Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / GÓP VỐN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ TRONG BỐI CẢNH KỶ NGUYÊN SỐ 4.0

GÓP VỐN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ TRONG BỐI CẢNH KỶ NGUYÊN SỐ 4.0

Tại Việt Nam, góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế chưa thực sự được quan tâm và còn gặp nhiều khó khăn do chưa được phổ biến rộng rãi trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội nhóm đã nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam, nghiên cứu về những tác động của kỷ nguyên số 4.0 đến hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế từ đó đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.

Từ khóa: Góp vốn thành lập doanh nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, cách mạng công nghiệp 4.0.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (kỷ nguyên số 4.0) trên toàn cầu đã đưa tài sản trí tuệ đang dần trở thành một loại tài sản có giá trị cao trong toàn bộ giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế để góp vốn thành lập doanh nghiệp chưa được diễn ra phổ biến và còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhất định. Có thể kể đến một trong những nguyên nhân cơ bản là sự hạn chế về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nói riêng. Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, cần sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định cụ thể và tận dụng được những lợi thế do kỷ nguyên số 4.0 mang lại. Để làm được điều đó, cần phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam. Với mong muốn làm rõ thêm về mặt lý luận cũng như góp một phần nhỏ trong việc thực hiện chính sách và thực thi pháp luật, nhóm nghiên cứu đã chọn đề tài: “Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0”.

1. Khái quát về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và kỷ nguyên số 4.0

1.1. Khái quát về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã đưa ra một khái niệm thống nhất về góp vốn tại khoản 13, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 đó là: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm việc góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.

Từ khái niệm góp vốn nói chúng ta có thể thấy rằng hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) đối với sáng chế cũng là một bộ phận của hoạt động góp vốn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có khái niệm thống nhất nào về hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế này. Tiếp cận từ góp độ khoa học và bản chất của hoạt động góp vốn, ta có thể đưa ra khái niệm về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế là hành vi pháp lý của các tổ chức, cá nhân sử dụng QSHCN đối với sáng chế đang được bảo hộ thuộc sở hữu của mình để góp tài sản tạo thành vốn điều lệ của công ty tại thời điểm thành lập doanh nghiệp.

Trong đó, theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể tại khoản 4 và khoản 12, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 có thể hiểu quyền sở hữu công nghiệp và sáng chế đó là “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh” “Sáng chế là giải pháp ký thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Như vậy, ta có thể thấy rằng việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế có những đặc trưng riêng như:

Thứ nhất, về chủ thể góp vốn là cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với QSHCN đối với sáng chế. Đặc trưng của hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp là sự chuyển quyền sở hữu nên đòi hỏi người góp vốn phải là người có quyền định đoạt đối với QSHCN đối với sáng chế. Từ đó, không ai khác ngoài chủ sở hữu hợp pháp QSHCN đối với sáng chế được đem đi góp vốn.

Thứ hai, về tài sản góp vốn là QSHCN đối với sáng chế. Xuất phát từ quyền tài sản mang đặc tính vô hình không nhìn thấy và không cầm, nắm được. Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng, cho phép người khác hoặc ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, quyền thu lợi và quyền định đoạt đối với sáng chế của mình sang cho doanh nghiệp.

Thứ ba, hình thức và hiệu lực của hợp đồng góp vốn. Về hình thức góp vốn thực chất là hành vi chuyển nhượng QSHCN đối với sáng chế. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản và chỉ phát sinh hiệu lực sau khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.Sau khi chuyển nhượng, QSHCN đối với sáng chế và quyền sử dụng sáng chế sẽ chuyển sang cho doanh nghiệp.

Thứ tư, về thời điểm góp vốn. Thời điểm chủ sở hữu sáng chế đăng ký góp và tiến hành chuyển nhượng QSHCN đối với sáng chế sang cho doanh nghiệp là thời điểm thành lập doanh nghiệp.

1.2. Khái quát về kỷ nguyên số 4.0

Trên thế giới đang tồn tại rất nhiều khái niệm khác nhau về cách mạng công nghiệp 4.0 và vẫn chưa có một sự thống nhất nào về khái niệm này. Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannorver tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Cho đến nay, khái niệm mới và phổ biến nhất về cách mạng công nghiệp 4.0 thuộc về Giáo sư Klous Schowab Người Đức, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ông đưa khái niệm này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 khai mạc tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sỹ: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba, nó kết hợp được các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.[1]

Trong phần mở đầu của quấn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[2] Giáo sư Klous Schowab đã lý giải thực trạng đang diễn ra của cuộc cách mạng 4.0 bao gồm 3 yếu tố đó là: Thứ nhất, về tốc độ, ông cho rằng cuộc cách mạng này tiến triển theo cấp số lũy thừa chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Thứ hai, về phạm vi và chiều sâu thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên cuộc cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ dẫn đến những thay đổi chưa có tiền lệ trong mô hình kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ thay đổi mục đích làm việc, cách thức thực hiện mà còn thay đổi cả chính con người chúng ta. Thứ ba, về tốc độ hệ thống thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm sự chuyển đổi của toàn hệ thống, trên khắp và giữa các quốc gia, các công ty, các ngành công nghiệp và toàn thể xã hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời trên ba lĩnh vực chính là Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý không chỉ tác động đến một lĩnh vực, một bộ phận riêng lẻ mà là sự tác động đến tổng thể, toàn diện các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quốc gia, doanh nghiệp, xã hội, cá nhân và cả pháp luật… Trong số đó, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất. Trong quấn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[3] của mình thì Giáo sư Claus Schwab đã khẳng định có những bằng chứng rõ ràng rằng các công nghệ làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có một tác động lớn đến các doanh nghiệp được dẫn dắt, thành lập và huy động nguồn lực. Từ đó, bản thân doanh nghiệp phải tự chủ động thay đổi về cả điều hành và hoạt động cũng như pháp luật liên quan doanh nghiệp cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với xu thế. Đặc biệt, vừa là vấn đề đầu tiên cũng như có vai trò cực kỳ quan trọng như vấn đề góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0 này.

Kỷ nguyên 4.0 là một khái niệm trừu tượng, vì vậy dưới những góc độ khác nhau thì mỗi người sẽ có những cách nhìn và định nghĩa khác nhau về nó. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhóm nghiên cứu thì kỷ nguyên 4.0 có thể hiểu đơn giản là: Một cụm từ để chỉ về thời đại hoàng kim của các ứng dụng, phần mềm điện tử, thiết bị điện tử thông minh. Nó đã và đang phát triển một cách vượt trội. Ở xã hội đó, con người có thể sử dụng các thiết bị điện tử chứa đựng các sản phẩm tin học thông minh để làm việc, hỗ trợ tính toán, ký kết hợp đồng điện tử,… Thông qua các ứng dụng 4.0 con người có thể tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, giải phóng được sức lao động của con người. Đặc biệt đối với doanh nghiệp với vai trò là trụ cột của nền kinh tế, việc có thể ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí và thời gian là một lợi thế cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ.

2. Thực trạng pháp luật và những tác động của kỷ nguyên số 4.0 đến thực hiện pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.

 2.1. Quy định pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

2.1.1. Điều kiện về chủ sở hữu sáng chế góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với Sáng chế.

Về mặt nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để một chủ sở hữu sáng chế được góp QSHCN đối với Sáng chế của mình thì phải đáp ứng hai điều kiện đó là không thuộc một trong các trường hợp cấm góp vốn theo pháp Luật Doanh nghiệp và phải là chủ sở hữu hợp pháp của sáng chế đó. Cụ thể:

Thứ nhất: Chủ thể được quyền góp vốn thành lập Doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp sau đây:

Một là, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.Việc thu lợi riêng này được hiểu là sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích:

  • Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp.
  • Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về Ngân sách Nhà nước.
  • Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng cho cơ quan, đơn vị.

Hai là, là cán bộ, công chức, viên chức không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai: Chủ thể là chủ sở hữu hợp pháp của sáng chế được bảo hộ

Chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với SC là các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của sáng chế được xác lập quyền theo thủ tục đăng ký bảo hộ tại cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và được cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế theo quy định tại khoản 1, Điều 121 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Tổ chức, cá nhân khi trở thành chủ sở hữu hợp pháp của sáng chế sẽ có đầy đủ các quyền tại Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 bao gồm: Quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế, ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, định đoạt sáng chế.

2.1.2. Quy định về điều kiện đối với quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế sử dụng góp vốn

Pháp luật doanh nghiệp đã ghi nhận cụ thể những loại tài sản được góp vốn vào doanh nghiệp tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014, theo quy định này quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền tài sản theo Điều 115 Bộ luật dận sự 2015 nên được dùng góp vốn vào doanh nghiệp. Là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ nên QSHCN đối với sáng chế cũng là một loại tài có thể góp vốn thành lập doanh nghiệp. Theo đó, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế phải tuân theo một số điều kiện:

Thứ nhất, sáng chế đó phải thuộc sở hữu hợp pháp của chủ thể tham gia góp vốn. Việc xác định chủ sở hữu hợp pháp của một sáng chế được xác định trên nội dung của văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, Điều 92 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Thứ hai, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế chỉ được góp vốn trong phạm vi và thời hạn bảo hộ. Cụ thể, tùy theo hiệu lực của hình thức văn bằng bảo hộ là bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 193 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

2.1.3. Nội dung chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế khi góp vốn thành lập doanh nghiệp

Thông qua hình thức góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế chủ sở hữu đối với sáng chế sẽ chuyển nhượng các quyền đối với quyền tài sản của người đó được quy định tại khoản 1, Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Sau khi chuyển nhượng, doanh nghiệp sẽ trở thành chủ sở hữu mới đối với sáng chế và được thực hiện các quyền như:

Thứ nhất, quyền sử dụng sáng chế và cho phép người khác sử dụng quyền sử dụng sáng chế được quy định tại khoản 1, Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Doanh nghiệp có thể tiến hành sản xuất sáng chế, áp dụng sáng chế vào sản xuất sản phẩm, khai thác công dụng sáng chế hoặc sản phẩm được sản xuất ta từ việc áp dụng sáng chế. Sau khi sản xuất sáng chế, sản xuất sản phẩm từ việc ứng dụng sáng chế doanh nghiệp có quyền lưu thông, quảng cảo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm cũng như có thể nhập khẩu sản phẩm đó để sử dụng. Doanh nghiệp cũng có thể cho phép người khác sử dụng toàn bộ hoặc một phần quyền này nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ việc sử dụng sáng chế.

Thứ hai, doanh nghiệp có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được quy định tại Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Theo đó, pháp luật cho phép chủ sở hữu sáng chế và người được trao quyền sử dụng sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cả mình. Tuy nhiên, pháp luật cũng hạn chế một số trường hợp không được ngăn cấm người khác như:

  • Sử dụng nhằm mục đích cá nhân, mục đích phi thương mại, mục đích đánh giá, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệp, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm.
  • Lưu thông, sử dụng, khai thác công dụng hợp pháp đối với các sản phẩm được doanh nghiệp sở hữu sáng chế sản xuất và đưa ra thị trường trong nước và ngoài nước.
  • Sử dụng sáng chế nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãng thổ Việt Nam.
  • Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước thực hiện.
  • Sử dụng sáng chế do người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quyết định bắt buộc chuyển giao quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, doanh nghiệp có quyền định đoạt sáng chế. Quyền định đoạt sáng chế bao gồm các quyền chuyển nhượng sáng chế, chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế.

2.1.4. Quy định về định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về định giá tài sản góp vốn thì QSHCN đối với sáng chế là quyền của chủ sở hữu đối với sáng chế không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, cũng không phải là vàng nên bắt buộc phải được định giá và được thể hiện bằng Đồng Việt Nam khi góp vốn.

Thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá giá trị của quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế dùng để góp vốn thì phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Nếu giá trị được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và và giá trị thực tế của quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế đó tại thời điểm kết thúc định giá và đồng thời còn phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp do cố ý định giá quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được dùng góp vốn cao hơn với giá trị thực tế. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản góp vốn phải thực hiện theo các hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 thẩm định giá tài sản vô hình ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC có quy định hướng dẫn ba cách tiếp cận thẩm định giá tài sản vô hình bao gồm: Cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

2.1.5. Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ các bên trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế và được thực hiện theo quy định pháp luật dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, về mặt nguyên tắc hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế cũng giống với các hợp đồng thông thường khác, không bị ràng buộc hoặc hạn chế sự tự do thỏa thuận.

Xuất phát từ bản chất của hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu của của tổ chức, cá nhân sang cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó, bắt buộc hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền và hình thức hợp đồng bằng văn bản theo quy định tại khoản 2, điều 138 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Theo quy định tại Điều 140 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và Điều 398 Bộ luật dân sự năm 2015 thì nội dung của hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế bao gồm các nội dung cơ bản sau: Tên, địa chỉ của các bên, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được dùng để góp vốn, thời hạn góp vốn, giá trị quyền sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn, thời điểm chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn, quyền của người thứ ba đối với tài sản góp vốn, quyền nghĩa vụ của các bên. Đây là những nội dung cơ bản, bắt buộc khi ký kết hợp đồng các bên phải tuân thủ.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế bắt buộc phải được đăng ký theo quy định tại khoản 1, Điều 148 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Theo đó, khi các bên ký kết hợp đồng thì hợp đồng không đương nhiên phát sinh hiệu lực từ thời điểm ký kết hoặc phát sinh hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên mà bắt buộc phải được đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

2.2. Những tác động của kỷ nguyên số 4.0 đến thực hiện pháp luật về góp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ kế hoạch và Đầu tư bình quân giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019 hàng năm cả nước có 126.593 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 1.35 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới là 49,3% với số vốn đăng ký tăng 24,8%.[4] Trong đó, tài sản góp vốn của các tổ chức, cá nhân khi thành lập doanh nghiệp chủ yếu là tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng còn đối với tài sản góp vốn là QSHCN đối với sáng chế thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam lại còn rất e ngại khi lựa chọn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu những khó khăn trong trình tự thủ tục cũng như định giá tài sản góp vốn. Tuy nhiên, sự phát triển của kỷ nguyên số 4.0 đã có những tác động tích cực, giúp việc góp vốn vào doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế trở nên dễ dàng hơn, cụ thể:

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng góp vốn. Hiện nay, pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận hình thức “truyền thống” của hợp đồng chuyển nhượng QSHCN đối với sáng chế theo quy định tại khoản 2, Điều 138 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 đó là hình thức hợp đồng bằng văn bản. Hạn chế lớn nhất của hình thức hợp đồng này là việc ký kết hợp đồng khiến các bên mất nhiều thời gian, chi phí đi lại khi phải trực tiếp gặp nhau rồi đi đến ký kết hợp đồng. Trong khi hợp đồng điện tử theo quy định tại Điều 33 Luật giao dịch điện tử 2005 hợp đồng điện tử là loại hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, các bên không cần phải gặp mặt trực tiếp ký kết hợp đồng mà vẫn có thể đảm bảo được nội dung hợp đồng. Trong khi đó, hiện nay việc ký kết hợp đồng hoàn toàn có thể thông qua các ứng dụng trực tuyến như Zoom Cloud Meeting, LIAN App, Skype, Google Hangouts… Điều này sẽ giúp các bên ký kết hợp đồng góp vốn tiết kiệm thời gian, chi phí khi ký kết hợp đồng.

Thứ hai, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế bằng hình thức trực tuyến. QSHCN đối với sáng chế là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nên khi muốn góp vốn vào doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển QSHCN đối với sáng chế. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ mới chỉ công nhận hai hình thức nộp hồ sơ đăng ký qua hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc một trong hai văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trên thực tế, thời gian tối thiểu tổ chức, cá nhân phải bỏ ra để đăng ký chuyền giao quyền là 02 tháng nếu không có thiếu sót trong hồ sơ đăng ký trong khi hồ sơ đăng ký được quy định tại Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN lại bao gồm rất nhiều loại hồ sơ khác nhau nên việc sai sót là điều rất hay xảy ra. Trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0 hiện nay, việc đăng ký này hoàn toàn có thể được rút ngắn thông qua hình thức đăng ký trực tuyến, thay vì phải mất quá nhiều thời gian như trước đây, giờ đây người góp vốn có thể đăng ký từ xa mà vẫn đảm bảo được về mặt nội dung của bộ hồ sơ.

Thứ ba, sử dụng trí tuệ nhân tạo định giá tài sản góp vốn. Hiện nay, kỷ nguyên số 4.0 mang lại rất nhiều những đột phá về công nghệ đặc biệt là sự đột phá của trí thông minh nhân tạo (AI). Với đặc trưng có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người, có thể mô phỏng trí tuệ của con người như: Biết suy nghĩ, biết lập luận và giải quyết vấn đề, biết giao tiếp, hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi… Từ đó, có thể tin tưởng rằng trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có khả năng định giá tài sản góp vốn. Trong khi hiện nay pháp luật chỉ công nhận chủ thể định giá tài sản góp vốn là thành viên, cổ đông sáng lập công ty hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn xuất hiện những tình trạng định giá tài sản góp vốn không đúng với giá trị thực tế của tài sản.

Thứ tư, giấy chứng nhận phần vốn góp bằng hình thức điện tử. Theo quy định pháp luật hiện hành khi chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ góp đủ giá trị phần vốn góp thành viên công ty sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Tuy nhiên, sau khi được cấp chủ thể góp vốn lại chịu rủi ro về quản bảo giấy chứng nhận này, khi bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy phía thành viên góp vốn phải xin công ty cấp lại, phía công ty phải cấp giấy chứng nhận mới theo trình tự thủ tục rất tốn kém chi phí và thời gian. Trong khi, công ty được quyền cấp giấy chứng nhận góp vốn điện tử vẫn đảm bảo được về mặt nội dung và việc bảo bảo quản trở lên dễ dàng hơn.

Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tìm kiếm cách thức nhanh chóng và hiệu quả để việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế của các thành viên thực hiện đễ dàng hơn, tuy nhiên pháp luật lại chưa có những quy định về những cách thức mới ở lĩnh vực này. Do đó, việc chưa kịp áp dụng các thành tựu của kỷ nguyên số 4.0 vào việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế.

3. Giải pháp hoàn thiện về pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0

3.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Thông qua nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ nói trên, nhóm nghiên cứu đưa ra các định hướng nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật như sau:

  • Thứ nhất, xây dựng các quy định pháp luật về góp vốn bằng QSHCN đối với sáng chế phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Thứ hai, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với nội dung của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam nói chung.
  • Thứ ba, việc hoàn thiện pháp luật phải gắn liền với cơ chế bảo đảm thực thi trong thực tiễn.
  • Thứ tư, đảm bảo tính cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu sáng chế và lợi ích cộng đồng. Sự dung hoà quyền lợi giữa các bên sẽ tạo ra điều kiện tồn tại và phát triển cho chính các bên, cao hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển của khoa học và kỹ thuật. Mỗi bên sẽ phải hi sinh một phần quyền lợi của mình để hướng tới lợi ích chung lớn hơn mà sâu xa hơn chính là tạo ra một xã hội phát triển bền vững, công bằng và bình đẳng.
    • Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Để nâng cao hiệu quả hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế cũng như tạo điều kiện cho các sáng chế được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, cơ quan nhà nước cần thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định định nghĩa về hoạt động “chuyển nhượng” và “chuyển giao” trong pháp luật sở hữu trí tuệ. Hiện nay, tại Điều 4 giải thích từ ngữ của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 vẫn chưa đưa ra khái niệm này.

Thứ hai, bổ sung chủ thể định giá tài sản góp vốn là trí tuệ nhân tạo (AI) tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp bên cạnh các chủ thể là thành viên công ty, cổ đông sáng lập công ty.

Thứ ba, bổ sung quy định về hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSHCN đối với sáng chế bằng hình thức điện tử bên cạnh hình thức hợp đồng văn bản tại khoản 2, Điều 138 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Thứ tư, bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng QSHCN đối với sáng chế bằng hình thức trực tuyến tại cơ quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung điều khoản cho phép doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp đối cho thành viên công ty sau khi hoàn thành nghĩa vụ góp vốn thành lập doanh nghiệp đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty hợp danh tại khoản 5, Điều 48 và khoản 4, Điều 173 Luật doanh nghiệp 2014.

3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật

Để hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế đạt được hiểu quả cao trên thực tiễn thì nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan Nhà nước cụ thể như sau:

– Xác định rõ ràng về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trong việc giám sát, quản lý hoạt động vóp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0.

– Cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động quản lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động đăng ký hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế.

Thứ hai, nâng cao trình độ nhận thức của tổ chức cá nhân tham gia góp vốn về các quy định của pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế cũng như các hiểu biết về việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động góp vốn trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0.

KẾT LUẬN

Qua những phân tích đánh giá về thực trạng quy định cũng như thực trạng tác động của kỷ nguyên số 4.0 đến hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế có thể thấy rằng giữa quy định và thực tiễn vẫn chưa thực sự tương xứng. Trong khi kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế tại Việt Nam thì các quy định pháp luật vẫn chưa thể điều chỉnh rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHCN đối với sáng chế đang là một yêu cầu cấp bách để đón đầu được xu thế phát triển của kỷ nguyên số 4.0 và tạo điều kiện phát triển hoạt động này trong nền kinh tế nước ta hiện nay.

Nhóm nghiên cứu hi vọng bài nghiên cứu về “Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0” sẽ đóng góp một phần nhỏ đến sự phát triển của hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0 tại Việt Nam.

Theo Hoàng Thị Hương, Nguyễn Đức Thịnh, Võ Thành An, Nguyễn Thị Thanh Trúc

Giảng viên: CN. Trần Chí Thành

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Các văn bản quy phạm pháp luật
  • Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự 2015, Hà Nội.
  • Quốc hội (2019), Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VBQH, Hà Nội.
  • Quốc hội (2014), Luật doanh nghiệp 2014, Hà Nội.
  • Quốc hội (2005), Luật giao dịch điện tử năm 2005, Hà Nội.
  • Chính phủ (2015), Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 quy định về đăng ký doanh nghiệp, Hà Nội.
  • Bộ tài chính (2014), Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07 tháng 11 năm 2014 quy định về ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13, Hà Nội.
  • Bộ khoa học và công nghệ (2011), Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 07 năm 2011 quy định về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, Hà Nội.
  1. Các tài liệu tham khảo khác
  • Tống Trang Đài (2017), Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Luật kinh tế, Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
  • Tạ Thị Thanh Thủy (2012), Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Phạm Đức Quảng (2011), Áp dụng pháp luật về góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Luận văn thạc sỹ luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Lưu Thu Hà (2015), Góp vốn và hậu quả pháp lý của hành vi góp vốn theo Pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Đoàn Thu Hồng (2012), “Góp vốn thành lâp doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”, Luận văn thạc sỹ, khoa Luật, trường Đại Học Quốc gia Hà Nội
  • Minh Khoa, “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì?”, ?”, http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-gi-4319, 02/10/2018.
  • Klaus Schwab (2018), The fourth industrial revolution.
  • Bộ kế hoạch và Đầu tư, “Sách trắng doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Thống kê, 2020

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan