Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / KINH NGHIỆM XÉT XỬ: QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA ỦY BAN THẨM PHÁN TÒA ÁN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HỦY BẢN ÁN VỤ ÁN DÂN SỰ “TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ” 

KINH NGHIỆM XÉT XỬ: QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA ỦY BAN THẨM PHÁN TÒA ÁN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HỦY BẢN ÁN VỤ ÁN DÂN SỰ “TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ” 

 NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Ông Lăng Hưng L và bà Phạm Thị T chung sống từ năm 1977, không đăng ký kết hôn, nhưng là hôn nhân thực tế, hợp pháp theo quy định của pháp luật. Khoảng năm 1987, ông L chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Đ (không đăng ký kết hôn); quan hệ chung sống giữa ông T, bà Đ không thuộc trường hợp đặc biệt theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao, không được coi là hôn nhân thực tế. Nên không cần xác minh thời điểm ông L, bà Đ chung sống với nhau năm 1986 hay năm 1987 như Kháng nghị nhận định.

[2] Quá trình chung sống, ông L và bà Đ tạo lập khối tài sản chung là 06 bất động sản tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Trong đó, 05 bất động sản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông L, còn 01 bất động sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không vướng quy hoạch. Sau khi ông L ở riêng thì các bất động sản này do bà Đ khai thác, sử dụng và hưởng lợi. Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông L, bà Đ mỗi người được hưởng ½ giá trị khối tài sản chung là có lợi cho bà Đ, nên Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tính công sức cho bà Đ là không đúng.

[3] Tại biên bản lấy lời khai ngày 20/9/2018 (BL 160), ông L thừa nhận chị Nguyễn Thị Như T là con riêng của bà Đ, có gửi tiền cho ông L tiêu xài hàng tháng (dù không thường xuyên) và cho ông L đi du lịch các nước (nhưng ông L không đi). Đây là chứng cứ không cần phải chứng minh, thể hiện chị T quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ông L, có quan hệ nuôi dưỡng. Căn cứ Điều 654 của Bộ luật Dân sự 2015 thì chị T là người được thừa kế di sản của ông L. Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm cho rằng hàng thừa kế thứ nhất của ông L không có chị Nguyễn Thị Như T là không đúng. Kháng nghị 37 nhận định chị Nguyễn Thị Như T được hưởng di sản thừa kế của ông L là có căn cứ. Tuy nhiên, giữa chị Nguyễn Thị Như T và ông L có quan hệ nuôi dưỡng nhưng không thường xuyên, nên cần cho chị Nguyễn Thị Như T hưởng một phần di sản ít hơn so với kỷ phần của những người thừa kế mới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chị Nguyễn Thị Như T.

[4] Về xác định giá trị tài sản tranh chấp: Chứng thư thẩm định giá thể hiện tài sản 1 có giá trị 2.200.296.869 đồng, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tài sản này giá trị 1.749.008.130 là chưa chính xác, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của các đương sự, nên kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung này là có căn cứ.

[5] Anh Lăng Thanh P là người thừa kế di sản của ông L, chưa có chỗ ở. Tòa án cấp phúc thẩm chia giá trị, không chia hiện vật cho anh P là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của anh P. Mặt khác, cần xác minh đầy đủ những người đang sinh sống trên tài sản tranh chấp (những người trong hộ ông Nguyễn Văn T, hộ chị Nguyễn Thị Như T, hộ anh Lăng Thanh P) để đưa vào tham gia tố tụng mới giải quyết toàn diện, triệt để vụ án. Do đó, Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ chấp nhận.

Quyết định: 54/2020/DS-GĐT

Bài viết liên quan