Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / HÔN NHÂN GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÓ CÙNG GIỚI TÍNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM

HÔN NHÂN GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÓ CÙNG GIỚI TÍNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Tóm tắt:

Hôn nhân giữa những người có cùng giới tính là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối, đôi khi còn gây ra chia rẽ xã hội sâu sắc. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng việc hợp pháp hoá kiểu hôn nhân này là để đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các thiên hướng tình dục và giảm được phân biệt đối xử trong xã hội. Vấn đề quyền con người sẽ bị hạn chế khi không công nhận quan hệ hôn nhân có cùng giới tính, như quyền được kết hôn, quyền được mưu cầu hạnh phúc… Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, bài viết phân tích các khía cạnh pháp lý về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, từ đó đưa ra một số định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.

Từ khóa: Hôn nhân cùng giới tính, công nhận, không công nhận, quyền con người.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hôn nhân giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm. Theo thống kê mới nhất đến năm 2019 đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính như: Hà Lan, Mỹ, Pháp…[1]  Ở Việt Nam vấn đề lập pháp về hôn nhân giữa những người cùng giới tính được tranh luận rất sôi nổi, có hai luồng quan điểm trái chiều là nên công nhận hay không nên công nhận hôn nhân này. Công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính là một vấn đề chính trị, xã hội, nhân quyền và quyền công dân, cũng như vấn đề tôn giáo ở nhiều quốc gia và trên thế giới. Liệu rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính ở Việt Nam là phù hợp?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đặt ra vấn đề thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề công nhận hay không công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ có mặt tốt, xấu của nó. Để có được một hướng đi hoàn thiện hơn cần phải đánh giá, xem xét ở nhiều góc độ khác nhau.

  1. Quan điểm pháp luật về hôn nhân giữa những người cùng giới tính

Các quốc gia trên thế giới tồn tại nhiều kiểu hôn nhân khác nhau như hôn nhân một vợ một chồng, hôn nhân nhiều vợ nhiều chồng, hôn nhân đa thê, hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, nam nữ sống chung như vợ chồng,,… Riêng đối với hôn nhân có cùng giới tính thì hiện nay có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận quan hệ hôn nhân này. Việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ được pháp luật bảo hộ và có các quy định điều chỉnh; họ có các quyền hôn nhân về nhân thân, tài sản và con cái như những cặp vợ chồng nam, nữ bình thường. Đơn cử Hà Lan là đất nước đầu tiên đặt ra vấn đề công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính[2], từ những năm 1998 Hà Lan đã quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người có cùng giới tính[3]. Cho đến năm 2001 pháp luật Hà Lan mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa những người có cùng giới tính lúc này quan hệ hôn nhân của họ mới được pháp luật bảo vệ và quy định một cách rõ ràng.[4][5]

Hiện tại vấn đề đặt ra là khi công dân của một quốc gia công nhận và công dân của một quốc gia không công nhận kết hôn với nhau thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được quy định như thế nào? Có công nhận trong trường hợp này hay không? Nếu công dân Việt Nam kết hôn với với công dân của một nước công nhận như Hà Lan thì quyền lợi của công dân hai nước sẽ ra sao. Bởi vì khi hai người sống tại Hà Lan thì hôn nhân của họ sẽ được công nhận, họ sẽ như các cặp vợ chồng hợp pháp khác. Họ sẽ có quyền lợi mưu cầu về hôn nhân, được bảo đảm quyền và lợi ích mà quyền con người đáng được nhận, khi họ xảy ra tranh chấp trong quan hệ hôn nhân thì sẽ được pháp luật tại Hà Lan điều chỉnh, giải quyết. Nhưng khi hai người ở Việt Nam, một quốc gia chưa đặt ra vấn đề công nhận thì quyền hôn nhân của họ nói riêng và quyền con người nói chung sẽ không được đảm bảo, quan hệ hôn của họ sẽ không được công nhận. Mà kết hôn là một quyền đương nhiên mà bất cứ công dân nào cũng được hưởng, vậy trong trường hợp này thì quyền con người có còn được đề cao và xem như là một quyền “tuyệt đối” nữa hay không?

Tại thời điểm này ở Việt Nam, các nhà làm luật, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, bác sĩ, luật sư đang lên tiếng tranh luận và đưa ra những ý kiến có nên ủng hộ việc công nhận kết hôn đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể hiện tại có rất nhiều luồng quan điểm về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, nhưng trong đó có hai quan điểm chính trái chiều và mỗi quan điểm đều có những lập luận riêng bảo vệ cho quan điểm đó.

Thứ nhất, quan điểm công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính. Quan điểm này được đưa ra từ những lập luận dựa trên yêu tố tâm sinh lý và quyền con người được quy định tại Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Xét dưới góc độ con người thì người có cùng giới tính cũng có quyền được kết hôn, quyền được mưu cầu hạnh phúc như tất cả mọi người. Bởi pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ các giá trị con người nên không thể vì sự khác biệt về xu hướng tình dục mà chối bỏ quyền con người của họ. Bên cạnh đó, đồng tính không phải là bệnh nên người đồng tính hoàn toàn có quyền lựa chọn việc xác lập quan hệ hôn nhân theo ý chí của mình. Năm 1973, Hội đồng Quản trị của Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) – tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực tâm thần học lớn nhất thế giới đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Hành động này được thực hiện sau khi xem xét các tài liệu khoa học và tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực này, các chuyên gia thấy rằng đồng tính luyến ái không đáp ứng các tiêu chuẩn để được coi là một bệnh tâm thần.[6][7]Bởi những tư duy lạc hậu đó mà nhiều người đồng tính phải sống trong vỏ bọc, một trong số họ phải xác lập một mối quan hệ hay một cuộc hôn nhân khác nhằm che đậy giới tính thật của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì vậy, việc thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ giảm đi sự kì thị, phân biệt đối xử và định kiến xã hội, làm cho con người có một cái nhìn cởi mở hơn về mối quan hệ hôn nhân có cùng giới tính.

Thứ hai, quan điểm không công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính. Quan điểm này chủ yếu dựa trên nguyên tắc bảo vệ các giá trị về văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Giá trị hôn nhân truyền thống bị phá vỡ, mất đi bản sắc dân tộc truyền thống vốn có. Công nhận mối quan hệ giữa những người có cùng giới tính bên cạnh mặt tích cực thì ở khía cạnh nào đó nó có thể khiến cho một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ chưa chín chắn dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc xem đó là một xu hướng, trào lưu. Dẫn đến hệ quả là làm cho mối quan hệ này bị ảnh hưởng nặng nề và tạo nên định kiến khó thay đổi trong xã hội. Ngoài ra, khi chấp nhận quan hệ hôn nhân đồng giới sẽ khiến cho thế hệ tương lai có thể hiểu lầm hôn nhân không phải là vì trẻ em mà đơn thuần chỉ vì sự gắn kết quan hệ và thỏa mãn nhu cầu bản thân của các bên trong quan hệ hôn nhân. Kết hôn là để tạo lập gia đình, gia đình phải đảm bảo chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa của trẻ em nhưng các cặp đồng tính không thể đảm đương vai trò này.

Như vậy, mỗi quan điểm khi nêu ra đều có lập luận và có các căn cứ nhất định. Không thể phủ nhận rằng hôn nhân giữa những người có cùng giới tính hiện nay không còn là vấn đề mới. Đây là vấn đề đã và đang gây tranh cãi rất nhiều cho xã hội cũng như các nhà làm luật nhưng nhìn chung mục đích hướng đến đều là hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính.

2.Pháp luật Việt Nam về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính

Hôn nhân thường là sự kết hợp của các cá nhân về mặt tình cảm, xã hội và tôn giáo một cách hợp pháp giữa những người được gọi là vợ chồng. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. Hôn nhân tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa họ, cũng như giữa họ và con cái, giữa họ và gia đình các bên. Bên cạnh quan hệ hôn nhân một vợ một chồng vẫn tồn tại những quan hệ hôn nhân khác như hôn nhân nhiều vợ nhiều chồng, hôn nhân đa thê, hôn nhân cùng giới tính… Hôn nhân cùng giới tính được biết đến là mối quan hệ hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, có thể hiểu rằng đây là quan hệ hôn nhân giữa hai người cùng là nam hoặc cùng là nữ. Những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc, do đó dẫn đến tình trạng kết hôn giữa những người cùng giới tính.Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng giữa nam và nữ.[8] Đối với hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mặc dù không cấm nhưng Nhà nước vẫn không thừa nhận.[9]

Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định kết hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng của nam và nữ, tức là chỉ có nam và nữ mới có quyền đăng ký kết hôn. Trước đây theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 thì kết hôn giữa những người cùng giới tính thuộc một trong năm trường hợp cấm kết hôn, vì là cấm nên sẽ đi kèm với chế tài và xử phạt cho những ai vi phạm. Tại thời điểm này một bộ phận trong xã hội cho rằng hôn nhân giữa những người cùng giới tính có thể làm suy thoái các giá trị đạo đức, thay đổi những chuẩn mực truyền thống của xã hội Việt Nam. Có ý kiến còn cho rằng hôn nhân cùng giới sẽ làm suy thoái nòi giống và đi ngược lại những giá trị của cuộc sống[10]. Cho nên vấn đề hôn nhân cùng giới tính lúc này bị cấm hoàn toàn. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam vẫn có những đám cưới giữa những người cùng giới tính được diễn ra đơn lẻ trong sự hiếu kì, tò mò của đông đảo mọi người và theo Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP khi bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình về hành vi kết hôn cùng giới tính. Một số khác lựa chọn lặng lẽ sống bên nhau, chấp nhận việc không được tổ chức đám cưới để công khai tình yêu hay giới tính thật của mình vì pháp luật cấm thực hiện hành vi này. Mãi cho đến những năm gần đây cùng với sự cởi mở và thân thiện hơn đối với cách nhìn, nhận thức của xã hội về hôn nhân cùng giới tính thì ngày 19/6/2014, Quốc hội Việt Nam khóa 13 thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 hay còn gọi là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thay thế cho Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Luật năm 2014 đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, thay vào đó tại khoản 2 Điều 8 Luật này quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đây là một bước tiến lớn trong việc công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính ở nước ta và là kết quả của quá trình vận động, thảo luận xã hội trong suốt những năm vừa qua, dẫn đến việc các nhà làm luật phải có cái nhìn tích cực hơn về quyền kết hôn bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc của những người có cùng giới tính. Có nghĩa là những người cùng giới tính có thể tổ chức hôn lễ theo thủ tục hôn nhân truyền thống và chung sống với nhau như vợ chồng.

Để xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp họ cần phải thực hiện đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch, căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 thì cá nhân có quyền đăng ký sự kiện hộ tịch về kết hôn. Tuy nhiên theo quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, dẫn đến những cặp đôi cùng giới tính sẽ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng họ không được đăng ký kết hôn, không được cấp giấy chứng nhận kết hôn, cuộc hôn nhân của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận, giữa họ sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ như những cặp vợ chồng bình thường.

Bên cạnh Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về kết hôn thì văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 cũng quy định về kết hôn cụ thể tại khoản 1 Điều 36: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, là chế độ một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Chính tại Điều này cũng đã nói đến việc kết hôn là quyền của mỗi cá nhân, họ xác lập quan hệ hôn nhân dựa trên ý chí tự nguyện giữa các bên. Mỗi bên không chịu tác động của bên kia hay bất kì người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của mình. Sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí. Tức họ có thể tự do, thoải mái kết hôn trong khuôn khổ pháp luật cho phép mà ngay tại Hiến pháp năm 2013 cũng không có quy định về việc kết hôn chỉ là việc giữa nam-nữ, Hiến pháp cũng không cấm các cặp đôi nam-nam hay nữ-nữ thì không được kết hôn; việc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định kết hôn là việc chỉ giữa nam-nữ là chưa phù hợp với Hiến pháp, trái nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn.

Xuất phát từ giá trị cốt lõi của con người, nhân quyền là một quyền thiêng liêng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tại các văn bản pháp luật. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.[11][12] Để thực hiện trọn vẹn cam kết Tuyên ngôn nói chung và quyền con người nói riêng, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 đã chỉ rõ một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng.[13] Tại Điều 1 của Tuyên ngôn này cũng quy định:“Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi…”, tức mọi người khi sinh ra dù ở tầng lớp, địa vị, sắc tộc nào thì cũng bình đẳng với nhau về quyền lợi như vậy thì giới tính cũng không ngoại lệ. Dù ở bất kì giới tính nào thì họ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, kết hôn với người mình yêu một cách tự nguyện, tự do, bình đẳng và hợp pháp. Quyền này của con người còn được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Tuyên ngôn này: “Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.”. Bên cạnh Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 thì Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cụ thể tại Điều 3, khoản 1 Điều 14 quy định lần lượt là: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”. Như vậy, quyền con người cũng đã được nhấn mạnh trong Hiến pháp 2013, càng khẳng định nhân quyền là quyền không thể chối bỏ, gắn liền với mỗi người.

  1. Định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính

Ở Việt Nam hôn nhân giữa những người có cùng giới tính chịu nhiều sự tác động từ văn hóa, chính trị, xã hội… Với bối cảnh xã hội con người còn mang nặng tư tưởng phong kiến xưa về quan niệm hôn nhân, hôn nhân cùng giới còn chịu nhiều sự kỳ thị của xã hội. Cho nên Việt Nam cần phải cân nhắc đi theo một quy trình phù hợp tránh gây tranh cãi, bất an xã hội, đồng thời để người dân hiểu rõ hơn về hôn nhân giữa những người có cùng giới tính và hướng đến cảm thông, dần hoàn thiện pháp luật phù hợp với những giá trị nhân văn thế giới. Việc không thừa nhận hôn nhân cùng giới hiện nay lệ thuộc về định kiến xã hội, nét truyền thống, tư tưởng chính trị xưa nay. Tuy nhiên, với thời đại hội nhập hiện nay, cùng với các phương tiện truyền thông như báo chí, game show… con người ngày càng có một cái nhìn khách quan hơn và ngày càng có nhiều người cảm thông hơn về hôn nhân cùng giới tính. Cho nên, không thể cứ mãi viện dẫn vào các yếu tố xã hội để hạn chế, không quy định, vì xã hội luôn luôn thay đổi. Hiện nay, những người trong quan hệ hôn nhân cùng giới họ cũng muốn được sống một cuộc sống hôn nhân được pháp luật ghi nhận nhằm thực hiện quyền cũng như bảo vệ các quyền lợi của mình.

Do đó, nhóm nghiên cứu xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần thay đổi quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”[14], đây là một quy định mang tính định tính, nửa vời không rõ ràng. Với quy định này, vô tình pháp luật đã đẩy hôn nhân cùng giới ra ngoài pháp luật; việc giải quyết hậu quả hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ khó khăn hơn, vì pháp luật không cấm nên trên thực tế sẽ tồn tại mối quan hệ hôn nhân cùng giới sống chung với nhau như vợ chồng nhưng khi xảy ra tranh chấp lại xử lý theo Bộ luật Dân sự, không có quy phạm điều chỉnh phù hợp, dẫn đến nhiều hậu quả xảy ra như nhân thân, con cái, tài sản…

Thứ hai, nên công nhận hôn nhân cùng giới tính. Quyền kết hôn là quyền của con người, trong khi đó quyền con người được pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế ghi nhận. Việc không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính sẽ trái với nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn, kết hôn là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc trong việc công nhận vào thời điểm thích hợp tránh gây tranh cãi trong xã hội. Bên cạnh đó hôn nhân cùng giới tính phải được quy định trong pháp luật. Quan hệ hôn nhân cùng giới tính đã tồn tại, tất yếu phải cần có pháp luật điều chỉnh để điều chỉnh mối quan hệ đó trong xã hội theo khuôn khổ của pháp luật, cũng như có thể thực hiện tốt công tác quản lý của Nhà nước, có thể giải quyết các mâu thuẫn hôn nhân này một cách khách quan, tốt nhất.

KẾT LUẬN

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, thay vì “cấm” như trước đây thì chỉ quy định “không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính” đây có thể được coi là một bước tiến lớn trong ngành lập pháp Việt Nam quy định về mối quan hệ này. Trong tương lai việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác động và nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận. Chúng ta phải linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi hằng ngày của xã hội, cần phát triển đồng bộ về mọi mặt kinh tế – xã hội – văn hóa – giáo dục và phát triển cả tư duy, suy nghĩ của mình. Xã hội sẽ chấp nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới chỉ khi pháp luật tiên phong thừa nhận. Điều quan trọng cuối cùng là hôn nhân giữa những người cùng giới tính cần phải được chấp nhận, pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân và pháp luật Việt Nam cần phải công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính.

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Hôn_nhân_đồng_giới Năm 2019, Trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Áo Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy, Nam Phi, New Zealand (trừ Niue, Tokelau và Quần đảo Cook), Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Uruguay, Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland). Có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lai có chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.

Nguyễn Văn Lượm, Huỳnh Thị Như Ý, Phan Ngọc Mi, Bùi Thị Thùy Dương, Đặng Văn Phương Nhi

GVHD: TS.Vũ Thị Hương

*Bài viết lấy từ Hội thảo Khoa học Sinh viên “Sinh viên với pháp luật dân sự trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0*

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[2]Adam Taylor (ngày 26 tháng 5 năm 2015). “What was the first country to legalize gay marriage?”. The Washington Post.

[3]Waaldijk, Kees. “Major legal consequences of marriage, cohabitation and registered partnership for different-sex and same-sex partners in the Netherlands”

[4] “Gay Marriage Goes Dutch”. CBS News. Associated Press. Ngày 1 tháng 4 năm 2001

[5]“Same-Sex Marriage Legalized in Amsterdam”. CNN  Ngày 1 tháng 4 năm 2001

[6] LGBT-Sexsual Orientation http://www.psychiatry.org/lgbt-sexual-orientation

[7]Staff report (ngày 12 tháng 8 năm 1998). Gay Is Okay With APA—Forum Honors Landmark 1973

[8] Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

[9] Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

[10]https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.

[11]United Nations, UNHCHR, Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr.8.

[12]Giáo Trình Lý Luận Và Pháp Luật Về Quyền Con người Chương 2: Khái quát về quyền con người

[13] Lời mở đầu của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948

[14] Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

Bài viết liên quan