Feel free to go with the truth

Trang chủ / Hình sự / Không ra Tòa làm chứng có bị xử lý gì không?

Không ra Tòa làm chứng có bị xử lý gì không?

Tôi là nhân chứng trong một vụ án hình sự, đã nhận giấy triệu tập của Tòa án nhưng tôi không muốn ra Tòa làm chứng được không. Nếu không tham gia, tôi có bị xử lý không? Mong Quý công ty tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!!!

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Theo điểm a Khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Đồng thời, Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau: “Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”

Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, nếu anh/chị là người làm chứng về những vấn đề quan trọng mà vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử có thể quyết định hoãn phiên tòa. Trong trường hợp được Tòa án triệu tập và việc vắng mặt của anh/chị gây trở ngại cho việc xét xử mà anh/chị cố ý vắng mặt không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì anh/chị có thể sẽ bị dẫn giải.

Ngoài ra, người làm chứng từ chối khai báo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu theo Điều 383 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm

Nếu tòa triệu tập anh/chị tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng, anh/chị cần hợp tác để thực hiện nghĩa vụ của mình, tránh những hậu quả xấu về mặt pháp lý có thể xảy ra. Nếu vì lý do bất khả kháng không thể tham gia được phiên tòa, anh/chị cần có đơn gửi tòa án nêu rõ lý do vắng mặt và gửi trước ngày xét xử để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Tư vấn bởi Nguyễn Thị Lan Anh – Công ty Luật FDVN 

Bài viết liên quan