(PLO)- Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đang giám sát và sẽ đưa vụ Cocobay được chuyển hơn 1.000 căn condotel thành chung cư ra thảo luận tại kỳ họp cuối năm.
Trao đổi với PLO ngày 28-11, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, xác nhận như trên liên quan vụ “vỡ trận” condotel diễn ra tại tổ hợp Cocobay do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô làm chủ đầu tư.
Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: TL
Việc giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng liên quan Quyết định 593/2019 của UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển đổi 1.016 căn hộ khách sạn trong tổng số 1.856 căn hộ khách sạn tại các tòa nhà Cổ Cò 1, Cổ Cò 2, Cổ Cò 3 sang căn hộ chung cư tại tổ hợp Cocobay.
Ông Tiến cho hay hiện Ban Đô thị chưa nhận được văn bản nào liên quan về vụ việc, cũng như các số liệu thống kê chính thức về số lượng dự án, căn hộ condotel trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, dưới góc độ giám sát của HĐND, tại kỳ họp cuối năm 2019 sắp diễn ra, ban sẽ đưa ra thảo luận tại tổ về vấn đề chuyển đổi từ condotel sang chung cư.
Liên quan Quyết định 593/2019, ông Tiến cho hay thực tế TP chưa bao giờ ghi rõ là cho chuyển đổi bao nhiêu căn hộ.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
“Chỉ có là trường hợp lịch sử để lại là đất ở thì ổng (Cocobay – PV) được cấp sổ đỏ đất ở, theo quy định của luật thì được làm căn hộ lâu dài. TP đồng ý cho Cocobay làm những căn hộ trên khu vực đất ở này, còn chỗ nào đất thương mại – dịch vụ thì là condotel rồi. Việc chuyển đổi này đã xin ý kiến Thành ủy rồi. Cũng vừa giải quyết vấn đề lịch sử nên TP đồng ý cho chuyển đổi” – ông Tiến nói.
Trả lời câu hỏi về việc chung cư (hình thành đơn vị ở) sẽ hình thành quy mô cư trú lớn, tạo gánh nặng cho hạ tầng đô thị, ông Tiến cho hay đơn vị cũng rất quan ngại việc quá tải hạ tầng.
“Mình sẽ đưa ra thảo luận tại tổ để có định hướng chung. Quan điểm của mình là hạn chế, không làm đại trà ra” – ông Tiến nói.
Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng căn hộ condotel được hứa hẹn với khách hàng hoàn toàn khác với căn hộ chung cư. Bởi condotel được xây dựng trong hệ thống dự án có mục đích chính là phục vụ nghỉ dưỡng, du lịch. Chung cư thì phải được hiểu là xây dựng trong các khu dân cư, hình thành đơn vị ở để dân cư sinh sống.
Hơn nữa, condotel sẽ không cần các điều kiện đi kèm giống chung cư trong tổng thể quy hoạch chung như công viên, trường học, bệnh viện, chợ… để phục vụ đời sống của dân cư.
“Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng chung cư đòi hỏi khắt khe về yêu cầu chỗ để xe, phòng cháy chữa cháy và các điều kiện phục vụ đời sống gia đình. Do vậy, pháp lý cho hai loại hình là khác nhau. Ngay cả việc biến các condotel thành chung cư sẽ phát sinh hiện tượng dân cư sinh sống xen lẫn khách lưu trú, dẫn đến các hệ lụy về an ninh trật tự” – luật sư Cao phân tích.
“Rủi ro trong câu chuyện condotel không ở chỗ tiền lãi không nhận được, mà khả năng có giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng là rất khó. Còn đối với một số trường hợp chủ đầu tư chạy đổi quy hoạch được để đổi thành chung cư thì các căn hộ chung cư bị nằm kẹt trong các dự án du lịch chưa chắc đảm bảo thuận lợi cho sinh sống. Do đó các căn hộ chung cư này chưa hẳn là mong muốn của khách hàng, vì khách hàng có nhu cầu đầu tư sinh lãi nhưng lại không đạt được” – luật sư Lê Cao nói. |
…………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc
Luật sư tại Quảng Ngãi
359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Website: www.fdvn.vn fdvnlawfirm.vn
Email: fdvnlawfirm@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446