Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH Ở HOA KỲ VÀ NHỮNG GỢI MỞ CHO VIỆT NAM

HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH Ở HOA KỲ VÀ NHỮNG GỢI MỞ CHO VIỆT NAM

THS. HỒ MINH THÀNH – Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Chính sách của các quốc gia nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền kết hôn đối với người đồng tính có sự khác biệt đáng kể trên toàn cầu. Theo Chiến dịch Nhân quyền, hôn nhân đồng giới là hợp pháp ở 20 quốc gia, hợp pháp ở một số khu vực tài phán ở 2 quốc gia, phạm tội hình sự ở 75 quốc gia và bị trừng phạt bằng cái chết ở 10 quốc gia[1]. Trong khi các cuộc tranh luận về quyền của người đồng tính đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, chỉ mới gần đây, hôn nhân đồng tính(HNĐT) mới vươn lên dẫn đầu chương trình nghị sự xã hội ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Tại Hoa Kỳ, bên cạnh sự thay đổi chính sách về thừa nhận hôn nhân đồng giới, Toà án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng, quyền kết hôn của các cặp đồng giới sẽ được bảo vệ trên toàn bộ 50 bang của nước này từ năm 2015. Phán quyết này đã được sự hưởng ứng và ủng hộ của dư luận xã hội. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew 2017a cho thấy, sự ủng hộ cho HNĐT đã tăng từ 35% trong năm 2001 lên 62% trong năm 2017[2].

  1. Khái quát về hôn nhân đồng tính theo pháp luật Hoa Kỳ

1.1. Cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn hợp pháp trong lịch sử Hoa Kỳ

Ngày 18/05/1970, hai người đàn ông là Jack Baker và Micheal McConell đã nộp đơn cho Thư ký Toà án Gerald R. Nelson tại Hạt Hennepin để yêu cầu đăng ký kết hôn (ĐKKH). Tuy nhiên Thư ký Toà án này đã từ chối đơn vì hai người yêu cầu ĐKKH có cùng giới tình. Không đồng tình với quyết định đó, cặp đôi này đã khởi kiện với lập luận, pháp luật vào thời điểm hiện tại không hề có quy định cấm kết hôn đồng giới và họ hoàn toàn đủ điều kiện để đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 1, 4, 8 và 9 Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực của họ thất bại, kể cả sau khi đã đệ đơn kháng cáo lên toà án cấp cao[3]. Sau đó, Baker và McConnell đã nộp đơn ĐKKH lại, lần này là tại Hạt Blue Earth và họ đã thành công trong việc xin giấy phép kết hôn ngay trước khi Tòa án Minnesota tạm dừng giấy phép kết hôn đối với các cặp đồng giới[4]. Cặp đôi này, do đó, được xem như là “cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn hợp pháp trong lịch sử”[5]. Đây có thể được xem như là một sự may mắn khi quyết định cấm KHĐT năm 1972 “không hồi tố đối trường hợp của Baker và McConnell” vì hai người đã có được giấy ĐKKH và đã kết hôn “đủ sáu tuần” trước đó.

Năm 1977, Luật của bang Colorado được thông qua với quy định rằng, hôn nhân là một mối quan hệ xuất phát từ một người nam và một người nữ. Và cho đến năm 1980, hơn một nửa số bang tại Mỹ thông qua quy định rằng, kết hôn phải được xuất phát từ hai thực thể khác giới. Một thập kỷ sau, con số này là 40 trong số 50 bang và đến năm 1945 là 45 trên 50 bang tại Mỹ. Năm 1996, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ hôn nhân (Defense of Marriage Act – DOMA) và được Tổng thống Clinton ký thành luật. DOMA cho phép mỗi tiểu bang lựa chọn có công nhận một liên minh đồng giới ở một tiểu bang khác hay không.

Kể từ khi DOMA được thông qua, hầu hết mọi tiểu bang đã tận dụng cơ hội bằng cách ban hành luật hoặc sửa đổi Hiến pháp của bang mình để tuyên bố hôn nhân đồng giới là không hợp lệ, ngay cả đối với các cặp vợ chồng kết hôn ở một bang khác mà tại bang đó, cuộc hôn nhân đã được cấp phép.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Vì DOMA và luật pháp của các bang không thừa nhận hôn nhân đồng giới và nội dung này chưa được tòa án kiểm tra tính hợp hiến, nên việc dựa vào luật pháp để giải quyết vấn đề HNĐT là vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm bấy giờ. Do đó, năm 2002, một văn bản nhằm mục đích sửa đổi Hiến pháp được đề xuất với tên gọi là Sửa đổi Hôn nhân liên bang (Federal Marriage Amendment – FMA) đã được trình ra trước Quốc hội. Việc sửa đổi sẽ định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông và một người phụ nữ và có thể được sử dụng để phủ quyết sự bảo vệ của các tiểu bang hoặc địa phương đối với các cặp đồng giới và con cái của họ. Để trở thành một phần của Hiến pháp Hoa Kỳ, FMA cần phải được hai phần ba Quốc hội phê chuẩn và sau đó được phê chuẩn bởi ba phần tư các cơ quan lập pháp tiểu bang.

1.2. Lược sử thời gian cho việc thay đổi chính sách hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ

Kể từ khi chính phủ liên bang im lặng về chủ đề này, HNĐT luôn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở Hoa Kỳ. Trong vài thập kỷ qua, các quyền và đặc quyền được mở rộng cho cộng đồng LGBT đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang vẫn cứng rắn trong việc mở rộng quyền bình đẳng cho các cặp đồng tính theo luật. Năm 2015, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phán quyết rằng, quyền kết hôn phải được mở rộng cho các cặp đồng tính. Phán quyết đã thay đổi đáng kể bối cảnh của luật hôn nhân đồng giới trên cả nước. Tuy nhiên, trước khi đi đến phán quyết này, các bang được trao quyền quyết định liệu hôn nhân đồng giới có được phép trong phạm vi ranh giới của bang hay không. Điều này làm cho pháp luật điều chỉnh hôn nhân giữa những người cùng giới tính trở nên phức tạp trong một thời gian dài.

1.3. Hệ quả pháp lý đằng sau sự thay đổi các chế định của pháp luật Hoa Kỳ

  1. Mức độ được bảo vệ theo từng chế định

Trước khi các bang công nhận hôn nhân đồng tính (same-sex marriage) – hôn nhân hợp pháp giữa những người cùng giới tính[6] – một số chế định đã được các bang lựa chọn nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa những người đồng tính. Có thể kể đến các chế định kết hợp dân sự (civil union) và sống chung như vợ chồng (Domestic partner).

Kết hợp dân sự[7] là một chế định được tạo ra để mở rộng quyền cho các cặp đồng giới. Những quyền này chỉ được công nhận ở tiểu bang mà cặp vợ chồng cư trú[8]. Bên cạnh đó, sống chung như vợ chồng[9]cũng là một chế định được tạo ra để mở rộng quyền cho các cặp vợ chồng chưa kết hôn, bao gồm (nhưng không nhất thiết giới hạn ở) các cặp đồng giới. “Quan hệ sống chung như vợ chồng” thường được quy định bởi pháp luật các tiểu bang với những hạn chế về quyền hơn so với chế định “kết hợp dân sự”. Ví dụ, ở New Jersey, một kết hợp dân sự tạo ra nhiều trách nhiệm chung hơn về các khoản nợ đồng thời cũng mang lại nhiều quyền lợi hơn đối với tài sản khác. Trong khía cạnh này, Sở Thuế vụ không công nhận HNĐT hoặc “kết hợp dân sự cùng giới”. Điều này có nghĩa là cặp vợ chồng không đủ điều kiện để nhận các lợi ích liên bang dựa trên hôn nhân hoặc nộp tờ khai thuế liên bang. Ví dụ khác là, trong một vụ việc liên quan đến quyền thăm bệnh của vợ chồng, năm 2007 cô Lisa Pond đã chết tại Bệnh viện Jackson sau khi bị phình động mạch não trong chuyến đi nghỉ cùng với Janice Langbehn, đối tác nữ của cô trên quãng đường từ Washington đến Florida. Khi Lisa đang hấp hối tại bệnh viện, một nhân viên xã hội của bệnh viện đã từ chối cho Janice vào phòng bệnh của Lisa. Janice nghe người này đã nói rằng Florida là “một tiểu bang chống đồng tính”. Janice kiện ra tòa và một tòa án quận ở Miami, Florida đã bác bỏ vụ kiện của Janice. Tòa án cho rằng luật pháp Florida không yêu cầu bệnh viện cho phép bạn tình đồng giới đến thăm, ngay cả khi có giấy ủy quyền y tế hợp lệ. Đây là thực tế mà hầu hết các cặp đồng giới ở Hoa Kỳ phải đối mặt và nó trái ngược hoàn toàn với cách mà các cặp vợ chồng khác giới được đối xử ở mọi nơi[10].

Việc công nhận HNĐT đã mang lại quyền lợi cho các cặp đôi này một cách đầy đủ hơn so với các chế định “kết hợp dân sự” hay “sống chung như vợ chồng”. Nói một cách khác, chỉ hôn nhân mới mang lại lợi ích và sự bảo vệ một cách trọn vẹn trong phạm vi toàn liên bang. HNĐT là cuộc hôn nhân được công nhận hợp pháp giữa hai vợ chồng cùng giới tính. Kể từ khi có phán quyết của Tòa án Tối cao tại Obergefell, các cặp vợ chồng đồng tính có các quyền và lợi ích tương tự như các cặp vợ chồng khác giới kết hôn hợp pháp khác, bao gồm giảm thuế, quyền ra quyết định y tế khẩn cấp, tiếp cận luật quan hệ trong nước, lợi ích vợ chồng (bao gồm cả bồi thường cho người lao động), quyền thừa kế và đặc quyền chứng thực của người phối ngẫu[11]. Theo Văn phòng Kế toán Tổng hợp của Chính phủ Liên bang (GAO), tổng cộng sẽ có hơn 1.100 quyền lợi và những bảo vệ khác được trao cho công dân Hoa Kỳ sau khi kết hôn hợp pháp. Các lĩnh vực được bảo vệ bao gồm lợi ích an sinh xã hội, quyền lợi của cựu chiến binh, bảo hiểm y tế, trợ cấp y tế, quyền thăm bệnh, thuế bất động sản, tiết kiệm hưu trí, lương hưu, nghỉ phép cũng với gia đình cũng như là nhập cư[12]. Đây cũng là một trong những sự khác biệt căn bản về mặt lợi ích của HNĐT sau khi được chấp nhận ở cấp liên bang[13].

  1. Xung đột pháp luật giữa các tiểu bang trong giai đoạn 1997 – 2005

Bên cạnh việc làm gia tăng các quyền và lợi ích hợp pháp cho các cặp đôi đồng tính, phán quyết của Toà án Tối cao Mỹ cũng giải quyết được vấn đề xung đột pháp luật phức tạp tại đây trong giai đoạn 1997-2005. Sau khi Hawaii trở thành tiểu bang đầu tiên công nhận mối quan hệ dân sự giữa hai người đồng tính (1997) đến trước khi Toà án tối cao Hợp chúng quốc Hoa Kỳ bắt buộc các bang phải cho phép những người đồng giới kết hôn, luật pháp của các tiểu bang tạo nên một sự xung đột pháp luật nặng nề. Điều này tạo ra sự khác biệt về tình trạng pháp lý của các cặp đồng tính, từ quyền kết hôn đầy đủ ở một số bang cho đến việc từ chối hoàn toàn bất kỳ sự công nhận nào ở hầu hết những người khác.

Do sự khác biệt trong quy định của pháp luật giữa các tiểu bang, một hành động đơn thuần như di chuyển qua biên giới của một tiểu bang trong lãnh thổ Mỹ cũng có thể gây ra hệ quả pháp lý khác biệt cho các cặp đồng tính. Ngay cả trong một ngày du hành xuyên nước Mỹ, hai công dân đồng tính có thể trải qua các tình trạng pháp lý thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Theo đó, họ có thể được xem là đang trong tình trạng kết hôn hợp pháp ở một tiểu bang, nhưng chỉ còn là cấp đối tác trong một bang khác hay được coi là những người lạ hoàn toàn tại bang thứ ba. Chính vì vậy, những cặp đồng tính này luôn luôn phải nhận thức được những nguy cơ pháp lý và sự bảo vệ từ các văn phòng luật sư để giúp họ tự bảo vệ mình, bao gồm hiểu biết về những rủi ro của việc đi lại giữa các tiểu bang không tôn trọng các mối quan hệ gia đình này.

  1. Những gợi mở cho Việt Nam

Từ thực trạng pháp lý về HNĐT tại Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy có một số gợi mở cho việc xây dựng chính sách, pháp luật về quyền kết hôn của người đồng giới tại Việt Nam:

Thứ nhất, với các trường hợp HNĐT, chúng ta có thể cấp một giấy chứng nhận về mối quan hệ dân sự, với hệ quả pháp lý như hợp đồng tiền hôn nhân của pháp luật các nước (civil union). Như đã phân tích, ở Hoa Kỳ, nhiều cặp đồng giới đã thiết lập mối quan hệ lâu dài trước khi có quyền kết hôn dân sự. Tác động và lợi ích có thể có của việc công nhận hôn nhân và hôn nhân đối với các cặp vợ chồng lâu dài đã được kiểm tra qua một nghiên cứu bằng cách sử dụng dữ liệu từ một mẫu của các thành viên cặp vợ chồng: 307 trong một cuộc hôn nhân dân sự và 50 không có tình trạng quan hệ pháp lý. Nghiên cứu được báo cáo được thực hiện trước khi công nhận kết hôn ở tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ và kiểm tra mối liên hệ của tình trạng hôn nhân và sống trong tình trạng công nhận hôn nhân dân sự của các cặp đồng giới với bản báo cáo về LGB dương tính và âm tính (đồng tính nữ, đồng tính nam và lưỡng tính) bản sắc, hỗ trợ xã hội và phân biệt đối xử hàng ngày. Các phân tích hồi quy Dyadic cho thấy những người tham gia vào một cuộc hôn nhân dân sự đã báo cáo mức độ trung tâm nhận dạng LGB cao hơn và sự hỗ trợ từ đối tác. Sống trong một tiểu bang được công nhận hôn nhân dân sự có liên quan đến việc che giấu danh tính LGB ở mức độ thấp hơn, một quá trình ít khó khăn hơn để chấp nhận một danh tính LGB khác, và ít cảnh giác và cô lập hơn. Kết quả được thảo luận về lợi ích của các mối quan hệ lâu dài và tác động của bối cảnh lịch sử xã hội và chính sách hôn nhân đối với các mối quan hệ đồng giới[14].

Thứ hai,Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “nam, nữ có quyền kết hôn.” Như vậy, có thể thấy rằng, Hiến pháp 2013 chỉ quy định về quyền kết hôn chứ không định nghĩa về quyền kết hôn. Quy định về quyền kết hôn của “nam, nữ” không ảnh hưởng hay ngăn cản quyền kết hôn của người đồng tính. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lại có quy định “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”[15]. Quy định này có thể được xem là một trở ngại trong việc luật hoá quyền kết hôn của những người đồng tính tại Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 cũng có quy định về nguyên tắc “một vợ một chồng”[16]Tuy nhiên, nguyên tắc có được hiểu trên tinh thần pháp luật Việt Nam chỉ công nhận tình trạng pháp lý là “đơn hôn”, với nội hàm là “không ai được kết hôn với người khác khi đang ở trong tình trạng hôn nhân”. Do đó, hôn nhân giữa hai người cùng giới tính mà đáp ứng được được nguyên tắc này cũng nên được xem là hợp hiến.

Nói tóm lại, Hiến pháp Việt Nam không ban hành bất kỳ một lý thuyết nào về hôn nhân. Chính vì vậy chúng ta có thể tự do mở rộng đối tượng được kết hôn bao gồm các cặp đồng giới.

***

Có thể nhận thấy rằng, câu chuyện pháp lý về hợp pháp hoá hôn nhân cho những người đồng giới cũng như vấn đề giải quyết hệ quả pháp lý hậu hôn nhân đồng giới sẽ còn kéo dài trong tương lại. Tương tự như trường hợp của Mỹ, kể từ sau quyết định của Tòa án Tối cao trong vụ việc Obergefell v. Hodges[17] mở rộng quyền cho các cặp đồng giới kết hôn trên toàn quốc, cộng đồng LGBT đã đấu tranh chống phân biệt đối xử trong việc làm, nhà ở và nhà ở công cộng. Vào ngày 13/5/2016, Tổng thống Obama đã cân nhắc về “cuộc chiến nhà vệ sinh”, khởi nguồn từ những tranh cãi giữa các bang về việc người chuyển giới có quyền sử dụng phòng tắm với thông báo “Sinh viên có thể sử dụng phòng tắm theo giới tính tự xác định của họ”[18].

Ngoài ra, một số các vấn đề pháp lý khác như là quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con, nuôi con nuôi, cấp dưỡng hay mang thai hộ đối với các người đồng tính cũng là những thách thức lớn cho các nhà lập pháp tại Việt Nam./.

Nguồn: Thongtinphapluatdansu.edu.vn

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

539 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan