Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ

Giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ

Giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ

CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) – Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về Giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ (đã có Dự thảo 2). Tác giả xin có một số ý kiến trao đổi cùng bạn đọc một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Nghị quyết này.

1.Vướng mắc trong thực tiễn xét xử

Vướng mắc lớn nhất trong thực tiễn xét xử là xác định địa vị pháp lý của dòng họ. Có Tòa án xác định dòng họ là một chủ thể, có Tòa án không coi dòng họ là một chủ thể. Dù xác định dòng họ là một chủ thể hay không phải một chủ thể thì những thành viên khác của dòng họ cũng được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, số lượng đương sự trong vụ án liên quan đến dòng họ là rất nhiều người, ở rất nhiều nơi. Việc có một số thành viên của dòng họ không xác định được địa chỉ là vấn đề thường xuyên của các vụ án liên quan đến dòng họ. Số đơn khởi kiện bị trả lại, số vụ việc bị đình chỉ việc giải quyết do có đương sự không xác định được địa chỉ là khá nhiều trong khi đồng thời với sự phát triển về kinh tế, văn hóa thì tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, nhất là nhà thờ họ cũng tăng lên.

2.Tư cách chủ thể quan hệ tố tụng của dòng họ

Tư cách chủ thể quan hệ tố tụng được xác định theo chủ thể quan hệ dân sự hay nói cách khác là có tư cách chủ thể quan hệ dân sự thì mới có tư cách chủ thể quan hệ tố tụng dân sự. Điều 101 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân đã quy định:

“1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 nêu trên thì dòng họ không có tư cách chủ thể mà “ thành viên” của dòng họ mới là chủ thể của quan hệ dân sự.
Như vậy, trong tố tụng dân sự, dòng họ không thể trở thành đương sự như pháp nhân mà là các thành viên của dòng họ mới có thể trở thành đương sự. Cũng vì không có đương sự là Dòng họ nên không có việc Trưởng họ là đại diện theo pháp luật của Dòng họ; Trưởng họ có thể được dòng họ giao rất nhiều quyền nhưng trong tố tụng dân sự thì cũng chỉ là đại diện theo ủy quyền của các cá nhân là thành viên của dòng họ.

Điều 211 BLDS năm 2015 về Sở hữu chung của cộng đồng quy định:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản. làng, buôn…
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng…”.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các thành viên của dòng họ là bình đẳng, trực tiếp đối với tài sản chung. Do vậy, khi thấy tài sản chung bị xâm phạm hay quyền lợi thành viên của mình bị xâm phạm thì bất cứ thành viên nào của dòng họ cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự chứ không cần có sự ủy quyền của các thành viên khác. Tuy nhiên, người khởi kiện là nguyên đơn, người bị kiện (người mà nguyên đơn cho rằng đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ) là bị đơn, còn các thành viên khác của dòng họ thì đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

3. Về thành viên của dòng họ

Mỗi thành viên của dòng họ là một chủ thể độc lập của quan hệ tố tụng, là một đương sự trong quan hệ tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Do vậy, xác định Thành viên của dòng họ là việc quan trọng. Xác định không đúng thành viên của dòng họ là xác định không đúng đương sự của vụ án, là sai lầm nghiêm trọng về tố tụng.

Dòng họ theo nghĩa thông thường là những người cùng họ và có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, cách xác định dòng họ có ảnh hưởng của các yếu tố tập quán, vùng miền khác nhau. Có dòng họ được xác định chỉ gồm những người cùng huyết thống là nam giới (suất đinh). Có dòng họ xác định gồm những người cùng họ có quan hệ huyết thống không phân biệt nam nữ. Có dòng họ còn bao gồm chồng hoặc vợ của những người cùng họ. Có dòng họ được xác định với các thành viên có thành phần rộng hơn các trường hợp nêu ở trên.
Sẽ là khó khăn và có thể không hợp lý nếu chỉ chọn một trong các loại dòng họ nêu trên là dòng họ chuẩn. Vì vậy, nếu không có tranh chấp về tư cách thành viên của dòng họ thì cần xác định thành viên của dòng họ theo nghĩa thông thường, tức là bao gồm những người cùng họ và có quan hệ huyết thống. Trong trường hợp có tranh chấp về thành viên của dòng họ thì phải yêu cầu các đương sự chứng minh về sự thỏa thuận hay quy ước của dòng họ ấy về thành viên.

4.Về tài sản chung của dòng họ

Chế định pháp luật tài sản chung của dòng họ có một số vấn đề cần được nghiên cứu, hướng dẫn. Đó là: Mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng là gì? Tài sản chung hợp nhất không phân chia thì có được chuyển giao cho người thừa kế không? Hoa lợi, lợi tức có được phân chia hay không? Khoản 1 Điều 211 BLDS năm 2015 quy định nhiều nguồn của tài sản chung của công đồng nhưng đều là “nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng”. Quy định này cần được hiểu là một yếu tố bắt buộc cấu thành tài sản chung của cộng đồng.

Ví dụ: Nhà thờ họ có mục đich thờ cúng của cả họ. Đó là tài sản chung của dòng họ, là sở hữu chung của cộng đồng, phải áp dụng các quy định của pháp luật về sở hữu chung của cộng đồng. Nhưng một nhóm thành viên trong họ góp vốn cùng nhau làm một nhà thi đấu thể thao trong khuôn viên của nhà thờ thì nhà thi đấu này không phải loại tài sản chung của cộng đồng vì nó không có mục đích thõa mãn lợi ích chung của dòng họ. Việc tranh chấp nhà thi đấu này được áp dụng pháp luật về sở hữu chung theo phần bình thường như những tài sản chung khác.

Khoản 3 Điều 211 BLDS năm 2015 quy định: “Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia”. Như vậy, tài sản chung của dòng họ tồn tại với tư cách là của chung của dòng họ, không phải tài sản chung thông thường nên không thể có việc chuyển giao cho những người thừa kế khi thành viên của dòng họ qua đời. Việc được quyền thừa kế hay không còn liên quan đến quyền tham gia tố tụng với tư cách đương sự.

Ví dụ: Một người phụ nữ là thành viên của dòng họ A. Ở những vùng không có tập quán theo họ mẹ thì người con không phải là thành viên cùng dòng họ với mẹ. Vì vậy, khi người phụ nữ đã chết thì chồng và con của người ấy không được quyền thừa kế một phần nhà thờ họ, không được quyền kế thừa tư cách thành viên của dòng họ để tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp nhà thờ của dòng họ A.

Tài sản chung của dòng họ là sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Tuy nhiên, hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung này có thể được phân chia không? Nếu chấm dứt sở hữu chung thì có thể phân chia không?
Thực tế, tài sản chung của dòng họ có thể có hoa lợi, lợi tức khá lớn, không dùng hết vào việc duy trì, quản lý tài sản chung mà xuất hiện nhu cầu được chia của các thành viên. Có những nhà thờ họ đồng thời là nhà cổ thuộc địa điểm thạm quan được thu tiền. Có nhà thờ họ trở thành một điểm thờ cúng có sự đóng góp của nhiều người thường xuyên.

Tác giả cho rằng việc chia hoa lợi, lợi tức không phải là chia làm cho tài sản chung không còn tồn tại nên không vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 211.

Việc chấm dứt tài sản chung thì cũng phải được phân chia. Khi còn tồn tại là tài sản chung của dòng họ thì không phân chia nhưng khi tất cả các thành viên đã định đoạt chấm dứt sự tồn tại của tài sản chung thì không thể không phân chia.

5. Về đại diện trong giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ

Vấn đề đại diện là vướng mắc lớn nhất trong thực tiễn xét xử tranh chấp tài sản chung của dòng họ. Vì vậy, đây cũng là vấn đề quan trọng nhất của Nghị quyết. Do số lượng thành viên của dòng họ rất lớn, đặc biệt là cư trú ở nhiều nơi nên việc không tìm thấy địa chỉ của một số thành viên thường xuyên xảy ra. Có hai phương án được nêu ra để khắc phục vướng mắc này:

– Một là: Xác định vụ việc tranh chấp tài sản chung của dòng họ là việc đặc biệt, đã có đa số đại diện cho quyền lợi chung nên có thể giải quyết vắng mặt những người không tìm thấy địa chỉ. Đồng thời giành cho những người vắng mặt quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ khi họ trở về.

– Hai là: Tòa án chỉ định người đại diện cho những người không tìm thấy địa chỉ từ các thành viên có quyền lợi không đối lập với người mà họ đại diện.

Cả hai phương án trên đều không trái với một quy định nào đã có trong luật nên Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán đều có thể chọn để quy định. Tác giả bài viết này chọn phương án thứ hai vì các lẽ sau:
Phương án cử người đại diện đảm bảo việc giải quyết toàn bộ vụ án. Đặc trưng của loại tranh chấp tài sản chung của dòng họ là những người đã lâu không có liên lạc với dòng họ thì quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng nhiều khi họ không được trực tiếp tham gia tố tụng. Việc giải quyết dứt điểm vụ án sẽ tạo tâm lý tốt cho các đương sự trong vụ án để chấm dứt hẳn tranh chấp, tránh những hậu quả phức tạp nếu còn phải tiếp tục giải quyết (trường hợp người vắng mặt được tiếp tục khởi kiện).

Theo quy định của BLDS năm 2015 về đại diện thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân (Điều 136) có thể là:

“3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện…
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 137) có thể là: “ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án”.

Từ những quy định về đại diện nêu trên cho thấy việc xác định Tòa án được quyền chỉ định người đại diện là có căn cứ và hợp lý. Đó cũng chính là căn cứ để giao cho Tòa án chỉ định người đại diện đối với những trường hợp mà luật chưa quy định như trường hợp thành viên của dòng họ chưa tìm thấy địa chỉ.

6.Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết

BLDS năm 2015 đã giành Chương VI để quy định về loại chủ thể “Hộ gia đình, Tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” (từ Điều 101 đến Điều 104).

Điều 211 của Bộ luật quy định về sở hữu chung của cộng đồng là “ sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản , làng, phum, sóc, công đồng tôn giáo và công đồng dân cư khác”.

Như vậy, dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân có những đặc điểm tương đồng với các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác cũng thường là đương sự trong các vụ việc dân sự. Do đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán nên chăng cần mở rộng đối với các chủ thể của Chương VI nêu trên. Đặc biệt là đối với chủ thể Hộ gia đình và Tổ hợp tác, quy định của BLDS năm 2015 có khác biệt căn bản với quy định của BLDS năm 2005 về hai chủ thể này nên càng cần sớm có hướng dẫn cụ thể.

Theo: tapchitoaan

………………………………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan