Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / HÀNH VI QUẢNG CÁO LỪA DỐI NHÌN TỪ HIỆN TƯỢNG “NHÀ TÔI BA ĐỜI…”

HÀNH VI QUẢNG CÁO LỪA DỐI NHÌN TỪ HIỆN TƯỢNG “NHÀ TÔI BA ĐỜI…”

Thật không khó giải thích khi câu nói “Nhà tôi ba đời…” lại trở thành “hot trend” – trào lưu của giới trẻ trên mạng xã hội. Bởi vì trong những tháng gần đây, chỉ cần bật tivi, vào youtube, thì các video quảng cáo với nội dung như “nhà tôi ba đời chữa khỏi…”, “nhà tôi ba đời bán thuốc…” được đan cài vào hầu hết các video, với tần suất xuất hiện dày đặc, trở thành nổi ám ảnh của nhiều người xem. Các video này với danh nghĩa quảng cáo cho những loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang dần “lấn lướt” các nội dung quảng cáo thông thường trên mạng xã hội YouTube. Thế nhưng, câu chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu không có quá nhiều trường hợp cả tin, tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này dẫn đến nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới TW, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo các quảng cáo trên YouTube bán thuốc gia truyền “3 đời” chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hóa khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai… nên đã không ngần ngại mua về uống.[1] Thực trạng này đến từ tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của người có bệnh, cộng với việc đã thử qua nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn không khỏi, nhiều người dân bị mờ mắt. Và không thể không nhắc đến đó chính là sức hút của các video quảng cáo “có một nói mười” tràn lan như hiện nay.

Trước bối cảnh sức ép từ thị trường ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp luôn coi quảng cáo như một công cụ hữu hiệu trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình, từ đó dẫn tới tình trạng hoạt động quảng cáo ngày càng nhiều biến tướng cả về nội dung lẫn hình thức. Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là YouTube, nhiều đơn vị đăng kí kinh doanh thực phẩm chức năng đang mặc sức lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm của mình. Và không ai khác, chính người tiêu dùng ở vị trí yếu thế hơn đang là đối tượng chịu thiệt thòi bởi họ dễ dàng bị lợi dụng nhằm kiếm lời bất chính.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một điều khoản riêng nào định nghĩa về “quảng cáo lừa dối”. Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ đề cập tới hành vi này thông qua hình thức liệt kê một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo với nhiều từ ngữ khác nhau như Luật Thương mại 2005 sử dụng: “Quảng cáo thương mại sai sự thật”; Luật Quảng cáo quy định: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn; Luật Cạnh tranh: “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn”, Luật Dược quy định: “Quảng cáo thuốc sai sự thật hoặc nhầm lẫn”; Luật An toàn thực phẩm: “Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn”; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa: “Thông tin quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối”…

Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định:“Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Đến nay, đây là cơ sở pháp luật đầy đủ nhất để xác định về hành vi quảng cáo lừa dối.

Đối chiếu với quy định trên, quảng cáo “nhà tôi ba đời” đang làm mưa làm gió trên Youtube là quảng cáo vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Có thể nhận diện hành vi này qua các biểu hiện sau:

Lách luật để “sống”

Hiện nay pháp luật Việt Nam đặt ra điều kiện để quản lý hoạt động quảng cáo thuốc đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Luật Dược 2016 có quy định các điều kiện đối với thuốc được quảng cáo như sau:

– Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn

– Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

– Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.

Điều kiện về chủ thể đứng tên trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc được quy định tại Điều 119 Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược như sau:

– Cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam

– Văn phòng đại diện tại Việt Nam của chính cơ sở nước ngoài đăng ký thuốc tại Việt Nam và được cơ sở này ủy quyền

– Cơ sở kinh doanh dược của Việt Nam được cơ sở Cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam ủy quyền.

Khi đáp ứng được đủ điều kiện về thuốc và chủ thể nêu trên, các chủ thể kinh doanh thuốc cần phải thực hiện thủ tục đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc tại Bộ Y tế để được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc[2]. Sau khi có giấy xác nhận nội dung thì mới có thể quảng cáo thuốc đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo.

Google cũng có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Theo đó, thuốc kê đơn chỉ được phép quảng cáo ở Canada, New Zealand, Mỹ. Thuốc không kê đơn chỉ được quảng cáo ở hơn 20 quốc gia, không có Việt Nam[3].

Như vậy, tại Việt Nam, thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc là các sản phẩm cấm quảng cáo tại Việt Nam. Điều này được khẳng định tại Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Đứng trước rào cản pháp luật như vậy, thế nhưng, quảng cáo “ba đời nhà tôi” vẫn tìm cách “lách luật” để có thể xuất hiện trên ứng dụng YouTube từ tivi, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt. Mặc dù luôn khẳng định đây là thuốc có tác dụng “chữa khỏi”, “chữa dứt điểm” vô số bệnh nhưng khi kê khai với cơ quan chức năng thì “núp bóng” với tên gọi là các bài thuốc đông y, gia truyền. Nhờ đó mà các quảng cáo này vừa lừa dối được người tiêu dùng về công dụng, chức năng của sẩm phẩm vừa có thể qua mặt được cả các thuật toán của Google, từ đó tiếp cận một lượng lớn người dùng của YouTube.

Ngoài ra, các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt hiển thị cho Youtube thay vì áp dụng mức giá quảng cáo thông thường vào khoảng 100-200 đồng/lượt. Cách phá giá này khiến quảng cáo của các “thần y” được ưu tiên gắn vào các video có lượng tiếp cận cao. Và với sự hấp dẫn của lợi nhuận, Youtube đã “bỏ mặc” người xem, dung túng, thả nổi cho các quảng cáo vi phạm.[4]

Theo các chuyên gia, các sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh.

Thổi phồng công dụng của sản phẩm

Có thể thấy, mô tuýp quen thuộc của những loại quảng cáo thuốc đông y đều là “nhà tôi 3 đời chữa khỏi”, khẳng định trị dứt điểm, dùng một liệu trình là khỏi hoàn toàn hay “chữa khỏi bệnh sau khi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không hiệu quả”, “không lấy tiền nếu chữa bệnh không khỏi”…

Theo các cơ quan có thẩm quyền, những loại quảng cáo này không có căn cứ khoa học, hoàn toàn sai sự thật, không đúng công dụng, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa cột sống…. không thể chữa khỏi hoặc chỉ đỡ một thời gian.

Việc quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, các sản phẩm thuốc không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo, chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.[5] Tuy nhiên, đại diện Cục quản lý dược, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết, Cục không hề cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho những loại thuốc cam kết “chữa khỏi”, “chữa khỏi hoàn toàn” như trên mạng xã hội đăng tải.[6]

Việc thổi phồng công dụng là lừa dối người tiêu dùng, khiến nhiều người tin theo mà bỏ lỡ cơ hội được chữa bệnh. Thay vì chọn chữa bệnh tại các cơ sở y tế tin cậy, người bệnh lại chọn cơ hội may rủi từ các quảng cáo này.

Sử dụng hình ảnh của người khác, của các tổ chức uy tín để lôi kéo niềm tin của người tiêu dùng

Để đánh lừa, tạo dựng được niềm tin của người xem, làm người xem tin tưởng hơn vào công dụng “thần kỳ” của thuốc, các video quảng cáo thường được dàn dựng như một phóng sự truyền hình. Có 3 dạng video ngụy trang truyền hình bao gồm làm giả thương hiệu nhà đài, làm giả hình thức và cắt ghép nội dung. Cụ thể, ở loại đầu tiên, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài. Loại thứ hai, chủ sở hữu video sẽ nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Hiện một số quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC… Loại cuối cùng là cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh và thông điệp riêng. Việc sử dụng, sao chép các đoạn video bắt đầu của các chương trình phóng sự trên truyền hình, các thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các chương trình phóng sự trên truyền hình như phông nền đằng sau biên tập viên, phông chữ, bảng thông tin hiển thị trong quá trình phỏng vấn, logo của các kênh truyền hình đều là hành vi vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài, được bảo hộ theo quy định tại Điều 28, Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành[7]. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với cá nhân là 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng[8].

Không chỉ vậy, các video quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y khoa. Đồng thời dàn dựng từ nhân vật phỏng vấn về việc đã sử dụng sản phẩm và chữa khỏi bệnh để tăng độ tin cậy của video.

Theo quy định khoản 8 điều 8 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên tới 30 triệu đồng, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm.[9] Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Trong trường hợp khách hàng xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.

Quy định pháp luật là vậy, thế nhưng các quảng cáo “nhà tôi ba đời” vẫn ngang nhiên đăng tải, bất chấp sự lên tiếng, yêu cầu gỡ bỏ của rất nhiều bị hại vô tình bị lợi dụng hình ảnh. Các hành vi này là lừa dối người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới không những tốn tiền mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng.

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về quảng cáo để ngăn chặn “đất sống” của hành vi quảng cáo lừa dối

Luật Quảng cáo với những cải cách đột phá mang lại nhiều thuận lợi cho những người hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều quy định chặt chẽ để tăng cường công tác “tiền kiểm” lẫn “hậu kiểm” để góp phần làm trong sạch môi trường quảng cáo. 

 Thứ nhất, tăng mức phạt khi xử lý đối với hành vi quảng cáo lừa dối

Hành vi quảng cáo lừa dối tùy theo mức độ vi phạm và mức độ gây thiệt hại, người vi phạm pháp luật về quảng cáo có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ điểm b khoản 5  Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo”. Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

Vừa qua, ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/6/2021. Nghị định này tăng nặng mức xử phạt để tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong hoạt động quảng cáo mà bấy lâu nay thường bị cho là mức phạt quá nhẹ. Theo đó, mức phạt đối với hành vi quảng cáo lừa dối sẽ tăng lên 60-80 triệu đồng.

Mặc dù mức phạt đã được điều chỉnh tăng từ 20-30%, thế nhưng so với tốc độ phát triển kinh tế và tỷ lệ lạm phát cao như ở nước ta thì mức phạt này về tương lai không còn nhiều tác dụng. Và đặc biệt, so với những gì quảng cáo mang lại thì các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra số tiền phạt trên để mua lại khoản doanh thu khổng lồ mà hành vi quảng cáo gây lừa dối mang tới.

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

BLHS năm 2015 quy định về tội quảng cáo gian dối đã bỏ quy định về yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng và chỉ áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bỏ quy định áp dụng hình phạt tù. Tuy nhiên, hình phạt này cũng chưa đủ sức ren đe. Và thực tế, rất ít các trường hợp bị truy tố về tội này.

Thứ hai, cần có chế tài xử lý đối với người đại diện thương hiệu, người đóng vai, người kinh doanh quảng cáo, người đăng tải quảng cáo trong các video quảng cáo được xác định là vi phạm

Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về một trong những hành vi bị cấm như sau: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”. Ngoài ra, khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa dịch vụ”.

Các quy định nêu trên mới chỉ đề cập đến hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp quảng cáo.  Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng những hợp đồng thuê hình ảnh của những người nổi tiếng làm đại diện cho thương hiệu sản phẩm của mình. Đơn cử như quảng cáo “nhà tôi ba đời”, các quảng cáo này sử dụng hình ảnh của các bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, các MC truyền hình để tăng độ tin cậy cho sản phẩm của mình. Hình thức quảng cáo này (nếu được sự đồng ý của người đó) là được gọi là đại diện thương hiệu. Mỗi lời nói hoặc hành động của người đại diện thương hiệu là sự bảo đảm chắc chắn về chất lượng, giá, công dụng… của sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất và doanh nghiệp quảng cáo đã tận dụng triệt để hình thức này trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hàng hóa của họ. Hoặc các trường hợp được mời đóng vai người đã dùng sản phẩm và chữa trị thành công. Trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu, người đóng vai đó sẽ được đặt ra như thế nào, chế tài xử phạt đến đâu? Đây là vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ trong quy định của pháp luật quảng cáo hiện nay[10].

Đồng thời, cần thiết phải quy định trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Nếu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không kiểm tra giấy tờ hợp lệ của người quảng cáo mà vẫn tư vấn quảng cáo với những lời lẽ không đúng sự thật thì họ phải chịu trách nhiệm liên đới. Nếu người kinh doanh quảng cáo thiết kế quảng cáo có những hình ảnh phản cảm, trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục… thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Rồi các đơn vị đăng tải những quảng cáo đó để đưa đến công chúng (các phương tiện truyền thông), khi xảy ra sai sót, trách nhiệm đến đâu? Thủ tục xử lý các trường hợp vi phạm như thế nào? Tất cả những điều này phải được quy định cụ thể, rõ ràng.

Thứ ba, việc xác nhận nội dung quảng cáo để cấp phép phát hành quảng cáo là một bước quan trọng góp phần “sàng lọc” và “tuýp còi” sớm đối với các quảng cáo có dấu hiệu lừa dối. Tuy nhiên quy định pháp luật đối với nội dung này còn nhiều bất cập cần điều chỉnh.

Luật Quảng cáo năm 2012 và các luật có liên quan đã quy định người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng của quảng cáo trên phương tiện của mình. Ngoài việc quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm thì cơ quan báo chí trước khi phát, đăng thông tin quảng cáo cần phải kiểm tra, xác minh các giấy chứng nhận của sản phẩm quảng cáo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hợp đồng quảng cáo ít nhiều đều mang đến lợi ích cho cơ quan báo, đài truyền hình… cho nên việc quy định cơ quan báo chí tự mình xác nhận chất lượng sản phẩm như hiện nay chưa thực sự hợp lý, thiếu tính khách quan, dẫn đến dễ xảy ra sai phạm.

Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo quy định: “Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ khoản 1 Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo” (Khoản 1); đồng thời giao cho “Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định” (Khoản 2). Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 của Luật Quảng cáo chỉ yêu cầu “Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt”.

Như vậy, Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP có nội dung không phù hợp với quy định tại Điều 19 của Luật Quảng cáo, dẫn đến phức tạp trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hành vi này.

Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể cho người tiếp nhận quảng cáo đối với quyền yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại

Về việc thực hiện quyền của người tiếp nhận quảng cáo: Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quảng cáo 2021 thì người tiếp nhận quảng cáo có quyền “được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo. Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn đối với nội dung này. Như khi người dân muốn phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thì phản ánh với ai, ở đâu? Quá trình người dân kiện đòi bồi thường diễn ra như thế nào? Người dân có thể ủy quyền cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN đại diện đứng ra kiện được không?…

Thứ năm, cần có những quy định về sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết hành vi quảng cáo lừa dối

Cục quản lý cạnh tranh không phải cơ quan duy nhất giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Có một số cơ quan khác cũng phối hợp cùng Cục quản lý cạnh tranh để giải quyết các vụ việc này như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công thương…. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, cần có những văn bản cụ thể quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức phối hợp giữa các đơn vị nói trên.

Số lượng các vụ quảng cáo gian dối gần đây có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Cục Quản lý cạnh tranh cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện và giải quyết rất nhiều trường hợp vi phạm. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sức hấp dẫn mà quảng cáo mang lại, dự kiến các vụ việc vi phạm về quảng cáo ngày càng tăng. Do đó, việc tăng cường tính hiệu quả của các quy định về pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn cùng cơ chế thực thi nó là đòi hỏi tất yếu hiện nay. Và đồng thời, không ai khác, chính những người tiêu dùng cần có sự tỉnh táo để nhận biết các quảng cáo có dấu hiệu lừa dối để chủ động tự bảo vệ bản thân.

Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]Trần Bình, “Vì sao quảng cáo nhà tôi bà đời chữa khỏi vẫn hoành hành trên Youtube”, nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/vi-sao-quang-cao-nha-toi-ba-doi-chua-khoi-van-hoanh-hanh-tren-youtube-20210330181031967.htm

[2] Khoản 1 Điều 79 Luật Quảng cáo 2012

[3] https://support.google.com/adspolicy/answer/176031?hl=vi

[4] Vì sao quảng cáo “nhà tôi ba đời nhận chữa” tràn lan trên youtube?, https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/vi-sao-quang-cao-nha-toi-ba-doi-nhan-chua-tran-lan-tren-youtube-271212.html

[5] Điều 5 Nghị định 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

[6] Hoàng Ngân, Cẩn trọng với thổi phồng công dụng của thuốc đông y, nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-trong-voi-quang-cao-thoi-phong-cong-dung-thuoc-dong-y-d499220.html

[7] MC truyền hình bị lợi dụng để bán thuốc trên Youtube, https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/internet/mc-truyen-hinh-bi-loi-dung-de-ban-thuoc-tren-youtube-272667.html

[8] Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

[9] Khoản 3 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP

[10] TS Phan Thị Lan Hương, Pháp luật về quảng cáo: những bất cập và kiến nghị hoàn thiện,  Nguồn: http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/207097/Phap-luat-ve-quang-cao–nhung-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien.html

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan