Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / “Hít bóng cười” khi lái xe gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

“Hít bóng cười” khi lái xe gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

Theo chuyên viên pháp lý, mặc dù có thể gây nguy hiểm nhưng việc xử lý người sử dụng bóng cười là rất khó vì bản chất loại khí không phải là chất ma túy mà là ô xít nitơ gây ảo giác, không nằm trong danh mục cấm. Vì vậy trong những trường hợp này, xác định lỗi đến đâu xử lý đó.

Công an TP.Hải Phòng vừa có thông tin chính thức về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào ngày 12/11, khi ô tô điên đâm liên hoàn vào 4 xe máy trên đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền.

Theo thông tin từ Công an TP.Hải Phòng, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 22h30 ngày 12/11 tại khu vực trước nhà số 199 Lạch Tray, Ngô Quyền.

Thời điểm trên, Nguyễn Tuấn M. (SN 1996, trú tại phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng) điều khiển xe ô tô theo hướng từ ngã tư Quán Mau về phía cầu vượt Lạch Tray, bất ngờ va chạm với các xe mô tô BKS: 27F3-1289, 16M7-3720 và các xe máy điện BKS: 15MĐ1-286.82, 15MĐ1-057.67.

Vụ tai nạn khiến chị Phạm Thị H. (SN 1992, ở quận Kiến An, Hải Phòng) bị gãy xương đùi; anh Vũ Hải T. (SN 1983, ở Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng) bị gãy ngón tay trỏ; anh Trần V. (SN 2001, ở Miếu Hai Xã, Lê Chân, Hải Phòng) bị trầy xước hai chân; chị Nguyễn Thị Thu H. (SN 1973, ở Hai Bà Trưng, Lê Chân, Hải Phòng) bị xây xước da. Vụ tai nạn làm hư hỏng 2 xe máy và 2 xe đạp điện.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Dân trí, một lãnh đạo cấp đội, Công an quận Ngô Quyền xác nhận, thời điểm gây tai nạn, Nguyễn Tuấn M. vừa lái xe vừa hít bóng cười.

Vấn đề đang được dư luận quan tâm rằng, bóng cười có phải là ma túy hay không? Việc sử dụng bóng cười khi tham gia giao thông gây tai nạn có vi phạm luật Giao thông đường bộ hay không và chế tài xử lý ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt – Công ty luật hợp danh FDVN nhận định, bóng cười là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Đinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên 1 điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng, ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông.

“Mặc dù có thể gây nguy hiểm nhưng việc xử lý người sử dụng bóng cười là rất khó vì bản chất loại khí không phải là chất ma túy mà là ô xít nitơ gây ảo giác, không nằm trong danh mục cấm. Vì vậy trong trường hợp này, xác định lỗi đến đâu xử lý đó” – Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt nói.

Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt cho biết thêm, trong trường hợp người hít bóng cười gây tai nạn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật đối với một người vi phạm quy định pháp luật thông thường. Cụ thể như sau:

Với việc vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện giao thông, người điều khiển có thể bị xử lý về mặt hành chính, cụ thể nếu việc sử dụng bóng cười trong lúc điều khiển, khiến phương tiện chạy quá tốc độ thì, theo quy định tại Điều 5 mục I chương II Nghị Định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì căn cứ vào tốc độ vượt quá sẽ có các hình thức xử phạt: “Xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h, phạt 600.000 đồng đến 800.000; xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h phạt 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng…”. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, nếu lái xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h.

Bên cạnh việc có thể bị xử phạt về hành chính, việc người sử dụng bóng cười điều khiển gây tai nạn, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người khác thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm về mặt dân sự.

Vấn đề bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn giao thông được quy định tại chương XX Bộ luật dân sự 2015 “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại  Điều 590 BLDS 2015, còn xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 BLDS 2015.

Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn phải bồi thường toàn bộ và kịp thời những thiệt hại do mình gây ra. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền hoặc hiện vật.

Bên cạnh việc có thể bị xử lý về hành chính, dân sự tùy theo tính chất, mức độ, người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị xử lý về hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm”. Việc “gây thiệt hại nghiêm trọng”theo điều 202 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) được hướng dẫn tại Khoản 4.1 Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTPvề việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, cụ thể:

“c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng..”

“Do đó, phải xác định được hành vi gây tai nạn liên hoàn của người điều khiển phương tiện có sử dụng bóng cười đã gây những thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác ở mức độ bao nhiêu, nếu thuộc các trường hợp nêu trên thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm” – chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt nhấn mạnh.

NGUỒN: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/hit-bong-cuoi-khi-lai-xe-gay-tai-nan-giao-thong-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a209407.html

Bài viết liên quan