Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / LÀM SAO ĐỂ SỬ DỤNG VỈA HÈ VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH MÀ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT?

LÀM SAO ĐỂ SỬ DỤNG VỈA HÈ VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH MÀ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT?

Tình huống pháp lý: Làm sao để sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh mà không vi phạm pháp luật?

Hiện nay, giá đình tôi đang muốn tận dụng phần vỉa hè phía trước nhà để mua buôn bán kinh doanh (Tạp hóa) trên tuyến đường Lạc Long Quân, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Vậy làm sao tôi có thể sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh buốn bán mà không vi phạm pháp luật? Mong Quý Công ty Luật FDVN (FDVN) có thể tư vấn và sớm phản hồi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1] Quy định của pháp luật về việc sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố

Căn cứ vào Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố như sau:

“Điều 36. Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố

1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.”

Như vậy, trước hết hành vi kinh doanh trên hè phố, trên đường bộ là hành vi bị cấm. Và chỉ có thể được buôn bán trên hè phố, đường đi bộ nếu thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 36 nêu trên.

Theo đó, quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng được quy định như sau:

Khoản 1 Điều 4 Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (“Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND”) và được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 24/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 02 tháng 5 năm 2019 (“Quyết định 24/2019/QĐ-UBND”) như sau:

“1. Cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông: là cho phép được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc cưới, việc tang; để kinh doanh buôn bán (trừ trường hợp kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, phế liệu, xăng, dầu, khí đốt, máy móc, thiết bị thi công); cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại); để xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp; tập kết vật liệu xây dựng (kể cả kết hợp với lắp đặt hàng rào bao che), tập kết máy móc, thiết bị phục vụ thi công các công trình xây dựng; lắp đặt các công trình phục vụ công cộng; lắp đặt Trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt được duyệt và tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.”

Như vậy, trong khái niệm về việc sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông thì có một số trường hợp được cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc cưới, việc tang; để kinh doanh buôn bán; để xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp; tập kết vật liệu xây dựng (kể cả kết hợp với lắp đặt hàng rào bao che), tập kết máy móc, thiết bị phục vụ thi công các công trình xây dựng; lắp đặt các công trình phục vụ công cộng; lắp đặt Trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt được duyệt và tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Trừ trường hợp kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, phế liệu, xăng, dầu, khí đốt, máy móc, thiết bị thi công); cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại.

1.1. Phạm vi sử dụng tạm thời vỉa hè

Căn cứ vào Điều 5 Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND quy định về phạm vi sử dụng vỉa hè tạm thời như sau:

“Điều 5. Phạm vi sử dụng tạm thời vỉa hè

1. Quy định phạm vi sử dụng tạm thời vỉa hè theo bề rộng:

a) Vỉa hè có bề rộng dưới 3,00 mét: Không cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Quy định này nhưng phải đảm bảo lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét;

b) Vỉa hè có bề rộng từ 3,00 mét đến dưới 4,00 mét: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông;

c) Vỉa hè có bề rộng từ 4,00 mét đến dưới 6,00 mét: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 2,00 mét; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông;

d) Vỉa hè có bề rộng từ 6,00 mét đến dưới 9,00m: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 3,00 mét; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.

đ) Vỉa hè có bề rộng từ 9,00 mét trở lên: Cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông nhưng phải đảm bảo:

– Bề rộng phần vỉa hè còn lại (không sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông) rộng tối thiểu 5,00 mét.

– Lối cho người đi bộ tối thiểu là 3,00 mét.

2.Tùy theo điều kiện cụ thể của từng tuyến đường, cơ quan có thẩm quyền cấp phép được quyền phân định phần vỉa hè sử dụng để làm lối cho người đi bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 nhằm đảm bảo vỉa hè thông thoáng, mỹ quan đô thị.”

1.2. Các trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông

Căn cứ vào Điều 6 Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Quyết định 24/2019/QĐ-UBND về các trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông như sau:

“1. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để xe môtô, xe gắn máy, xe đạp thì yêu cầu xe phải được sắp xếp thành từng hàng, dọc theo chiều dài vỉa hè và theo một trật tự nhất định.

2. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng thì tùy theo điều kiện cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xem xét giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo lối cho người đi bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định này và phải được che chắn cẩn thận, bảo đảm không rơi vãi xuống lòng đường và hệ thống thoát nước đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

3. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để lắp đặt các công trình phục vụ công cộng, tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tập kết máy móc, thiết bị, phục vụ thi công các công trình xây dựng, lắp đặt Trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt được duyệt thì tùy theo điều kiện cụ thể, cơ quan cơ quan có thẩm quyền Cấp Giấy phép xem xét giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo lối cho người đi bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định này, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

4. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang: Hộ gia đình, cá nhân phải thông báo với UBND các phường, xã nơi tổ chức việc cưới, việc tang; phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và bố trí lối đi dành cho người đi bộ có chiều rộng tối thiểu là 1,5m; thời gian sử dụng tạm thời vỉa hè là không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ.”

1.3. Các trường hợp cấm sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông

Căn cứ vào Điều 7 Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Quyết định 24/2019/QĐ-UBND về các trường hợp cấm sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông như sau:

“1. Các tuyến đường cấm sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy định này.

2. Các tuyến đường cấm sử dụng tạm thời vỉa hè để cá nhân hoạt động thương mại được quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy định này.

3. Trong trường hợp sử dụng vỉa hè vào mục đích khác theo chủ trương của thành phố trên một số tuyến đường đã được thành phố quy hoạch không cho phép sử dụng tạm thời vào mục đích kinh doanh buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại thì cơ quan có thẩm quyền phải trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

4. Nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán vào bất cứ thời gian nào tại vỉa hè trước phạm vi các trường học, công sở, bệnh viện, nhà thờ, đình, chùa, miếu, thánh thất, công viên công cộng và khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh.”

Như vậy, trên đây là các trường hợp cấm sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Theo đó, căn cứ vào Danh sách các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại (Kèm theo Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng) thì tuyến đường Lạc Long Quân, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng không nằm trong các tuyến đường bị cấm sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Lưu ý:  Nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán vào bất cứ thời gian nào tại vỉa hè trước phạm vi các trường học, công sở, bệnh viện, nhà thờ, đình, chùa, miếu, thánh thất, công viên công cộng và khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh.

1.4. Thẩm quyền cấp Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông

Căn cứ vào Điều Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng:

“3. UBND các quận, huyện cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông để thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán; cá nhân hoạt động thương mại; để xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp; tập kết vật liệu xây dựng trên các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè được phân cấp cho Sở Giao thông vận tải quản lý.”

1.5. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông và thời gian giải quyết

Căn cứ vào Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Quyết định số  55/2014/QĐ-UBND cua Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép như sau:

“1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán:

a) Đơn đề nghị sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông (theo mẫu quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép) hoặc Công văn của tổ chức, cá nhân có nội dung đầy đủ thông tin như Đơn;

b) Bản photocoppy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (hoặc Giấy xác nhận của UBND phường, xã nơi cư trú đối với những hộ buôn bán nhỏ);

c) Sơ đồ vị trí (thể hiện đầy đủ kích thước và hiện trạng của khu vực);

d) Giấy cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để cá nhân hoạt động thương mại:

a) Đơn đề nghị sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông (theo mẫu quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép) hoặc công văn của tổ chức, cá nhân có nội dung đầy đủ thông tin như Đơn. Đơn hoặc công văn phải có xác nhận của UBND phường, xã nơi cư trú;

b) Giấy cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị;

c) Sơ đồ vị trí (thể hiện đầy đủ kích thước và hiện trạng của khu vực đối với trường hợp sử dụng địa điểm cố định).”

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Đinh Thị Thông Công ty Luật FDVN

…………..….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan