Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Logo chưa đăng ký nhãn hiệu có được đưa vào hóa đơn điện tử hay không?

Logo chưa đăng ký nhãn hiệu có được đưa vào hóa đơn điện tử hay không?

            Công ty chúng tôi muốn đăng kí hóa đơn điện tử, tôi muốn hỏi luật sư cần phải làm những thủ tục gì. Hơn nữa, chúng tôi muốn đưa Logo vào hóa đơn điện tử. Tuy nhiên Logo này chưa được đăng ký nhãn hiệu, như vậy có được không?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách,sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1]. Thủ tục đăng ký hóa đơn điện tử

Hiện nay, để áp dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần áp dụng thủ tục, trình tự theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, ngày 14/3/2011 Hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo đó, bao gồm các bước:

Bước 1. Ra quyết định áp dụng hóa đơn điện tử (Khoản 1 Điều 7)

Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử trước khi khởi tạo hoá đơn điện tử phải ra quyết định áp dụng hoá đơn điện tử gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng văn bản giấy hoặc bằng văn bản điện tử gửi thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và chịu trách nhiệm về quyết định này (theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

Bước 2. Tạo hóa đơn điện tử mẫu và thông báo phát hành hóa đơn điện tử  (khoản 2 Điều 7)

Trước khi sử dụng hóa đơn điện tử, tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải lập Thông báo phát hành hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thông báo phát hành hóa đơn điện tử (theo Mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

Đồng thời, theo khoản 3 điều 1 Thông tư 37/2017/TT-BTC quy định: Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất hai (02) ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn.

Thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn, Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức kinh doanh thanh lý hợp đồng in khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn đối với hợp đồng đặt in hóa đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng (đối với hóa đơn đặt in) và không bị xử phạt.

Trường hợp tổ chức kinh doanh khi gửi thông báo phát hành từ lần thứ 2 trở đi, nếu không có sự thay đổi về nội dung và hình thức hóa đơn phát hành thì không cần phải gửi kèm hóa đơn mẫu.

Trường hợp khi nhận được Thông báo phát hành do tổ chức gửi đến, cơ quan Thuế phát hiện thông báo phát hành không đảm bảo đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức biết. Tổ chức có trách nhiệm điều chỉnh để thông báo phát hành mới.

Vậy theo quy định trên, doanh nghiệp có thể tự tạo mẫu hóa đơn khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật và phải thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế đang trực tiếp quản lý để xét duyệt.

Bước 3: Ký số vào hóa đơn điện tử mẫu và gửi hóa đơn điện tử mẫu (Khoản 2 Điều 7)

Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ký số vào hóa đơn điện tử mẫu và gửi hóa đơn điện tử mẫu (theo đúng định dạng gửi cho người mua) đến cơ quan thuế theo đường điện tử.

Cả 3 thủ tục trên được gửi tới cơ quan thuế thông qua cổng thông tin điện tử hoặc có thể in ra gửi tới cơ quan thuế.

[2]. Điều kiện để hóa đơn điện tử được xem là hợp pháp

Để hóa đơn điện tử được xác định là hóa đơn hợp pháp cần phải đảm bảo toàn vẹn của thông tin, đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 4, các Điều 6,7,8 của Nghị định 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/9/2018 Quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

  1. Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc:

– Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế;

–  Không bắt buộc có chữ ký số;

–  Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.

  1. Hóa đơn điện tử có các nội dung sau:

– Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;

– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế);

– Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng;

– Tổng số tiền thanh toán;

– Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán;

– Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có);

– Thời điểm lập hóa đơn điện tử;

– Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

– Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).

  1. Thời điểm lập hóa đơn điện tử:

– Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

  1. Định dạng hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính quy định cụ thể về định dạng chuẩn dữ liệu của hóa đơn điện tử sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Như vậy, doanh nghiệp có quyền tự thiết kế mẫu hóa đơn điện tử riêng biệt cho mình, với điều kiện doanh nghiệp phải đăng ký phát hành hóa đơn theo đúng trình tự thủ tục và thỏa mãn các điểu kiện như nêu trên. Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC có quy định:

Nội dung không bắt buộc trên hóa đơn đã lập.

  1. a) Ngoài nội dung bắt buộc theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, tổ chức kinh doanh có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lô-gô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo.
  2. b) Các thông tin tạo thêm phải đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, không che khuất, làm mờ các nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn”.

Như vậy hiện nay không có quy định pháp luật bắt buộc phải hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu trước khi đưa logo vào hóa đơn điện tử để phát hành.Vì việc đưa logo chưa đăng ký nhãn hiệu vào hóa đơn không phải là hành vi vi phạm do vậy không có quy định pháp luật xử phạt đối với hành vi này.

Trên đây là ý kiến tư vấn cũng như cách nhìn nhận chủ quan của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hi vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                                          CVPL: Ngô Thị Mỹ Trâm – FDVN Law Firm

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan