Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / KINH NGHIỆM XÉT XỬ: QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ TÀI SẢN.

KINH NGHIỆM XÉT XỬ: QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ TÀI SẢN.

NHẬN ĐỊNH CỦA ỦY BAN THẨM PHÁN TÒA ÁN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG:

[1] Năm 1962, cụ Lê Đ1 và cụ Võ Thị C1 đến khai phá, lập nghiệp, sinh sống tại thửa đất số 106, tại tờ bản đồ số 21 tại thôn A 01, xã C, thị xã A, tỉnh Gia Lai. Quá trình chung sống cụ Đ1, cụ C1 có 04 người con chung là ông Lê Văn Đ, Lê Văn X, Lê Văn Q, Lê Văn K. Ngày 22/9/1999, Ủy ban nhân dân huyện A đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 989077 đứng tên hộ ông Lê Đ1 đối với 1906m2 đất tại thửa đất số 106, tờ bản đồ số 21 tại thôn A 01, xã C, huyện A, tỉnh Gia Lai.

Năm 2009, hai cụ chuyển nhượng cho ông Lê Văn K 490m2 đất trồng cây lâu năm. Ngày 17/3/2009, Ủy ban nhân dân thị xã A đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Văn K, bà Lê Thị Ngọc O đối với diện tích 490m2, tại thửa đất 106, tờ bản đồ số 21, tại thôn A 01, xã C, huyện A, tỉnh Gia Lai. Diện tích đất còn lại thuộc quyền sử dụng của cụ Đ1, cụ C1 là 1.416m2.

Năm 2009, cụ C1 chết và đến năm 2010, cụ Đ1 chết; trước khi chết hai cụ chưa phân chia tài sản chung cho các con và không để lại di chúc. Do đó, Tòa án cấp sơ xác định thửa đất 106, tờ bản đồ số 21, tại thôn A 01, xã C, huyện A, tỉnh Gia Lai có diện tích đất 1.416m2 là tài sản của cụ Đ1, cụ C1 chết để lại chưa chia là có cơ sở và phân chia di sản cho 04 người con chung của cụ Đ1, cụ C1 là phù hợp.

[2] Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết công sức đóng góp của ông Q khi phân chia di sản là không thỏa đáng. Bởi lẽ, ông Q thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế, Ông không đồng ý việc chia thừa kế vì cho rằng các anh em của Ông đã được cha mẹ cho tiền bạc để làm nhà ở riêng, còn Ông ở chung với cha mẹ, trước khi qua đời cha mẹ ông có ý để lại toàn bộ tài sản trên cho Ông; như vậy, cho dù ông Q không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp nhưng khi Tòa án quyết định việc chia di sản cho các thừa kế thì phải xem xét đến công sức đóng góp của ông Q do yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức; việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ, xem xét công sức đóng góp của ông Q là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông.

[3] Mặt khác, tại kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 26/12/2016 thì trên diện tích đất 1.416m2 có 01 ngôi nhà cấp IV (gồm 02 gian, nhà g1 có diện tích 37,24m2 và nhà g2 có diện tích 24,46m2, hiện đã hư hỏng xuống cấp không còn giá trị sử dụng) do ông Q quản lý, sử dụng và 16 loại cây cũng do ông Q trồng. Nhà g2 theo sơ đồ hiện trạng nhà đất thì có một phần nhỏ nhà nằm trên thửa đất chia cho ông Q và một phần lớn nhà trên thửa đất chia cho ông Đ. Theo kết quả định giá tài sản thì nhà g2 không còn giá trị nên không cần định giá, nhưng theo kết quả xác minh thi hành án ngày 08/01/2018 thì trên thực tế ông Q vẫn dùng nhà g2 làm nhà bếp để nấu ăn và phơi đồ. Đúng ra, để giải quyết triệt để vụ án, nếu nhà g2 không còn giá trị sử dụng thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tuyên buộc ông Q tháo dỡ để giao lại đất trống cho ông Đ; ngược lại, nếu vẫn còn sử dụng được thì buộc ông Đ phải thối trả lại giá trị tương đương cho ông Q mới phù hợp; đồng thời, đối với 16 loại cây do ông Q trồng trên đất (cây nghệ được trồng trên diện tích đất 300m2, 60 cây mai vàng, 46 cây dâu ta, 1-3 cây chuối, 01 cây vú sữa, 02 cây dừa, 01 cây me, 02 cây chanh, 15 cây thanh long, 02 cây mít, 03 cây xoài, 02 cây hương, 01 cây mận và 01 cây sanh) có tổng trị giá thành tiền là 12.064.600 đồng, lẽ ra khi phân chia đất nếu cây cối nằm trên đất của ai thì Tòa án cũng phải buộc người đó thối trả giá trị tài sản này cho ông Q; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại không tuyên việc xử lý như thế nào đối với các tài sản trên đất, dẫn đến việc thi hành án gặp trở ngại, khó khăn.

[4] Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/KN-DS ngày 31/3/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Gia Lai để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật. Khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quyết định số: 30/2020/DS-GĐT

Bài viết liên quan