Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thiết kế nhiều “chốt chặn” để ngăn sở hữu chéo và tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, hiệu quả phụ thuộc lớn vào thực tiễn thi hành luật.
Sáu điểm mới nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng 2024
PV: Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản có hiệu lực từ 1/1/2025. Luật sư có đánh giá như thế nào về sự ra đời của Luật trong bối cảnh hiện nay?
Luật sư Lê Cao: Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành trải qua hơn 13 năm thực hiện, với nhiều sửa đổi bổ sung, góp phần tạo môi trường lành mạnh trong quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế có những chuyển biến mới đòi hỏi sự thích ứng cao, Luật Các Tổ chức tín dụng buộc phải xem xét lại các vấn đề đang gặp phải, như vấn đề quản trị tại các ngân hàng, sở hữu chéo, xử lý các tổ chức tín dụng sai phạm, xử lý nợ, xử lý tài sản đảm bảo, thực hiện các hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử (số hóa hoạt động ngân hàng)…
Đó là những vấn đề, những đòi hỏi rất thiết thực để Quốc hội chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, Luật sẽ tạo ra những tác động mới, góp phần kiện toàn các quy định để đảm bảo hoạt động của hệ thống tín dụng được tốt hơn, mang lại nhiều giá trị mới cho hoạt động tài chính, tín dụng trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)?
Luật sư Lê Cao: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó theo tôi có 6 điểm mới nổi bật có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động của hệ thống tín dụng thời gian tới.
Thứ nhất, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm trần sở hữu cổ phần tại các ngân hàng, kiểm soát giới hạn cấp tín dụng. Cụ thể, theo khoản 1, 2, 3 trong Điều 63, tỷ lệ sở hữu tối đa với cổ đông cá nhân được giữ nguyên ở mức 5% nhưng cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng quy định cụ thể hơn về việc hạn chế cấp tín dụng tại Điều 135 và 136. Cụ thể, Luật quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng (trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc) không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng, tuy nhiên đối với tất cả các đối tượng nêu trên không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng (quy định trong luật cũ là 20%).
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng quy định theo hướng giảm mức tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Theo đó, từ ngày Luật có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng là 14%; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Sau đó sẽ giảm dần theo từng năm, đến 1/1/2029 sẽ đạt mức 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Ngoài ra, Luật cũng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định rõ vấn đề can thiệp sớm và xử lý các tổ chức tín dụng. Luật đã làm rõ các điều kiện để Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm, trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể để đảm bảo xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan nhằm quyết định đưa các ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc xử lý bằng các giải pháp cụ thể khác theo luật định nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng phải vận hành, hoạt động an toàn.
Thứ ba, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 xác định bổ sung nhóm người liên quan đến các tổ chức tín dụng. Theo đó, bổ sung một số nhóm người có liên quan đến 5 thế hệ, bao gồm: Công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột, cháu ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột và ngược lại. Quy định này nhằm mục đích làm minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng và xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân. Nói cách khác, những quy định này sẽ nhằm minh bạch vấn đề người liên quan, ngăn chặn các mối quan hệ qua lại có thể phát sinh những vấn đề nhức nhối về sở hữu chéo và hoạt động đầu tư, cấp tín dụng với hiện tượng sân sau, mờ ám.
Thứ tư, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định vấn đề công khai thông tin của cổ đông và người có liên quan đến tổ chức tín dụng. Theo khoản 2 Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này và cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 49 cũng quy định tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp. Việc cung cấp thông tin nêu trên sẽ minh bạch hơn các vấn đề liên quan đến các cổ đông nhỏ nhưng có thể có liên quan đến các cổ đông lớn, cũng là giải pháp nhằm hạn chế hoạt động các nhóm lợi ích thâu tóm sở hữu ngân hàng, kiểm soát được tốt hơn tính liên quan trong sở hữu ngân hàng.
Thứ năm là luật hóa các quy định nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định luôn một chương (Chương XII) về vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo. Đây là các nội dung được luật hóa đồng bộ, theo đó quy định như thế nào là nợ xấu, các hoạt động xử lý, mua bán nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Các quy định này giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn nhằm đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Đối với một số vấn đề xử lý nợ xấu liên quan đến dự án bất động sản, theo quy định tại khoản 3 Điều 200 thì “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản“. Quy định này sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu tại các ngân hàng liên quan đến hoạt động cho vay, nhận thế chấp đối với các dự án bất động sản, khơi thông được những nguồn vốn đang bị tắc nghẽn, giải quyết được nhiều vấn đề thu hồi nợ xấu trong thời gian tới.
Thứ sáu, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm việc gắn bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung cấp dịch vụ tín dụng kiểu “bia kèm lạc”. Theo khoản 5 Điều 15 của Luật thì các hành vi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, Luật cũng có nhiều quy định tiến bộ liên quan đến giảm thủ tục hành chính về cấp phép, quy định rõ quá trình tổ chức hoạt động, ứng dụng công nghệ và các thích ứng với hoạt động giao dịch điện tử mới trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thực tiễn thi hành Luật là yếu tố quan trọng
Luật sư Lê Cao: Trong ngắn hạn, quy định mới về giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông của tổ chức, cá nhân trong tổ chức tín dụng sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động tín dụng. Bởi Luật có quy định chuyển tiếp tại khoản 11 Điều 210: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu“.
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng sẽ dần dần được thống nhất qua hoạt động cập nhật vốn mới hoặc thay đổi cổ đông. Vì vậy, tôi cho rằng việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ có tác động khuyến khích các cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ mong muốn đầu tư vào các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện nguồn lực đầu tư vào các tổ chức tín dụng, tăng tính minh bạch và giảm sự chi phối của các nhóm lợi ích, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng. Về cơ bản, trong dài hạn, các quy định này sẽ có tác động giúp hoạt động ngân hàng được bền vững hơn.
PV: Vậy việc giảm tỷ lệ sở hữu trong các tổ chức tín dụng liệu có hạn chế được tình trạng sở hữu chéo đang tồn tại nhiều năm qua?
Luật sư Lê Cao: Theo tôi, việc quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần chưa phải là điều kiện tiên quyết để giảm nhanh được sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có thêm những quy định mới được nêu ở trên như quy định bổ sung người liên quan, vấn đề minh bạch thông tin cổ đông, sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo. Thế nhưng, vẫn là câu chuyện cũ, đôi khi người có tên sở hữu vốn ngân hàng không hẳn là người sở hữu thực sự nguồn vốn đó. Nhiều vụ án liên quan đến ngân hàng đã được làm rõ trong thời gian qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự so với tỷ lệ công bố là khác nhau, hiện tượng nhờ người đứng tên, nhờ sở hữu, “của anh của tôi” trong nhóm lợi ích vẫn là vấn đề nhức nhối ở câu chuyện kiểm soát khi thực thi Luật. Luật đã quy định rõ ràng, cụ thể nhưng muốn minh bạch sở hữu cổ phần, tránh tình trạng sở hữu chéo là vấn đề rất cần sự quyết liệt trong thực tiễn thi hành thời gian tới.
Luật sư Lê Cao, Luật sư Điều hành của Công ty Luật FDVN, Phó Chủ tịch Trung Tâm Trọng tài MCAC: ” Luật Các tổ chức tín dụng đã có những quy định rõ ràng, cụ thể, nhưng muốn minh bạch sở hữu cổ phần, tránh tình trạng sở hữu chéo là vấn đề rất cần sự quyết liệt trong thực tiễn thi hành thời gian tới.”
PV: Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%); với một khách hàng và người có liên quan thì không được vượt quá 15% (giảm từ 25%). Ông đánh giá như thế nào về tác động của quy định này trong việc hạn chế cho vay “sân sau”?
Luật sư Lê Cao: Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng đã giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Tuy nhiên việc giảm tổng mức cấp tín dụng này được thực hiện theo lộ trình cụ thể chứ không giảm hẳn từ 15% xuống còn 10% hay 25% còn 15%. Lộ trình này được thực hiện giảm dần từ đây cho đến năm 2029.
Việc giảm mức tín dụng cho một khách hàng hay một khách hàng và người liên quan có thể tạo ra cơ hội cũng như thách thức đối với các tổ chức tín dụng.
Về cơ hội, quy định này giúp hạn chế rủi ro từ việc tập trung tín dụng, tránh hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào số ít khách hàng. Quy định cũng tránh việc cho vay sân sau hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp, việc này tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để giảm thiểu rủi ro, giúp đa dạng hoá danh mục tín dụng.
Về thách thức, quy định này khi có hiệu lực sẽ tác động lớn đến việc xây dựng kế hoạch cho vay với hệ thống khách hàng, sẽ có những thay đổi để điều chỉnh phân loại các khách hàng cũ và mới sao cho đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động cấp tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vay vốn cũng bị ảnh hưởng nếu như đang phụ thuộc vào nguồn vốn lớn và ổn định từ các ngân hàng thân thuộc.
PV: Với những bổ sung mới trong quy định chuyển nhượng tài sản đảm bảo là bất động sản, công tác xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu thời gian tới liệu có được đẩy nhanh hơn?
Luật sư Lê Cao: Các quy định tại Khoản 3 Điều 200, khoản 15 Điều 210 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Đây là những quy định giúp các tổ chức tín dụng có thêm phương án xử lý tài sản liên quan đến dự án bất động sản, thu hồi nợ xấu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ trong trường hợp không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản hiện nay vẫn chưa rõ trong chính Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Do đó, cần phải có thêm các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể mới thực thi được trên thực tế. Bởi lẽ khi triển khai sẽ xuất hiện những vấn đề như chủ thể ký kết, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, quyền và nghĩa vụ giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, việc tránh rủi ro khi có một trong các bên tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu dự án bất động sản được chuyển nhượng… Những rào cản về cách thức, giải pháp triển khai trên thực tế là thách thức để áp dụng các quy định dường như tích cực này. Vì vậy, chúng ta cần chờ xem quy định này sẽ được triển khai áp dụng cụ thể như thế nào khi có hiệu lực.
Còn về tổng thể, các quy định về xử lý nợ xấu của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định rất cụ thể, có một chương riêng, nhiều vấn đề đã được luật hóa. Thời gian tới hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai, do đó tác động của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đối với vấn đề xử lý nợ xấu thời gian tới là rất lớn, hy vọng kết quả đạt được từ công tác xử lý nợ xấu là tốt đẹp trong thời gian tới.
– Trân trọng cảm ơn ông!
LINK BÀI BÁO: Hạn chế thế lực “sân sau”, chặn sở hữu chéo – kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn