NHẬN ĐỊNH CỦA ỦY BAN THẨM PHÁN TÒA ÁN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
[1] Tại Bản án hôn nhân và gia đình số 09/2015/HNGĐ-ST ngày 05/8/2015 Tòa án nhân dân huyện Krông Năng quyết định cho chị C được ly hôn anh Q; giao cháu K cho chị C nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, anh Q có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu K 1.000.000đ/tháng cho đến khi cháu trưởng thành đủ 18 tuổi, thời gian cấp dưỡng bắt đầu từ tháng 9/2015 (bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành). Ngày 19/9/2018, anh Q khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Krông Năng giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con để anh Q được trực tiếp nuôi dưỡng cháu K, anh Q không yêu cầu chị C cấp dưỡng nuôi con. Tại Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 30/2018/HNGĐ-ST ngày 29/11/2018 Tòa án nhân dân huyện Krông Năng căn cứ điều kiện kinh tế của anh Q và các điều kiện khác quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Q. Ngày 05/12/2018, anh Q kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ việc chị C đã xuất khẩu đi lao động tại Nhật Bản, từ đó nhận định chị C không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu K, đồng thời căn cứ lời khai của anh Q về thu nhập của anh Q, để sửa bản án sơ thẩm giao cháu K cho anh Q trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi cháu K đủ 18 tuổi.
[2] Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy: Sau khi ly hôn với anh Q, chị C đưa cháu K về sống cùng nhà với cha mẹ chị C là vợ chồng ông Đào Văn Bắc, bà Trần Thị Tươi. Suốt 6 năm từ khi cháu K sinh ra (ngày 17/8/2012) đến khi anh Q khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi dưỡng (ngày 19/9/2018) thì chị C và cha mẹ chị C trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục cháu K; còn anh Q do phạm tội cố ý gây thương tích với chính chị C và mẹ chị C nên sau khi ly hôn phải chấp hành án phạt tù đến ngày 18/02/2018 mới mãn hạn tù. Sau khi mãn hạn tù anh Q cũng không cấp dưỡng nuôi cháu K, ngày 19/9/2018 anh Q khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng đến ngày 05/11/2018 và ngày 26/12/2018 anh Q mới đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Năng nộp 6.000.000đ tiền cấp dưỡng nuôi con.
[3] Tháng 4/2018, do chịu áp lực từ việc anh Q thường xuyên kiếm cớ gây chuyện, do kinh tế khó khăn và anh Q không cấp dưỡng nuôi con nên chị C phải đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nhưng chị C vẫn gửi tiền về đầy đủ để ông Bắc, bà Tươi nuôi dưỡng, chăm sóc cháu K (Biên bản xác minh ngày 20/3/2019 – bút lục 88). Anh Q khai có rẫy cà phê diện tích hơn 1,2 ha cho thu nhập trên 150.000.000 đồng/năm nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh; trong khi kết quả xác minh ngày 15/10/2019 chính quyền địa phương nơi anh Q cư trú xác nhận: “anh Q vẫn không có công việc ổn định, thỉnh thoảng có đi làm thuê và thu nhập không ổn định. Hiện nay anh Q đã có con được vài tháng, đã lập gia đình với người phụ nữ khác (còn anh Q đã đăng ký kết hôn với người phụ nữ đó chưa thì chúng tôi không nắm được)”.
[4] Anh Q phạm tội cố ý gây thương tích đối với chính bà và mẹ của cháu K nên việc giao cháu K cho anh Q nuôi dưỡng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu K. Mặt khác, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm giao cháu K cho anh Q nuôi dưỡng thì cháu K có Đơn gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), nội dung trình bày nguyện vọng được ở với mẹ và ông bà ngoại. Xét, cháu K đã đủ 7 tuổi nên cần căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tôn trọng nguyện vọng của cháu.
QUYẾT ĐỊNH 05/2020/HNGĐ-GĐT