Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Khi nào được đương nhiên xóa án tích?

Khi nào được đương nhiên xóa án tích?

Vào tháng 3/ 2012, tôi có phạm tội trộm cắp tài sản và bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù treo (thời gian thử thách là 5 năm). Đến nay đã hết thời gian thử thách tôi cũng không phạm tội mới, tôi xin hỏi là tôi đã được xóa án tích chưa và có giấy tờ gì để chứng minh tôi đã được xóa án tích không?

        Trả Lời:

Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Thứ nhất, anh (chị) đã được xóa án tích hay chưa?

Xóa án tích được quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó, người phạm tội sẽ được đương nhiên xóa án tích nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  1. Đã bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) của Bộ luật Hình sự 2015 khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.
  2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

  1. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 nêu trên.

Theo thông tin Anh/Chị cung cấp, Anh/Chị đã bị kết án về Tội trộm cắp tài sản với mức hình phạt là 02 năm 06 tháng nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách là 05 năm. Như vậy, từ tháng 03/2012 đến tháng 03/2017, Anh/Chị đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo và từ tháng 03/2017 đến nay đã hơn 02 năm Anh/Chị không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Do đó, Anh/Chị thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định pháp luật nêu trên.

Thứ hai, Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận xóa án tích

  1. Cơ quan có thẩm quyền: Sở Tư pháp nơi Anh/Chị thường trú.
  2. Hồ sơ gồm có: (Căn cứ Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1)

– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

– Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của anh (chị);

– Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của anh (chị);

  1. Trình tự: (Căn cứ vào Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Điều 17 Nghị định 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lý lịch tư pháp 2009, Khoản 1 Điều 369 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, Điều 25 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP)

Bước 1: Anh (chị) chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở tư pháp nơi Anh (chị) thường trú.

Bước 2: Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết Phiếu nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung.

Bước 3: Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc Anh (chị) có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án dân sự gửi văn bản thông báo kết quả xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của của anh (chị).

Bước 4: Sau khi có kết quả trả lời xác minh, Sở Tư pháp nơi cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho anh (chị) theo quy định. Nếu theo kết quả xác minh mà anh (chị) đủ các điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì Sở tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là anh (chị) không có án tích.

Bước 5: Căn cứ vào thời gian ghi trên Phiếu biên nhận hồ sơ chị đến Sở tư pháp nơi anh (chị) đã nộp hồ sơ mang theo Phiếu biên nhận hồ sơ. Trường hợp làm mất Phiếu biên nhận hồ sơ thì phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.

Công chức trả kết quả kiểm tra Phiếu biên nhận hồ sơ hoặc Giấy chứng minh nhân dân, trao kết quả cho người nhận.

  1. Thời hạn: Tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

      Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty chúng tôi. Nếu có thắc mắc gì xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên để được tư vấn tận tình.

Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương

Công ty Luật FDVN

Bài viết liên quan