Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Giả mạo trục lợi từ vụ tai nạn 13 người chết: Có thể bị xử lý hình sự

Giả mạo trục lợi từ vụ tai nạn 13 người chết: Có thể bị xử lý hình sự

Theo chuyên gia pháp lý, hành vi trên có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đăng tải, những ngày qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước việc một số đối tượng đã mạo danh thân nhân 4 nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam để trục lợi từ các nhà hảo tâm.

Đích thân ông Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cũng đã lên tiếng khuyến cáo, trên mạng xã hội có nhiều người lợi dụng, chia sẻ video, hình ảnh về các nạn nhân vụ tai nạn đang nằm viện để kêu gọi hỗ trợ rồi tư lợi cá nhân. Trên thực tế các trường hợp này chưa phải đóng tiền viện phí, nhưng các đối tượng xấu rêu rao rằng các nạn nhân đang ngặt nghèo vì không có tiền viện phí, tiền phẫu thuật.

Ngành y tế cũng đã phát hiện một số đối tượng xấu lai vãng ở bệnh viện để mạo danh thân nhân bệnh nhân nhận tiền. Hiện, người thân của bệnh nhân ở bệnh viện cũng rất ít do phải về quê để lo đám tang.

“Mọi tấm lòng hảo tâm có thể đóng góp qua phòng Công tác xã hội bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để được trao trực tiếp đến người nhà các nạn nhân”, ông Nhân nói.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, công ty Luật FDVN Đà Nẵng cho rằng, việc những nhà hảo tâm góp tiền bạc, vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân vượt qua cơn khó khăn là một đức tính tốt đẹp, là đạo lý bao đời nay của người Việt Nam, là “tương thân tương ái”, là “lá lành đùm lá rách”. Nhưng, đây cũng là một cơ hội cho những người xấu trục lợi, chiếm đoạt.

Theo vị chuyên gia, hành vi mạo danh, đưa ra những thông tin gian dối, lợi dụng lòng thương người, để cho mọi người lầm tưởng những người này là người nhà nạn nhân, nhằm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, điều luật này xác định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Như vậy, có thể thấy tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành bởi 2 yếu tố. Đó là người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong sự việc này, rõ ràng những nhà hảo tâm đã bị lầm tưởng người nhận được tiền hỗ trợ chính là người nhà của nạn nhân. Đây chính là thủ đoạn gian dối mà người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích.

Với số tiền chiếm đoạt trên 2 triệu đồng thì đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi, còn với số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị truy tố, trừ một số trường hợp đáp ứng được một số điều kiện mà Bộ luật Hình sự đã quy định thì vẫn bị truy tố.

“Sự việc nêu trên, tôi cho rằng, kể cả khi người lừa đảo chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu đồng, nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý về mặt hình sự, nếu có cơ sở cho rằng, hành vi mạo danh để lừa đảo đang “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Và việc xử lý về mặt hình sự trong trường hợp này đang nhằm răn đe người phạm tội, khôi phục lại tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, chuyên gia Mai Quốc Việt bày tỏ quan điểm.

Chuyên gia Việt cho biết thêm, nếu mức độ của hành vi lừa đảo mà người thực hiện hành vi chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự, thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền người vi phạm bị phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào những hành vi, được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh hình thức phạt tiền người thực hiện hành vi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

“Nhìn chung, với những hành vi vi phạm, theo tính chất mức độ thì cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để xử lý nêu trên. Nhưng có một điều quan trọng hơn sự xử lý, đó chính là những người mạo danh, lừa gạt nói trên đang khiến cho lòng tin và tình thương của con người trong xã hội ngày càng mai một đi. Liệu rằng, còn ai có thể tương trợ, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn nữa, ai cũng đề phòng khi làm từ thiện,….”, vị này nhấn mạnh.

Bài viết liên quan