Tình huống pháp lý: Chào Luật sư, tôi có cha mẹ là người Việt Nam, sinh ra tại Việt Nam nhưng không được đăng ký khai sinh tại Việt Nam, tôi không có quốc tịch Việt Nam. Hiện tại, tôi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và mang quốc tịch Hàn Quốc, tôi mong muốn được quay về Việt Nam và nhập quốc tịch Việt Nam. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi về điều kiện, hồ sơ, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (“FDVN”). Đối với yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Điều kiện để người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam
Dựa theo thông tin Qúy Khách cung cấp, Qúy Khách là con đẻ của ba mẹ người Việt Nam, vì vậy, căn cứ theo khoản 2, Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể xin được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc trường hợp:
“a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;”
Qúy Khách cần phải có đủ các điều kiện sau để được nhập quốc tịch Việt Nam:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
– Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
– Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thông thường người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ các trường hợp được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi thuộc các trường hợp đặc biệt sau:
– Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
– Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
– Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[2]. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
– Bản khai lý lịch;
– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
– Hộ chiếu của người xin nhập quốc tịch Việt Nam hoặc những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó.
– Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con (theo điểm b khoản 2 Điều Nghị định 78/2009/NĐ-CP).
Qúy Khách không được đăng ký khai sinh tại Việt Nam, vì vậy Qúy Khách phải nộp giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP thì giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là: “1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.”
Thông thường, các văn bản xác nhận của cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha, mẹ, con đều dựa trên kết luận giám định ADN. Do đó, Quý Khách cần thực hiện giám định AND để có văn bản chứng minh Quý khách là con đẻ của công dân Việt Nam.
Hồ sơ chứng minh là con đẻ của công dân Việt Nam gồm: Văn bản xác nhận của cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha, mẹ, con đều dựa trên kết luận giám định AND (giám định AND).
Lưu ý:
– Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, đối với thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam thì người xin nhập quốc tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi cư trú, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo Trần Thị Hạ – Công ty Luật FDVN
—————————–
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn