GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI – THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
THE SETTLEMENT OF DISPUTES BY COMMERCIAL ARBITRATION, REALITY AND PROPOSALS FOR COMPLETING THE LAW
Tóm tắt:
Trọng tài thương mại được các nước phát triển trên thế giới áp dụng từ rất sớm, ngoài hình thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại tại Toà án thì việc giải quyết tranh chấp còn được các bên lựa chọn giải quyết thông qua “Cơ quan tài phán tư” – Trọng tài thương mại. Tại Việt Nam, hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại đang dần phổ biến. Pháp luật về Trọng tài thương mại đang dần được hoàn thiện, bên cạnh những thành tựu đạt được, pháp luật về Trọng tài thương mại cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Bài viết này, nhóm tác giả sẽ nêu lên một số vấn đề về thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại.
ABSTRACT:
Commercial arbitration has been applied by developed countries in the world very early, aside from the form of dispute settlement in commercial business activities at the Court, the parties may choose to resolve the dispute through “Private Jurisdiction” – Commercial Arbitration. In Vietnam, the form of dispute resolution by commercial arbitration is gradually popular. The law on commercial arbitration is
gradually being perfected. However besides the achievements, the law on commercial arbitration also reveals many limitations. In this article, the authors raise some practical issues of dispute resolution by commercial arbitration, thereby proposing some solutions to improve the law on commercial arbitration..
Từ khoá: “Trọng tài thương mại”, “Pháp luật về Trọng tài thương mại”, “Cơ quan tài phán tư”, “Luật Trọng tài thương mại”.
Keywords: “Commercial Arbitration”, “Law on Commercial Arbitration”,
I. KHÁI QUÁT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
1. Sự hình thành và phát triển
Nhìn từ lịch sử hình thành và phát triển của trọng tài thương mại tại Việt Nam, đất nước mở cửa hội nhập về kinh tế, văn hoá – xã hội thì những thay đổi về môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm phù hợp với các công ước quốc tế đã tham gia, ký kết là điều tất yếu. Nhận thức được tầm quan trọng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, những năm 1990, Nhà nước đã có những quy định điều chỉnh về trọng tài thương mại qua các Nghị định số 116-CP ngày 05/09/1994 quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế và Quyết định số 204-TTg ngày 28/04/1993 về tổ chức Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ngày 25/02/2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển của pháp luật trọng tài ở nước ta. Pháp lệnh mang ý nghĩa quan trọng về mặt điều chỉnh pháp luật, là nền tảng pháp lý cho trọng tài Việt Nam tiếp cận, hoà nhập với xu hướng chung của nền tài phán trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 cũng bộc lộ những hạn chế, do đó, Luật trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) được ban hành, thay thế Pháp lệnh trọng tài năm 2003, đã hoàn thiện một bước về thể chế tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại ở Việt Nam. Luật TTTM được ban hành với nhiều quy định mới phù hợp với luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), phù hợp với thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại. Các văn bản pháp luật được Nhà nước ban hành và dần hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn việc giải quyết các tranh chấp thương mại bằng trọng tài như: Nghị định 124/2018/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi Nghị định 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật TTTM; Nghị quyết 01/2014/NQHĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành;
Các quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thủ tục giải quyết loại việc về kinh doanh, thương mại liên quan đến hoạt động của trọng tài 88, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về việc thi hành các quyết định trọng tài.
Tính đến nay, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011 đã được áp dụng hơn 10 năm, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, pháp luật về trọng tài thương mại cũng dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, việc xem xét, nhìn nhận, đánh giá những bất cập còn tồn tại để điều chỉnh, thay đổi những quy định pháp luật hiện hành về hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam sao cho phù hợp với thời đại mới là cần thiết.
2. Một số quy định pháp luật nổi bật của pháp luật Trọng tài thương mại
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thì những tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại là những tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại và trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Do đó, không phải bất kỳ tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết thông qua trọng tài thương mại.
Thứ hai, tranh chấp chỉ được giải quyết bằng trọng tài thương mại nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Không giống như việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong mọi trường hợp các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi phát sinh tranh chấp mà không cần phải thỏa thuận trước, đây được xem như quyền “đương nhiên” được pháp luật bảo vệ. Đối với việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, tại Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nêu rõ: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”, theo đó nếu các bên muốn lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này thì các bên phải thỏa thuận trước và ghi nhận vào hợp đồng hoặc thoả thuận sau khi xảy ra tranh chấp.
Thứ ba, phán quyết trọng tài là chung thẩm, tức là phán quyết cuối cùng và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Theo đó, khi một tranh chấp đã được Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết thì phán quyết đó sẽ không bị xem xét lại bởi một cơ quan tài phán nào khác và sẽ có hiệu lực thi hành ngay, trừ trường hợp phán quyết bị hủy bởi Tòa án.
Thứ tư, các bên có thể tự do thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp (Khoản 1 Điều 11 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Với quy định này, Luật Trọng tài thương mại tạo ra một cơ chế linh hoạt trong việc giải quyết tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp có thể lựa chọn địa điểm giải quyết hợp lý, thuận tiện và góp phần đảm bảo tính khách quan của việc giải quyết tranh chấp. Đây được xem là một ưu điểm lớn của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hương mại. Những quy định nêu trên được xem là “xương sống” của pháp luật về trọng tài thương mại, là điểm nhấn góp phần tạo ra những ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này so với phương thức giải quyết tranh chấp tại Toà án.
II. THỰC TRẠNG, NHỮNG VƯỚNG MẮC TỒN TẠI KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NA
1. Thực trạng về giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Theo số liệu thống kê của Trung tâm trọng tại quốc tế Việt Nam (VIAC) năm 2021, VIAC đã tiếp nhận xử lý 270 vụ tranh chấp mới, tăng khoảng 21% so với năm 2020. Trong đó, các vụ việc tranh chấp trong nước chiếm tỷ lệ là 42.7% (~ 115 vụ); tranh chấp có ít nhất là một bên FDI chiếm 39.2%, còn lại là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài. So sánh với số liệu thống kê của ngành Toà án tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2021, từ ngày 01/10/2020 đến ngày 39/9/2021 “…các Tòa án đã thụ lý 16.577 vụ án kinh doanh thương mại; đã giải quyết, xét xử được 10.088 vụ án, đạt tỷ lệ 61% (số thụ lý giảm 2.679 vụ việc; giải quyết, xét xử giảm 5.157 vụ việc). Các vụ án kinh doanh thương mại mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng (4.702 vụ), mua bán hàng hóa (3.008 vụ)…”. So với số vụ giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của Toà án, thì con số mà Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đang giải quyết không đáng kể.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại du nhập vào nước ta gần 30 năm, nó đem lại nhiều mặt tích cực, thêm sự lựa chọn cho đương sự về phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy không còn là phương án giải quyết tranh chấp quá xa lạ nhưng số lượng các vụ việc được giải quyết tại Trọng tài thương mại vẫn quá “khiêm tốn” so với số lượng các vụ việc tranh chấp được giải quyết tại Toà án.
Về tỉ lệ quan hệ tranh chấp, theo số liệu thống kê của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam năm 2021, có đến 44.4% tranh chấp liên quan đến mua bán hàng hoá, đứng thứ hai là tranh chấp dịch vụ là 27.8%, đứng thứ 3 là tranh chấp về Xây dựng với 18.9%, còn lại là những tranh chấp bất động sản, logistics, bảo hiểm, M&A nhưng chiếm tỷ lệ không cao. Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các doanh nghiệp vừa có thể giải quyết vấn đề của mình nhanh vừa có thể đạt được thoả thuận để cân bằng lợi ích của các bên mong muốn mà không tốn quá nhiều thời gian. Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được trọng tài thương mại giải quyết, các bên vẫn cần phải có điều khoản về thoả thuận trọng tài. Nếu trong Hợp đồng của hai bên không đề cập đến trọng tài thương mại hay hai bên không có thoả thuận khác.
