Tôi là Lisa, là giám đốc của một công ty nước ngoài có trụ sở đặt tại Hà Lan và có một văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo báo cáo tình hình hoạt động trong giai đoạn gần đây thì Văn phòng của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, dẫn đến nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng và khó có thể duy trì. Do đó phía công ty muốn chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam. Mong Công ty Luật FDVN (FDVN) có thể tư vấn cho tôi thủ tục chấm dứt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Công ty?
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 07/2016/NĐ-CP) nếu phía thương nhân nước ngoài nhận thấy gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến việc thua lỗ không thể duy trì thì “theo sự đề nghị của thương nhân nước ngoài” mà chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
1.1. Hồ sơ thực hiện thủ tục cấm dứt Văn phòng đại diện tại Việt Nam
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP hồ sơ Quý Khách cần chuẩn bị những loại giấy tờ như sau:
– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
– Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
– Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
Theo đó Quý Khách và người đứng đầu Văn phòng đại diện tại Việt Nam chấm dứt hoạt động và liên đới chịu trách nhiệm về tính trung trực và chính xác của hồ sơ nêu trên.
1.2. Trình tự thủ tục thực hiện chấm dứt Văn phòng đại diện tại Việt nam
Căn cứ theo Điều 37 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, trình tự chấm dứt văn phòng đại diện như sau:
Bước 1: Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp giấy phép.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
Ngoài ra, theo Điều 38 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài còn có những nghĩa vụ sau:
“1. Ngoài việc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Nghị định này, thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải niêm yết công khai về việc chấm dứt hoạt động tại trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật khi Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động.
- Thương nhân nước ngoài có Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định của pháp luật.”.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN