ĐỊNH TỘI DANH: TỘI HIẾP DÂM VÀ TỘI CƯỠNG DÂM
I. HƯỚNG DẪN MỘT SỐ TÌNH TIẾT ĐỊNH TỘI DANH
1. Giao cấu
Là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào (Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019).
Bộ phận sinh dục bao gồm bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ. Bộ phận sinh dục nam là dương vật; bộ phận sinh dục nữ bao gồm âm hộ, âm đạo (Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019).
2. Hành vi quan hệ tình dục khác
Là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
– Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
– Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
(Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019).
Dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…) hoặc những đồ vật khác nhưng được sử dụng cho hoạt động tình dục (Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
3. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân
Là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
– Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được);
– Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
(Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
4. Thủ đoạn khác
Bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
(Khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
5. Trái với ý muốn của nạn nhân
Là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
(Khoản 9 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
6. Người lệ thuộc và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình
Là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày…) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn…).
(Khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
7. Người đang ở trong tình trạng quẫn bách
Là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác (ví dụ: không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo; không có tiền để chuộc con mình đang bị bắt cóc…).
(Khoản 11 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
II. HƯỚNG DẪN MỘT SỐ TÌNH TIẾT ĐỊNH KHUNG
1. Có tổ chức
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Khoản 2 Điều 17 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu. Tuy nhiên, không có sự lượng hóa cụ thể đối với sự câu kết, bàn bạc của những người phạm tội trong phạm tội có tổ chức, sự phân công nhiệm vụ, vai trò của những người đồng phạm. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Vì vậy, khi quyết định hình phạt thì mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau (Tham khảo giải đáp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại: https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=439)
2. Người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh
Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với người mà họ có trách nhiệm chăm sóc (trường hợp loạn luân thì áp dụng tình tiết định khung “có tính chất loạn luân), giáo dục (ví dụ: thầy – trò…), chữa bệnh (bác sĩ – bệnh nhân…). Đối với trường hợp nếu hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì không áp dụng tình tiết này.
3. Có tính chất loạn luân
Là một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
– Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
– Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
– Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
– Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
(Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
4. Nhiều người hiếp một người
Là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.
Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).
(Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
5. Nhiều người cưỡng dâm một người
Là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.
Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).
(Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
6. Phạm tội 02 lần trở lên
Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019)
7. Tái phạm nguy hiểm
Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
– Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
– Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
(Khoản 2 Điều 53 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
III. TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Bản án, Quyết định của Toà án về tội hiếp dâm: Trang 1 – 44, https://fdvn.vn/tong-hop-25-ban-an-hinh-su-ve-van-de-bao-ve-danh-du-nhan-pham-cua-phu-nu/
– Bản án, Quyết định của Toà án về tội cưỡng dâm: Trang 45 – 68, https://fdvn.vn/tong-hop-25-ban-an-hinh-su-ve-van-de-bao-ve-danh-du-nhan-pham-cua-phu-nu/
– Tổng hợp 31 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân Tối cao trong lĩnh vực hình sự – tố tụng hình sự: https://fdvn.vn/tong-hop-31-nghi-quyet-cua-hoi-dong-tham-phan-toa-an-nhan-dan-toi-cao-trong-linh-vuc-hinh-su-to-tung-hinh-su-tu-nam-1986-den-nam-2020/; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn về tội hiếp dâm, cưỡng dâm tại STT 25, trang 279 – 286.
– Luận án Tiến sĩ: Bảo vệ quyền con người bằng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Luật Hình sự Việt Nam: https://fdvn.vn/luan-an-tien-si-bao-ve-quyen-con-nguoi-bang-quy-dinh-ve-cac-toi-xam-pham-tinh-duc-trong-luat-hinh-su-viet-nam/
– Tổng hợp 171 Giải đáp của Toà án nhân dân Tối cao về Hình sự, tố tụng hình sự: https://fdvn.vn/tong-hop-171-giai-dap-cua-toa-an-nhan-dan-toi-cao-ve-hinh-su-to-tung-hinh-su-tu-nam-1999-den-thang-9-nam-2020/
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp
LINK PDF: ĐỊNH TỘI DANH: TỘI HIẾP DÂM VÀ TỘI CƯỠNG DÂM
………………….
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn