Tình huống pháp lý: Hợp đồng không phải do người đại diện pháp luật công ty ký thì có đúng không?
Ngày 15/6/2018, Công ty tôi có giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty X. Công ty tôi đã tạm ứng cho Công ty X là 200 triệu đồng tiền hàng. Tuy nhiên, Công ty X không chịu giao hàng như đã thỏa thuận. Sau một thời gian, thì Công ty X lấy lý do Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu vì ông A (người đại diện Công ty X ký kết hợp đồng với công ty tôi) không phải là người đại diện theo pháp luật, mặt khác ông A cũng không phải là người đại diện theo ủy quyền, không có giấy ủy quyền.
Chúng tôi đã lên sở kế hoạch đầu tư để xác minh và kết quả như sau:
- Người đại diện theo pháp luật của công ty X là ông B tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
- Ngày 20/08/2011, Công ty X được cấp Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật mới là ông A.
- Ngày 02/08/2019 Công ty X được cấp Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật mới là ông B.
Xin hỏi luật sư: Hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty X của Công ty tôi có bị vô hiệu không?
Trả lời:
[1] Khái niệm “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”
Theo Khoản 1 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014, Khái niệm người đại diện theo pháp luật như sau:
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Theo Khoản 1 Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
“a, Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b, Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c, Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”
Theo quy định pháp luật trên, có thể xác định ông A là người đại diện theo pháp luật được Công ty X chỉ định theo điều lệ. Tuy nhiên, để khẳng định ông A là người có đủ thẩm quyền giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Anh/chị thì phải chứng minh Hợp đồng mua bán hàng hóa được ông A ký kết trong thời hạn đại diện và trong phạm vi đại diện của ông A.
[2] Thời hạn đại diện và phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 140 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hạn đại diện như sau:
“1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thời hạn đại diện của ông A đối với Công ty X là khoảng thời gian từ ngày 20/08/2011 đến ngày hết ngày 01/08/2019. Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết 15/06/2018, tức là đã thỏa mãn yếu tố giao kết Hợp đồng trong thời hạn đại diện.
Theo Khoản 1 Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015 thì phạm vi đại diện được quy định như sau:
“1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
- a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- b) Điều lệ của pháp nhân;
- c) Nội dung ủy quyền;
- d) Quy định khác của pháp luật.”
Như vậy, phạm vi đại diện của ông A thì được xác định căn cứ vào Điều lệ của Công ty X, không phải trong mọi trường hợp người đại diện theo pháp luật đều có quyền quyết định việc giao kết hợp đồng.
Ví dụ: Theo điểm h Khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014
“2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng và giao dịch quy định, tại điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 1 và khoản 3 Điều 162 của Luật này;”
Theo ví dụ trên thì Hợp đồng mua bán có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty thì thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng quản trị. Người đại diện theo pháp luật là ông A giao kết Hợp đồng là vượt quá phạm vi đại diện.
Từ những phân tích ở trên cho thấy cần phải xem xét Điều lệ của Công ty X mới có thể biết được ông A có đủ thẩm quyền ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Anh/chị hay không.
[3] Hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện.
Một là, Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
– Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
– Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
Được coi là đã biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Sau khi hợp đồng đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng đã báo cáo với người được đại diện biết hợp đồng đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật…).
Người được đại diện thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…).
Người được đại diện có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng…).
Người được đại diện đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng mà có (sử dụng xe ôtô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện hợp đồng thuê tài sản…).
– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
Hai là, Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch
Ba là, Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc người được đại diện đồng ý.
Theo Công ty Luật FDVN
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
45C Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/