Tôi muốn hỏi quý Công ty về Hình thức kỷ luật cách chức với người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Mong được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Cơ sở pháp lý
– Luật Cán bộ, công chức 2008;
– Quyết định 120/QĐ – TANDTC, ngày 19/6/2017 của TAND tối cao ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân;
– Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014;
– Nghị định 34/2011/NĐ-CP, ngày 17/5/2011 Quy định xử lý kỷ luật công chức;
– Bộ luật Lao động 2012.
[2] Quy định pháp luật về hình thức kỷ luật cách chức với người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân
Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Quyết định 120/QĐ-TANDTC, ngày 19/6/2017 thì người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.
Theo đó, xử lý kỷ luật với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chức danh tư pháp (CDTP) trong các Tòa án nhân dân (TAND) có hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của TAND nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài hình thức khiển trách, cảnh báo và hạ bậc lương còn tuỳ theo mức độ vi phạm của người giữ chức danh tư pháp thì còn có các hình thức xử lý kỷ luật có tính chất nặng hơn gồm: Giáng chức, cách chức và buộc thôi việc người giữ chức danh tư pháp.
Theo yêu cầu tư vấn của anh/chị, chúng tôi xin tư vấn cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật cách chức.
Theo quy định tại Điều 82, Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 thì Đối với chức danh thẩm phán, những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức bao gồm:
“1. Thẩm phán đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán có thể bị cách chức khi thuộc một trongcác trường hợp sau đây:
- a) Vi phạm trong công tác xét xử, giải quyết những việc thuộc thẩm quyền của Tòa án;
- b) Vi phạm quy định tại Điều 77 của Luật này, cụ thể:
“- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật.
– Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án.
– Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
– Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định”.
- c) Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
- d) Vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán;
đ) Có hành vi vi phạm pháp luật khác.”
[3] Thẩm quyền đối với hình thức kỷ luật cách chức
– Chủ tịch nước có thẩm quyền cách chức Chánh án Tòa án quân sự trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền hạn cách chức những chức danh gồm: (Theo quy định từ Khoản 1, điều 35 đến khoản 1, điều 61, Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014)
+ Trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác.
+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao
+ Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao
+ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương
+ Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương
+ Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương
+ Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương
+ Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương
+ Chánh án Tòa án quân sự khu vực
+ Phó Chánh án Tòa án quân sự khu vực
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có quyền hạn cách chức các chức vụ trong Tòa án nhân dân cấp cao, trừ Thẩm phán, Phó Chánh án.
– Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cách chức các chức vụ trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương, trừ Thẩm phán, Phó Chánh án;
– Chánh án Tòa án quân sự trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn cách chức các chức vụ trong các Tòa án quân sự, trừ Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án;
[4] Các quy định khác về xử lý kỷ luật cách chức
Pháp luật về cán bộ, công chức quy định về hậu quả của hình thức kỷ luật cách chức như sau:
-“Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì Công chức không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực”
-“Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.”
Ngoài ra, Pháp luật về lao động 2012 cũng quy định về hình thức kỷ luật cách chức, như sau:
-“Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 03 năm, nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm”
– “Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.”
[5] Xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND
Ngoài ra, nếu người giữ chức danh tư pháp trong TAND có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì có thể bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức sau đây:
– “Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị;
– Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Bố trí làm công việc khác;
– Chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán;
– Không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán;”
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Hoàng Trần Ngọc Anh – Công ty Luật FDVN