Năm 2021, có đến 44.4% tranh chấp liên quan đến mua bán hàng hoá, đứng thứ hai là tranh chấp dịch vụ là 27.8%, đứng thứ 3 là tranh chấp về Xây dựng với 18.9%, còn lại là những tranh chấp bất động sản, logistics, bảo hiểm, M&A nhưng chiếm tỷ lệ không cao3. Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các doanh nghiệp vừa có thể giải quyết vấn đề của mình nhanh vừa có thể đạt được thoả thuận để cân bằng lợi ích của các bên mong muốn mà không tốn quá nhiều thời gian.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được trọng tài thương mại giải quyết, các bên vẫn cần phải có điều khoản về thoả thuận trọng tài. Nếu trong Hợp đồng của hai bên không đề cập đến trọng tài thương mại hay hai bên không có thoả thuận khác sau khi xảy ra trannh chấp thì không được áp dụng trọng tài thương mại để giải quyết.
Thường các doanh nghiệp lớn hoặc những doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thường đề xuất ra giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, năm 2020 – 2021 là năm với sự xuất hiện dịch Covid-19 làm cho những vấn đề hoà giải, giải quyết tranh chấp có những sự chuyển biến mới, mang tính xu hướng thích nghi với điều kiện dịch bệnh. Tố tụng trọng tài dần chuyển sang hình thức giải quyết trực tuyến và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định, vừa giảm chi phí đi lại, vừa góp phần phòng chống dịch Covid – 19.
2. Những vướng mắc của pháp luật về trọng tài thương mại
2.1. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là giới hạn những vụ việc mà pháp luật cho phép trọng tài được giải quyết. Luật Trọng tài thương mại đã liệt kê những loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài tại Điều 2 của luật này bao gồm: “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.
Mặc dù vậy, đối với trường hợp “tranh chấp phát sinh trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” vẫn còn tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến chưa thống nhất trong cách áp dụng. Cụ thể, với quy định này chỉ cần một bên trong quan hệ tranh chấp có hoạt động thương mại và lĩnh vực phát sinh tranh chấp là bất cứ lĩnh vực nào sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài hay chỉ cần một bên chủ thể có hoạt động thương mại và lĩnh vực phát sinh tranh chấp phải là các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại – là các hoạt động nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận.
Ví dụ tranh chấp phát sinh từ quan hệ lao động, đáp ứng được điều kiện có “ít nhất một bên có hoạt động thương mại” nhưng Bộ luật lao động đều không trao cho trọng tài thương mại thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động giữa cá nhân với pháp nhân thương mại mà trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp này cho các chủ thể như: Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động và Tòa án nhân dân.
2.2. Về thoả thuận trọng tài
Theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hiện hành, tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thực tế, nhiều trường hợp các bên tranh chấp không có thoả thuận trọng tài tại hợp đồng. Khi xảy ra tranh chấp, các bên mong muốn lựa chọn trọng tài để giải quyết bởi những ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này.
Tuy nhiên, thực tế sau khi có tranh chấp để các bên ngồi lại với nhau để lập một thoả thuận trọng tài thì khó khả thi, bởi khi xảy ra tranh chấp, các bên thường có tâm lý bất hợp tác với nhau. Luật Trọng tài thương mại cần quy định mở hơn để các bên dễ dàng tiếp cận phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài, nên điều chỉnh theo hướng ngay cả khi không có thoả thuận về trọng tài nhưng khi một bên nộp đơn khởi kiện đến trọng tài thương mại, bên còn lại không phản đối thẩm quyền của trọng tài trong một thời gian ấn định thì được xem là đồng ý với thẩm quyền của trọng tài.
2.3. Vướng mắc về thủ tục tố tụng
Thứ nhất, về địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thực tế trong các vụ tranh chấp, không chỉ có sự hiện diện của hai bên tranh chấp mà còn có sự liên quan của bên thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc tranh chấp. Pháp luật về trọng tài thương mại dường như đã bỏ quên địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc mặc dù là tranh chấp phát sinh từ hai bên nguyên đơn và bị đơn, nhưng phán quyết của trọng tài có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba như tình huống giả định dưới đây:
Tình huống giả định: Nguyên đơn – Tổ chức tín dụng A khởi kiện Bị đơn – Công ty TNHH B tại Trọng tài thương mại, tranh chấp về hợp đồng vay mà hai bên đã ký kết, theo đó, Ngân hàng đề nghị Hội đồng Trọng tài giải quyết: (i) yêu cầu bị đơn trả nợ vay; và (ii) nếu bị đơn không trả được nợ vay thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất theo hợp đồng thế chấp đã đã có đăng ký giao dịch bảo đảm. Trên thửa đất tranh chấp có tài sản là nhà ở, nhà máy, công trình xây dựng khác của Bên thứ ba – Bên C. Việc xử lý tài sản bảo đảm của Công ty TNHH B sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Bên C. Pháp luật về trọng tài không có quy định địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không có quy định đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng nên người thứ ba không có điều kiện để biết về vụ việc tranh chấp, qua đó quyền lợi bị ảnh hưởng.
Do đó, để đáp ứng đòi hỏi thực tế về giải quyết tranh chấp được triệt để, tránh trường hợp giải quyết vụ án ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba, Luật Trọng tài thương mại cần bổ sung các quy định về bên thứ ba tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tương tự như Bộ luật Tố tụng Dân sự. Hội đồng trọng tài có thể đưa Bên thứ ba vào tham gia tố tụng nếu xét thấy cần thiết; hoặc Bên thứ ba có thể tự mình đề nghị hoặc nguyên đơn, bị đơn đề nghị và được Hội đồng trọng tài chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là bên thứ ba tham gia tố tụng.
Thứ hai, về thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ Một trong những điểm ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Tuy vậy, pháp luật về trọng tài thương mại hiện hành tiềm ẩn nhiều kẻ hở để một bên tranh chấp có thể lợi dụng để kéo dài việc giải quyết vụ án, đặc biệt là quy định về thời hạn cung cấp
tài liệu chứng cứ.
Pháp luật về Trọng tài thương mại chưa có quy định về thời điểm cuối cùng các bên tranh chấp được cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh lập luận của mình là có cơ sở, dẫn đến hệ quả là các bên tham gia giải quyết tranh chấp có thể tùy ý cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc tranh chấp tại bất kỳ thời điểm nào khiến cho việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Giả định, nếu một trong các bên cung cấp chứng cứ mới mà bên còn lại cũng nhưtrọng tài thương mại chưa được tiếp cận trước đó, chứng cứ mới này là mấu chốt có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung tranh chấp, nhưng tại phiên họp giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài chưa có đủ điều kiện để xem xét toàn diện chứng cứ mới thì buộc phải dừng phiên họp để xem xét, có thể dẫn đéo kéo dài thời gian giải quyết vụ việc tranh chấp.
Thứ ba, về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài Về bản chất Trọng tài là “cơ quan tài phán tư” nên trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn cần có sự hỗ trợ, can thiệp của Tòa án với tính chất là cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính quyền lực nhà nước. Pháp luật cũng đã có những quy định thể hiện mối liên hệ giữa Tòa án với hoạt động trọng tài, cụ thể tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Chỉ định, thay đổi Trọng tài viên; Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Hủy phán quyết trọng tài; Giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; Thu thập chứng cứ; Triệu tập người làm chứng; Đăng ký phán quyết trọng tài; Các việc dân sự khác mà pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam có quy định. Nhưng sự can thiệp được cho là sâu sắc nhất của Toà án vào hoạt động của trọng tài là Toà án có thể huỷ phán quyết của trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Một trong những căn cứ phổ biến được sử dụng để hủy phán quyết trọng tài là “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Mặc dù Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có hướng dẫn về căn cứ huỷphán quyết trọng tài khi “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” nhưng hướng dẫn này còn chung chung, dẫn đến việc áp dụng vẫn còn tùy nghi, thậm chí trong một số trường hợp còn xảy ra tình trạng “lạm dụng” để hủy các phán quyết của trọng tài.
