Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Hồ sơ đất đai 299 là gì? Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản?

Hồ sơ đất đai 299 là gì? Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản?

    Tôi đang có vướng vào một vụ tranh chấp về thừa kế, mong Luật sư giải đáp cho tôi.

Cha mẹ tôi cùng mất năm 1986, có 4 người con. Lúc còn sống cha mẹ tôi có 1 thửa đất rộng khoảng 600m2. Sau khi cha mẹ mất, ba chị em chúng tôi đi làm ăn xa, vài năm mới về một lần, chỉ còn người con út là ở nhà lo hương khói cho cha mẹ. Năm 2018, người con út có ý định chuyển nhượng thửa đất nói trên cho một người khác. Hay tin, ba chị em chúng tôi về ngăn cản vì đất này là của ông bà để lại chứ không phải là đất của người con út nên không được bán. Tuy nhiên, sau khi sao lục hồ sơ địa chính tại UBND xã thì tôi mới biết được cha mẹ tôi là người đứng tên kê khai sử dụng thửa đất này theo Hồ sơ 299, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Sau khi cha mẹ mất, khoảng năm 1994 thì người con út đứng tên kê khai sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này. Khi tôi hỏi cán bộ địa chính thì cán bộ địa chính trả lời hiện giờ đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Do đó, người con út là người có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất này. Luật sư cho tôi hỏi:

  1. Hồ sơ 299 là gì? Cha mẹ tôi đứng tên trên hồ sơ này thì có xác lập quyền sử dụng đất đối với thửa đất này hay không?
  2. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại có còn không?

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

  1. Hồ sơ 299 là gì? Quyên f Cha mẹ tôi đứng tên trên hồ sơ này thì có xác lập quyền sử dụng đất đối với thửa đất này hay không?

Hồ sơ 299 là hồ sơ được lập theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước. Người dân và cả cán bộ làm công tác địa chính thường quen gọi tắt là Hồ sơ 299. Mục đích của việc lập hồ sơ này là để quản lý chặt chẻ và thống nhất được đất đai trong cả nước theo Quyết định 201-CP ngày 01 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ, đồng thời để xây dựng được những tài liệu cơ bản cho công tác quy hoạch của các ngành kinh tế, cũng như quyết định các chính sách quản lý cho công tác kế hoạch hóa, hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc và đẩy mạnh công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp ở miền Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tiến hành công tác đo đạc, lập bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác và đăng ký, thống kê tình hình sử dụng ruộng đất trong cả nước.

Như vậy, hồ sơ 299 được lập hợp pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguồn gốc thửa đất, chủ sở hữu quyền sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, là một trong những căn cứ quan trọng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ý nghĩa của hồ sơ 299 trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hồ sơ 299 là một trong những giấy tờ quan trọng chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của người sử dụng đất, là một trong những căn cứ quan trọng để được cấp Sổ đỏ theo quy định tại điểm g Điều 100 Luật đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP):

Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

  1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
  2. a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  3. b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
  4. c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
  5. d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

  1. e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
  2. g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật đất đai (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP):

Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai

Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:

  1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
  2. Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:
  3. a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;
  4. b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;
  5. c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại điểm a và điểm b khoản này. 

Trường hợp trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất có sự khác nhau giữa thời điểm làm đơn và thời điểm xác nhận thì thời điểm xác lập đơn được tính theo thời điểm sớm nhất ghi trong đơn;

  1. d) Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất; 

đ) Giấy tờ về việc kê khai đăng ký nhà cửa được Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà ở; 

  1. e) Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sỹ làm nhà ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo Chỉ thị số 282/CT-QP ngày 11 tháng 7 năm 1991 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà việc giao đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở của cán bộ, chiến sỹ trong quy hoạch đất quốc phòng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”

Theo như bạn trình bày, cha mẹ của bạn có tên trog hồ sơ 299. Đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để chứng minh cha mẹ bạn là người sử dụng hợp pháp thửa đất này. Vì cha mẹ bạn đã chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế do cha mẹ bạn để lại được chia theo pháp luật, theo đó những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) sẽ là có quyền hưởng di sản này.

  1. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại có còn không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao thì đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Như vậy, theo hướng dẫn trên nếu cha mẹ bạn mất năm 1986 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Từ 10/9/1990 tính đến năm 2019 là chưa được 30 năm, do đó thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Anh/ chị hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế do cha mẹ để lại và yêu cầu của anh/ chị sẽ không bị đình chỉ với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                         CVPL NGUYỄN CÔNG TÍN – CÔNG TY LUẬT FDVN

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:         

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan