không quyết liệt, không thực tâm bảo vệ các con nợ.

Nhiều vụ việc các băng nhóm cho vay nặng lãi còn có dấu hiệu được bảo kê bởi một số đối tượng có quyền lực, dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nhiều nơi.

PV: – Đáng lưu ý, tại một số địa phương còn xảy ra hiện tượng cán bộ có chức tước trong bộ máy công quyền vay nợ, rồi trốn nợ, điển hình như một nguyên PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định hay hai cảnh sát giao thông ở TP.HCM.

Thưa ông, phải nhìn nhận thế nào về những trường hợp trên và chúng phải được xử lý ra sao?

LS Lê Cao: – Trong thời gian qua, phải nói là không chỉ những vụ việc được báo chí nêu, rất nhiều vụ việc khác cũng liên quan đến tình trạng dính vào bẫy tín dụng đen nên việc gom tiền bạc, vay mượn vòng quanh rồi cuối cùng vẫn không thể trả được nợ cho các chủ nợ, các chủ nợ mất vốn, các nguồn tiền bị mất mát không biết đi đâu về đâu vẫn thường diễn ra.

Hoạt động tín dụng đen thường có biểu hiện là lãi không ghi rõ trong văn bản như đã nêu ở trên, tiền lãi quy ước với nhau thì ghi gộp vào để biến thành tiền gốc, nhiều trường hợp vay mượn thì giấy tờ vay tiền chỉ bên cho vay giữ đúng một bản, con nợ luôn bị treo lơ lửng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi dưới sức ép của bảo kê, giang hồ, dân đòi nợ thuê vây ráp, do đó nợ nần thường bị chồng lên nhau đè lên thân phận con nợ.

Với những sự việc như được nêu, tín dụng đen đã làm những người cho vay và đi vay bị cuốn vào những vòng xoáy tài chính không minh bạch, việc kiểm soát nguồn tiền vay không được thực hiện, tiền vay lớn nhưng không được bảo đảm bằng các tài sản nên rủi ro rất lớn. Với những trường hợp liên quan đến tín dụng đen, chúng tôi cho rằng cơ quan điều tra cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tội phạm, cần thiết phải xác minh làm rõ các vấn đề như:

Thứ nhất, có hay không hành vi cho vay nặng lãi của các chủ nợ?

Thứ hai, người vay sử dụng số tiền vay vào mục đích gì? Lý do người vay không trả nợ?

Từ các thông tin được xác minh, nếu các chủ nợ có hành vi cho vay nặng lãi thì cần phải được xử lý về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

Riêng đối với người vay, nếu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn hoặc sử dụng tiền vay vào mục đích trái pháp luật dẫn đến không còn khả năng trả nợ thì cần phải được điều tra, khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu có sự quyết tâm, kiểm soát các hoạt động cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và làm nghiêm thì tình trạng tín dụng đen sẽ được xử lý tốt hơn.

Để doanh nghiệp không vướng tín dụng đen

PVMột điểm khác, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không trả nổi nợ, việc tiếp cận vốn tín dụng lại khó khăn, buộc họ phải tìm đến nguồn tín dụng đen. Ông bình luận gì về thực tế này và theo ông, nên giải quyết thế nào?

LS Lê Cao: Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng khi đi vào triển khai, các chương trình ưu đãi trong chuyện cho vay lại không dễ dàng.

Doanh nghiệp đi vay ở các tổ chức tín dụng bị “hành” về các thủ tục nhiêu khê phức tạp, phải chịu những khoản “bôi trơn” mới tiếp cận được vốn vay. Thế nên nếu tính cả các khoản “bôi trơn” thì lãi suất cũng không thấp hơn tín dụng đen là mấy, trong khi đó, vay theo kiểu tín dụng đen thủ tục nhanh gọn, giải ngân ngay, thuận lợi cho việc có nguồn vốn xử lý các nhu cầu kinh doanh.

Từ chuyện này cho thấy, không phải ngẫu nhiên tín dụng đen tồn tại song song và rất mạnh thời gian qua: bởi nguồn tín dụng minh bạch, hợp pháp có nhiều vấn đề, hiện tượng sách nhiễu, phải “bôi trơn” để tiếp cận vốn vay lâu nay là có và điều này cản trở các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, để khắc phục tình trạng trên, thủ tục cho vay phải thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; có những gói vay hỗ trợ cấp thiết cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời gian giải ngân nhanh chóng; kiểm soát để ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách minh bạch…

Thời gian qua, tín dụng đen hoành hành ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội

PV: – Để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, Quốc hội đã đồng thuận cấm hoạt động đòi nợ thuê. Tuy nhiên, giải pháp như vậy đã đủ chưa, thưa ông?

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề khơi thông tín dụng, bản thân các ngân hàng thương mại từng đưa ra giải pháp tăng cho vay tiêu dùng để giảm tín dụng đen nhưng thực tế lại ghi nhận trường hợp vay ở công ty tài chính có lãi suất rất cao.

Hiện tượng này phải được xử lý ra sao và theo ông, làm thế nào để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, để người dân không bị đẩy vào bước đường cùng?

LS Lê Cao: – Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), qua đó quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là một trong những quy định góp phần giảm bớt các hiện tượng biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ để tiếp tay, bảo kê cho hoạt động tín dụng đen vốn nhức nhối trong thời gian qua.

Thế nhưng trên thực tế, hoạt động tín dụng đen một khi vẫn có đất sống nhờ những khoản lãi vay rất lớn, lợi nhuận dễ dàng, thì dù có hay không dịch vụ đòi nợ, các chủ nợ cũng sẽ thuê mướn các đối tượng đòi nợ chuyên nghiệp tham gia vào các hoạt động cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của người khác, khủng bố tinh thần của con nợ để thu hồi được nợ vay…

Do đó, nguồn gốc của việc còn tồn tại các hoạt động bảo kê, thu nợ trái luật là bởi còn đó những hoạt động tín dụng đen hoành hành. Như vậy, dù luật cấm dịch vụ đòi nợ, dịch vụ này không công khai đăng ký kinh doanh nhưng thực tế áp dụng vào thực tiễn, ngăn chặn được các hoạt động đòi nợ thuê như thế nào thì lại do tính cung cầu của việc này quyết định và do các cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong quan hệ vay mượn tài sản.

Lâu nay, nhiều người có cảm giác ác cảm với các chủ nợ cho vay nếu họ cho vay với lãi suất cao để thu tiền lãi bất chính, thế nhưng trên thực tế cũng có những con nợ lười biếng, không chịu làm ăn lương thiện, chỉ muốn vay mượn tiền bạc để tiêu xài hoang phí, dùng tiền vào những mục đích không chính đáng dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Rõ ràng, sự mất mát mà các chủ nợ phải gánh chịu là có, điều đó cũng cần đặt ra để có cái nhìn thật sự công bằng trong quan hệ vay mượn nợ.

Hiện nay, về mặt pháp lý, các thủ tục thu hồi nợ bằng con đường kiện ra tòa án theo tranh chấp dân sự vô cùng nan giải, thủ tục rất chậm, khả năng thu hồi nợ vay rất khó. Nhiều chủ nợ bị mất nhiều tiền nhưng đòi nợ bằng con đường qua tòa án thì khó thi hành án được, tiền bạc mất mát, tình trạng đó cũng là nguyên nhân khiến các chủ nợ tìm đến các giải pháp mang tính bất hợp pháp kiểu “anh em xã hội” và đó là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động cho vay bị biến tướng và thường xen kẽ các hoạt động bảo kê, đòi nợ bằng khủng bố, vũ lực, cưỡng đoạt…

Do đó, pháp luật cần điều chỉnh để xử lý quyết liệt các hành vi đòi nợ phi pháp, nhưng cũng phải có chế tài nghiêm đối với các hành vi vay mượn rồi cố tình không trả nợ, cố tình chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hành vi vay mượn để đảm bảo công bằng cho người cho vay. Như thế, hiện tượng làm đen tối hoạt động vay mượn nợ theo các giao dịch dân sự trong xã hội sẽ được kiểm soát tốt hơn, trả lại các quan hệ, giao dịch dân sự có đất sống theo nguyên tắc tự thỏa thuận, tự định đoạt bằng quyền dân sự của các chủ thể tham gia.

Một vấn đề mà báo chí có đề cập là một số ngân hàng thương mại đã đưa ra giải pháp tăng cho vay tiêu dùng để giảm tín dụng đen, nhưng thực tế lại ghi nhận cả trường hợp vay ở công ty tài chính có lãi suất “cắt cổ”. Chính tôi cũng đã chứng kiến nhiều gói vay tín chấp với lãi suất hơn 50%/năm, đây chẳng khác nào một dạng tín dụng đen được hợp thức hóa.

Để khắc phục tình trạng lãi suất “cắt cổ” của gói vay tiêu dùng ở các công ty tài chính, ngân hàng thương mại, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định về mức trần lãi suất đối với mọi khoản vay, theo hướng lãi suất không được cao hơn mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là không quá 20%/năm.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất (không quy định về mức trần lãi suất), trừ một số trường hợp cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… theo quy định tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo các quy định đó, còn có sự vênh nhau giữa các quy định về lãi suất cho vay ở các văn bản khác nhau, dẫn đến dù vay qua các ngân hàng thì lãi suất vẫn “đen” như vay ngoài. Nhiều tổ chức tín dụng cũng đưa quân đi siết nợ, thuê các đơn vị đi đòi nợ, có những hoạt động “khủng bố” đối với người vay tiền để đòi tiền bằng nhiều chiêu thức như nhắn tin, đe dọa, gây rối đời sống riêng tư…

Như vậy, quan hệ vay mượn bị méo mó bởi việc áp đặt lãi suất không đúng, sự hám lợi và bất chấp của các bên vay và cho vay đặt các hoạt động cho vay hiện nay vào tình thế gặp nhiều rủi ro, là nguyên nhân của nhiều biến tướng gây mất an ninh xã hội.

Do đó, để kiểm soát vấn nạn tín dụng đen cần phải đảm bảo triển khai tốt những việc như sau:

Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh quan hệ cho vay phải đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả bên cho vay và bên vay, trong đó có các quy định về lãi suất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài khi bất tín và phá vỡ thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý tố tụng cần đơn giản, nhẹ gọn để việc thu hồi nợ qua con đường tòa án trở nên quen thuộc và hiệu quả; tránh các chủ nợ không muốn đến tòa mà thích thuê “anh em xã hội” giúp việc cho họ. Nâng cao hiệu quả và vai trò của tòa án, nâng cao khả năng thi hành các bản án của tòa án cũng là cách để người dân tin vào tính thượng tôn pháp luật hơn.

Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định để các hoạt động tín dụng hợp pháp thực sự là kênh cung cấp vốn, cung cấp nhu cầu tài chính cho các hoạt động đời sống và kinh doanh một cách thuận lợi. Xóa bỏ rào cản về thủ tục, tiêu cực đang giăng ra từ các tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn minh bạch từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Thứ ba, giải pháp chế tài hành chính, hình sự đối với các hoạt động cho vay, bảo kê cho vay, đòi nợ trái luật cần được thực thi nghiêm minh. Cần loại bỏ khả năng các cơ quan chức năng bảo kê, giúp sức cho các băng nhóm giang hồ để các nhóm tội phạm này tung tác, coi thường pháp luật. Cần tăng hiệu quả của việc đòi nợ qua các cơ chế hợp pháp, bởi một khi các băng nhóm này thực thi việc thu hồi nợ vay hiệu quả sẽ càng khiến những người cho vay nặng lãi xem thường pháp luật, thích sử dụng giang hồ hơn sử dụng công cụ pháp lý, thích tự cho vay với lãi suất cao để kiếm lợi nhuận và sẵn sàng sử dụng các công cụ phi pháp để thu hồi nợ vay. Nếu không loại trừ được các hoạt động tiêu cực bảo kê, bao che lẫn nhau trong giới “anh em xã hội” thì sẽ còn đó những bất an cho xã hội.

Như vậy, vừa là giải pháp pháp luật và chính sách, vừa là giải pháp thực tiễn, nếu có quyết tâm và làm thực sự thì chúng ta mới hy vọng là tình trạng tín dụng đen bị triệt tiêu, trả lại các quan hệ vay mượn tài sản theo các thỏa thuận minh bạch và đặt trách nhiệm thực thi các thỏa thuận dưới các quy định của pháp luật.

Thành Luân

Link bài viết: https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/luat-phai-du-manh-de-tin-dung-den-khong-the-hoanh-hanh-3409390/#slideshow

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

 

Bài viết liên quan