Ví dụ về một vụ việc thực tế: Tại Quyết định về huỷ phán quyết trọng tài số 07/2019/QĐ-PQTT ngày 18/7/2019 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận định về cơ sở huỷ phán quyết trọng tài như sau: “… Tại phiên họp ngày 25/01/2019 V đã đệ trình hợp lệ bản cứng của 2 văn bản nói trên và lời khai nhân chứng của ông Trần Văn C. Hơn nữa đến ngày mở phiên họp là ngày 25/01/2019 V mới được thông báo về việc Hội đồng trọng tài đã đồng ý theo yêu cầu của S cho mời thêm một số nhân chứng để tham gia phiên họp và đưa ra lời khai làm chứng.
Như vậy, V không nhận được thông báo về việc Hội đồng trọng tài triệu tập thêm nhân chứng tham gia phiên họp để tự bảo vệ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn, mặc dù bị đơn đã phản đối việc gửi giấy triệu tập của VIAC và Hội đồng trọng tài nhưng không được giải quyết, Hội đồng trọng tài đã vi phạm Điều 12 Luật Trọng tài thương mại qui định về gửi thông báo và trình tự gửi thông báo. Tổng hợp những tình tiết nêu trên, thấy rằng những nội dung trên thể hiện Hội đồng trọng tài đã không công bằng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Cụ thể vi phạm Điều 5 Bộ Luật dân sự 2005 (Điều 3 Bộ Luật dân sự 2015) qui định về nguyên tắc bình đẳng và Điều 4 Luật Trọng tài thương mại qui định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đồng nghĩa với việc có việc đối xử không công bằng với V”.
Qua vụ việc thực tế trên có thể thấy, một sai lầm của Hội đồng trọng tài về thủ tục tố tụng, chưa bàn đến việc có thể làm thay đổi bản chất vụ án, phán quyết của Hội đồng trọng tài thương mại hay không, nhưng cũng đủ là cơ sở để Toà án huỷ phán quyết trọng tài với căn cứ “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê tại Trang thông tin điện tử công bố bản án4, quyết định của tòa án của Tòa án nhân dân tối cao thì tính đến hiện nay đã có hơn 150 phán quyết của trọng tài trong nước và nước ngoài bị hủy bởi Tòa án. Càng về sau, số lượng các phán quyết trọng tài bị hủy càng nhiều lên. Mặc dù trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn có nhiều
ưu điểm, nhưng nhiều trường hợp không chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài là do e ngại việc phán quyết của trọng tài có thể bị hủy bỏ Toà án.
Thứ tư, vướng mắc về thi hành phán quyết trọng tài Theo quy định tại Điều 66 Luật Trọng tài thương mại thì khi hết thời hạn tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết trọng tài không tự nguyện thi hành và không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì bên
được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, để yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, người yêu cầu thi hành phải chứng minh phán quyết trọng tài đó không bị Tòa án tuyên hủy. Trên thực tế việc các đương sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết trọng tài không bị tuyên hủy gặp rất nhiều khó khăn và đa số đều không nhận được câu trả lời từ phía Tòa án do pháp luật về tố tụng dân sự không có hành lang pháp lý buộc Toà án phải xác nhận cho đương sự là phán quyết của trọng tài đã bị hủy hay không, dẫn tới hồ sơ thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự bị đình trệ. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa quy định rõ việc xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự hay đương sự dẫn tới khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án.
Mặc khác, theo quy định tại Điều 11 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.
Tuy nhiên, nếu các bên lựa chọn một địa điểm giải quyết tranh chấp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, phán quyết được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam thì lúc này Toà án nào sẽ có thẩm quyền huỷ phán quyết trọng tài? Trường hợp này pháp luật về trọng tài còn bỏ ngõ, chưa quy định.
III. HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Sau thời gian áp dụng, pháp luật về trọng tài thương mại đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Từ thực trạng trên, tác giả nêu lên một số định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại tại Việt Nam, như sau:
Thứ nhất, với bản chất là cơ quan tài phán tư, trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các chủ thể bình đẳng và tự do ý chí. Pháp luật cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Trọng tài thương mại theo hướng giải quyết tất cả các tranh chấp có ít nhất một bên là thương nhân.
Thứ hai, để tạo điều kiện cho các bên tranh chấp tiếp cận được phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, pháp luật cần bổ sung trường hợp Hội đồng trọng tài vẫn có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp không có thoả thuận trọng tài, nhưng một bên đã nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài, bên còn lại đã được Trọng tài thông báo nhưng không phản đối trong thời gian hợp lý (khoảng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trọng tài).
Thứ ba, nhằm giải quyết triệt để vụ việc tranh chấp và tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba, pháp luật về trọng tài thương mại cần quy định về địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tương tự như quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự.
Thứ tư, để bảo đảm giải quyết nhanh chóng vụ án vốn là ưu điểm của trọng tài thương mại, pháp luật về trọng tài thương mại nên ấn định một thời gian hợp lý để các đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của mình là có cơ sở. Các tài liệu, chứng cứ được giao nộp quá thời hạn trên mà không có lý do chính đáng thì không được công nhận.
Thứ năm, về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài, pháp luật về trọng tài thương mại nên điều chỉnh theo hướng, dù phán quyết có vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, không ảnh hưởng đến phán quyết của trọng tài thì không là cơ sở để Toà án huỷ phán quyết trọng tài.
Thứ sáu, nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong thi hành phán quyết trọng tài, pháp luật cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa Toà án và cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh tính pháp lý của phán quyết trọng tài, một trong các bên đương sự có đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài hay không để làm cơ sở thực hiện thủ tục thi hành phán quyết trọng tài.
Thứ bảy, về thẩm quyền huỷ phán quyết trọng tài trong trường hợp phán quyết của trọng tài Việt Nam được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam, pháp luật có thể giao cho Toà án nơi một trong hai bên tranh chấp có trụ sở hoặc cư trú; hoặc Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền huỷ các phán quyết nêu trên.
Kết luận:
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở Việt Nam xuất hiện khá muộn so với các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, tuy nhiên, cùng với nỗ lực to lớn của Nhà nước trong đổi mới hoạt động tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư cùng với tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước, pháp luật về trọng tài thương mại ngày một được hoàn thiện hơn. Bài viết trên đây là những nhìn nhận sơ lược và tổng quan quá trình phát triển, đổi mới, thành tựu đạt được, những hạn chế và định hướng hoàn thiện của chế định trọng tài thương mại tại Việt Nam. Để từ đó, ghi nhận và góp phần tiếp nối những thành công, khắc phục những hạn chế trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam và có những thay đổi phù hợp với thời đại./
Luật sư Nguyễn Công Tín
Phạm Cao Linh
Nguyễn Thuý Hằng
Nguyễn Thị Thu Thuỳ
Công ty Luật FDVN
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
I. CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
2. Bộ luật Dân sự năm 2015;
3. Nghị định 124/2018/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi Nghị định 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật trọng tài thương mại;
4. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành;
II. TÀI LIỆU THAM KHẢO KHÁC
5. VIAC, Báo cáo thường niên năm 2021 của trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC (link: https://www.viac.vn/bao-cao-thuong-nien.html);
6. Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022 của các Toà án được Toà án nhân dân Tối cao công bố trên cổng thông tin điện tử: https://www.toaan.gov.vn
7. Đoàn Trung Kiên và Nguyễn Thị Vân Anh, Nghiên cứu trao đổi của Tạp chí nghề luật số 06/2020 về vấn đề giải pháp hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam
8. Ths Lương Thanh Quang, Bàn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền áp dụng của trọng tài thương mại, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2017/03 /30/bnve-cc-bien-php-khan-cap-tamthoi-thuoctham-quyen-p-dung-cua-trong-ti-thuong-mai/
9. TS. Đỗ Văn Đại – TS. Trần Hoàng Hải (2011), Pháp luật về trọng tài thương mại, sách chuyên khảo, NXB Chính trị quốc gia;
10. Giáo trình pháp luật trọng tài thương mại – Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức.
11. TS. Đặng Thanh Hoa (Trường Đại học Luật TP.HCM) và ThS. Nguyễn Văn Sơn (Chánh Tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh An Gang), Cơ chế tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba liên quan đối với nội dung.
XEM THÊM: BẢN TIN DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT 87 THÁNG 5 NĂM 2023
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn