I. ĐIỀU KIỆN DAP LÀ GÌ?
DAP (viết tắt bởi cụm từ: Delivered at Place, nghĩa là: Giao hàng chưa dở[1]) là thuật ngữ trong thương mại quốc tế quy định cụ thể các nghĩa vụ, chi phí và rủi ro tương ứng liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa từ người bán sang người mua theo tiêu chuẩn Incoterms do Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) công bố[2].
“Giao hàng chưa dỡ” (Diliverred at Place) có nghĩa người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải chở tới đã sẵn sàng dỡ hàng tại nơi đến quy định[3].
Theo điều kiện DAP, giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định[4].
Cách thể hiện của điều kiện DAP trên hợp đồng ngoại thương:
DAP [nơi đến quy định] Incoterm® 2020
Chẳng hạn địa điểm giao hàng được người mua chỉ định tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng có địa chỉ ở 01 Yết Kiêu, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng. . DAP của hợp đồng ngoại thương này sẽ được thể hiện như sau: DAP 01 Yet Kieu, Tho Quang, Sơn Tra, Da Nang, Viet Nam Incoterms 2020.
II. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
1. Về phương thức vận tải:
Điều kiện này sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.
2. Chuyển giao hàng hóa và rủi ro (DAP – Delivered at Place):
Giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định. Các bên nên quy định càng rõ ràng càng tốt về địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định.
Bởi vì thứ nhất, rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển sang cho người mua tại điểm giao hàng,thế nên tốt nhất là hai bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng thuộc nơi giao hàng. Thứ hai, người bán chịu mọi chi phí để đưa hàng đến điểm giao hàng, tức là đây cũng đồng thời là điểm chuyển giao chi phí từ người bán sang người mua. Cuối cùng, địa điểm này là nơi mà người bán phải ký kết hợp đồng vận tải để đưa được hàng đến đó. Nếu xảy ra vấn đề gì với hàng hóa trước khi hàng tới điểm giao hàng, mọi tổn thất sẽ do người bán chịu. Ví dụ người bán sẽ phải chịu tất cả các loại phí phát sinh mà người vận chuyển thu trong quá trình vận tải. Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó.
3. Chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định:
Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này,trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.
4. Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu:
Điều kiện DAP yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, nếu cần. Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu. Nếu xảy ra trường hợp người mua không thông quan được nhập khẩu, hàng hóa sẽ bị giữ lại ở cảng hoặc ở bãi tại nước nhập khẩu.
Vậy ai sẽ chịu rủi ro cho việc mất mát và hư hỏng hàng hóa có thể xảy ra khi hàng hóa bị giữ lại? Câu trả lời sẽ là người mua chịu, và chịu cho tới khi hàng hóa được chuyển tới 1 địa điểm nằm trong nội địa nước nhập khẩu, từ đây người bán lại tiếp tục chịu rủi ro và chi phí với mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa cho tới khi giao hàng. Điều này được quy định rõ theo mục B3(a). Nếu hai bên cảm thấy người xuất khẩu có thể thông quan và làm thủ tục nhập khẩu, để tránh tình trạng trên xảy ra, hai bên có thể cân nhắc sử dụng điều kiện DDP.
III. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI MUA VÀ NGƯỜI BÁN TRONG ĐIỀU KIỆN DAP
A. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÁN (Seller):
A1. Nghĩa vụ chung của người bán
Người bán phải cung cấp hàng hóa và hóa đơn thương mại phù hợp với hợp đồng mua bán và cung cấp tất cả bằng trứng phù hợp mà hợp đồng có thể đòi hỏi.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người bán đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
A2. Giao hàng
Người bán phải giao hàng bằng cách đặt hàng dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải chở tới sẵn sàng dỡ hàng tại địa điểm đã thỏa thuận, nếu có, ở nơi đến qui định hoặc mua hàng đã được giao như vậy. Trong cả hai trường hợp người bán phải giao hàng vào ngày hoặc thời hạn đã thỏa thuận[5].
Nếu người bán DAP và DDP chỉ phải giao hàng khi hàng trên phương tiện vận tải tới nơi đến và đã sẵn sàng để dỡ, người bán DPU phải giao hàng sau khi hàng đã được dỡ từ phương tiện vận tải đó tại nơi đến.
Đặt hàng hóa “dưới dự định đoạt của người mua” (at the disposal of the buyer)
Quy tắc EXW và các quy tắc nhóm D qui định người bán phải giao hàng bằng việc đặt hàng hóa “dưới sự định đoạt của người mua” (at the disposal of the buyer). Điều này có nghĩa là người bán phải thực hiện tất cả những gì cần thiết để người mua không cần phải làm gì khác vẫn có thể nhận hàng hóa tại nơi giao hàng[6]. Khi đó, người mua có thể quyết định hàng hóa cho bất cứ mục đích nào như vận chuyển đến nơi khác, bán lại hàng cho người khác, lưu kho tại chổ,…[7]
A3. Chuyển giao rủi ro
Người bán chịu mọi rủi ro về tổn thất hay mất mát đối với hàng hóa đến khi hàng hóa được giao theo mục A2, trừ những trường hợp mất mát hay hư hỏng được đề cập ở mục 3.
A4. Vận tải
Người bán phải chịu phí tổn ký hợp đồng hoặc thu xếp vận huyển hàng hóa tới nơi đến qui định hoặc địa điểm đến đã thỏa thuận, nếu có, tại nơi đến qui định. Nếu địa điểm cụ thể không được thỏa thuận hoặc không được xác định bởi tập quán, người bán có thể chọn địa điểm tại nơi đến qui định phù hợp nhất với mục đích của mình
Người bán phải đáp ứng bất cứ yêu cầu an ninh nào liên quan đến vận chuyển để chuyên chở tới nơi đến.
Mặc dù Incoterms® 2010, các quy tắc nhóm D qui định người bán “ký hợp đồng” vận tải, tuy nhiên, người bán vẫn có thể sắp xếp vận chuyển bằng phương tiện riêng của người bán.[8] Điều này được làm rõ hơn trong Incoterms® 2020 khi thay cụm từ “ký hợp đồng” thành cụm từ “ký hợp đồng hoặc thu xếp” (contract or arrange) vận chuyển. Vì vậy, theo các quy tắc nhóm D, người bán có thể sử dụng phương tiện vận tải riêng của mình chứ không nhất thiết phải thuê phương tiện vận tải của người chuyên chở là bên thứ ba. Qui định này sẽ thuận lợi cho người bán nhóm D là những doanh nghiệp có sẵn phương tiện vận tải để vận chuyển.
Nếu như trong nhóm F, người bán chỉ cần đáp ứng những yêu cầu an ninh nào liên quan đến vận chuyển tới khi giao hàng tại nơi xuất phát, thì ở nhóm C và D, người bán phải đáp ứng tất cả những yêu cầu an ninh liên quan đến vận chuyển mà người bán dự định để chuyên chở hàng hóa tới nơi đến hoặc cảng đến qui định[9].
A5. Bảo hiểm
Người bán không có nghĩa vụ với người mua về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Do người bán theo nhóm D phải chịu rủi ro trong quá trình chuyên chở để giao hàng tại nơi đến, người bán cần tự mua bảo hiểm để bảo vệ lợi ích của mình. Việc mua bảo hiểm như vậy do người bán tự nguyện chứ không bắt buộc nên không phải là nghĩa vụ của người bán đối với người mua.[10]
A6. Chứng từ vận tải/giao hàng (Delivery/ transport document)
Người bán phải chịu phí tổn cung cấp cho người mua bất kỳ chứng từ nào được yêu cầu để người mua có thể nhận được hàng.
Nếu người bán nhóm C phải cung cấp chứng từ vận tải để “người mua có quyền khiếu nại người chuyên chở về hàng hóa”, bao gốm cả quyền nhận hàng từ ngươi chuyên chở, thì người bán nhóm D chỉ phải cung cấp chứng từ vận tải theo yêu cầu để “ người mua có thể nhận được hàng”. Yêu cầu về chứng từ vận tải theo nhóm D, người mua nên qui định trong hợp đồng.
Nguyên tắc chung là, nếu hàng hóa không phù hợp với chứng từ vận tải, người mua nhóm C có quyền khiếu nại người chuyên chở, còn người mua nhóm D có quyền khiếu nại người bán.[11]
Ngoài ra, Tiêu đề của Điều A6 và B6 trong Incoterms® 2020 đã gộp hai tiêu đề của Điều A8 “Chứng từ giao hàng” và B8 “Bằng chứng của việc giao hàng” trong Incoterms® 2010 thành một tiêu đề thống nhất là “Chứng từ vận tải/ giao hàng”.
Người bán nhóm C và D phải chịu phí tổn cung cấp cho người mua chứng từ vận tải để người mua có thể nhận được hãng từ người chuyên chở tại nơi đến qui định. Vì nghĩa vụ của người bán phải cung cấp chứng từ vận tải, do đó Điều A8 của Incoterms® 2010 với tiêu đề “Chứng từ giao hàng” (Delivery document) không phù hợp bằng tiêu đề “Chứng từ giao hàng/ vận tải” của Điều A6 trong Incoterms® 2020.[12]
A7. Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
a) Về thông quan xuất khẩu và quá cảnh
Nếu cần, người bán phải làm và chi trả mọi chi phí liên quan đến việc làm thủ tục hải quan xuất khẩu và quá cảnh (nếu có quá cảnh ở nước thứ ba) được quy định ở nước xuất khẩu và nước quá cảnh, như là:
• Giấy phép xuất khẩu quá cảnh;
• Kiểm tra an ninh với hàng hóa khi xuất khẩu/quá cảnh;
• Kiểm tra trước khi gửi hàng; và
• Bất kỳ giấy phép chính thức nào khác
b) Hỗ trợ việc làm thủ tục nhập khẩu
Nếu cần, người bán phải hỗ trợ người mua khi người mua yêu cầu, rủi ro và chi phí do người mua chịu để lấy các chứng từ thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu, bao gồm cả các thông tin an ninh và việc giám định hàng hóa, được quy định ở nước nhập khẩu.
Người bán DAP chịu trách nhiệm và chi phí thủ tục xuất khẩu và quá cảnh qua bất cứ nước nào (không phải nước nhập khẩu) theo qui định. Nếu người mua yêu cầu, người bán còn phải lấy giúp người mua các chứng từ và thông tin liên quan đến thủ tục thông quan nhập khẩu, với rủi ro và phí tổn người mua chịu.[13]
A8. Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người bán cần phải trả các chi phí về việc kiểm tra (như kiểm tra chất lượng, cân, đo, đếm) cần thiết để giao hàng theo quy định ở mục A2.
Người bán phải đóng gói hàng hóa và chịu chi phí về việc đó trừ khi thông lệ của ngành hàng quy định cụ thể hàng hóa được gửi đi không cần đóng gói.
Người bán phải đóng gói và ký mã hiệu hàng hóa phù hợp với phương thức vận tải, trừ khi hai bên đã đồng ý cụ thể về cách đóng hàng và ký mã hiệu khi hợp đồng được ký kết.
A9. Phân chia chi phí Người bán phải trả:
a) Toàn bộ mọi chi phí liên quan đến hàng hóa cho tới khi chúng được giao cho người mua theo mục A2, trừ những khoản do người mua trả theo mục B9;
b) Chi phí cung cấp bằng chứng cho người mua theo mục A6 rằng hàng hóa đã được giao,
c) Chi phí về làm thủ tục hải quan cần thiết để xuất khẩu/quá cảnh, nếu có, nộp thuế xuất khẩu và bất kì chi phí nào khác phải trả khi xuất khẩu/quá cảnh theo như mục A7(a);
d) Trả cho người mua tất cả các chi phí và phụ phí liên quan đến việc hỗ trợ người bán trong việc lấy chứng từ và thông tin cần thiết theo mục B7(a) và B5.
e) Chi phí liên quan đến dỡ hàng tại điểm đích nếu như chúng thuộc hợp đồng vận tải người bản ký kết.
Mặc dù mục A9(a) trong quy tắc DAP và DPU đều qui định giống nhau, nhưng do Điều A2 (Giao hàng) trong hai quy tắc này khác nhau, nên chi phí mà người bán DPU phải chịu khác so với DAP chỉ duy nhất là chi phí dỡ hàng tại nơi đến.
Vì nghĩa vụ của người bán DDP chỉ khác với DAP về thông quan nhập khẩu, do đó chi phí mà người bán DDP phải chịu cũng nhiều hơn so với DAP ở mục A9(d) là các chi phí liên quan đến thông quan nhập khẩu như thuế, lệ phí nhập khẩu.[14]
A10. Thông báo cho người mua
Người bán phải thông báo cho người mua bất kỳ thông tin nào cần thiết để tạo điều kiện cho người mua có thể nhận hàng.
B. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI MUA (Buyer)
B1. Nghĩa vụ chung của người mua
Người mua phải thanh toán tiền hàng như quy định trong hợp đồng mua bán.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người mua đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
B2. Nhận hàng
Người mua hàng phải nhận hàng khi hàng đã được giao theo mục A2.
B3. Chuyển giao rủi ro
Người mua hàng phải chịu mọi rủi ro liên quan đến việc mất mát hay hỏng hóc hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2.
Nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan đến thông quan nhập khẩu theo như mục B7, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro và chi phí liên quan đến việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
Nếu người mua không kịp thời thông báo cho người bán theo mục B10, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro mất mát hoặc thiệt hại về hàng hóa kể từ ngày quy định hoặc ngày cuối cùng của thời hạn quy định cho việc giao hàng, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
B4. Vận tải
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc lập hợp đồng vận tải.
Theo nhóm C và D, nghĩa vụ đối với hợp đồng vận tải thuộc về người bán nên người mua không có nghĩa vụ với người xbán để ký kết hợp đồng vận tải. Nếu người mua muốn hàng hóa tiếp tục được vận chuyển từ nơi đến qui định tới nơi đến cuối cùng khác, người mua có thể cần phải ký hợp đồng vận tải. Tuy nhiên, người mua ký hợp đồng vận tải này phục vụ cho lợi ích của mình, vì vậy đó không phải là nghĩa vụ của người mua đối với người bán[15].
B5. Bảo hiểm
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu người bán yêu cầu và chịu rủi ro và chi phí, thì người mua cần cung cấp thông tin cần thiết để người bán có thể mua bảo hiểm.
Người bán nhóm D phải chịu rủi ro trong hành trình để giao hàng tại nơi đến, nên người bán cần tự mua bảo hiểm để bảo vệ mình đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển tới nơi giao hàng. Vì vậy mà người bán có thể cần có những thông tin về nơi đến để mua bảo hiểm phù hợp. Các Điều B5 trong nhóm D vì vậy qui định người mua phải cung cấp cho người bán, khi người bán yêu cầu và chịu rủi ro cũng như phí tổn, những thông tin mà người bán cần để mua bảo hiểm phù hợp[16].
B6. Chứng từ vận tải/giao hàng (Delivery/ transport document)
Người mua phải chấp nhận chứng từ vận tải được cung cấp theo như mục A6.
Người mua chỉ phải chấp nhận chứng từ được cung cấp khi nó thỏa mãn theo những yêu cầu trong Điều A6. Nếu người bán cung cấp chứng từ không thỏa mãn theo những yêu cầu trong Điều A6, người mua có quyền từ chối.[17]
B7. Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
a) Hỗ trợ việc thông quan xuất khẩu và quá cảnh
Nếu cần, người mua phải hỗ trợ người bán khi người bán yêu cầu, do người bán chịu rủi ro và chi phí, lấy các chứng từ/thông tin liên quan đến việc thông quan xuất khẩu/quá cảnh, kể cả các thông tin an ninh hay giám định được quy định bởi nước xuất khẩu/quá cảnh.
b) Thông quan nhập khẩu
Nếu cần, người mua phải làm và trả các chi phí liên quan đến việc thông quan được quy định tại nước nước nhập khẩu, như là
• Giấy phép nhập khẩu;
• Kiểm tra an ninh cho việc nhập khẩu;
• Giám định hàng hóa, và
• Bất kỳ quy định pháp lý nào.
B8. Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người mua không có nghĩa vụ gì với người bán.
B9. Phân chia chi phí
Người mua phải.
a) Trả mọi chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2;
b) Mọi chi phí cần thiết để dỡ hàng hóa xuống tại địa điểm giao hàng, trừ khi chúng nằm trong hợp đồng vận tải mà người bán ký kết,
c) Hoàn trả tất cả chi phí và lệ phí mà người bán đã chi ra khi giúp người mua theo mục A7(b);
d) Nếu có quy định, trả tất cả các thứ thuế, lệ phí và các chi phí khác cũng như chi phí làm thủ tục hải quan để nhập khẩu cho như mục B7 (b);
e) Hoàn trả bất kỳ chi phí phát sinh nào do người bán trả nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo thư mục B7 hoặc không hoàn thành việc thông báo cho người bán theo mục B10, với điều kiện hàng hóa đã được xác định là hàng hóa của hợp đồng.
B10. Thông báo cho người bán
Nếu đã thỏa thuận người mua có quyền quyết định thời gian trong thời hạn thỏa thuận và/hoặc địa điểm nhận hàng ở nơi đến qui định, người mua phải thông báo thích hợp cho người bán.
Nếu người mua nhóm C và nhóm D có quyền quyết định thời gian hoặc địa điểm tiếp nhận hàng ở nơi đến qui định, người mua phải thông báo thích hợp cho người bán để người bán kịp thời chỉ thị cho người chuyên chở đưa hàng đến đúng thời gian và địa điểm tại nơi đến.[18]
Dưới đây là các ưu điểm và nhược điểm của điều kiện DAP:
Ưu điểm |
Nhược điểm |
1. Người bán chịu trách nhiệm và chi phí cho việc vận chuyển hàng hóa đến nơi đích đã được chỉ định, giúp bên mua tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc vận chuyển hàng hóa.
2. Các thủ tục xuất khẩu hàng hóa và vận chuyển đến nơi đích được quản lý và điều khiển bởi người bán, giúp giảm bớt trách nhiệm và công việc cho bên mua. 3. DAP giúp các bên trong giao dịch tiết kiệm thời gian và chi phí do việc vận chuyển hàng hóa được đảm bảo tới nơi đích. |
1. Bên mua phải tự chịu trách nhiệm và chi phí liên quan đến nhập khẩu hàng hóa vào quốc gia đích, bao gồm cả thuế và các khoản phí liên quan đến nhập khẩu.
2. Bên mua có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hải quan và liên quan đến vận chuyển hàng hóa đến nơi đích. 3. Việc quản lý và giải quyết các rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ bên bán đến nơi đích thuộc trách nhiệm của bên mua. |
Vì vậy, khi sử dụng điều kiện DAP, bên mua cần có kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý vận chuyển và thủ tục nhập khẩu. Đồng thời, cần đảm bảo rằng người bán sử dụng các dịch vụ vận chuyển uy tín và đảm bảo việc giao hàng an toàn và đúng thời gian. Ngoài ra, các bên cũng nên chú ý đến các yếu tố như chi phí và trách nhiệm trong quá trình vận chuyển.
Trên đây là tổng hợp những thông tin giúp mọi người hiểu rõ hơn về điều kiện DAP Incoterms® 2020. Nhìn chung, trong hoạt động thương mại thì mỗi điều kiện đều thể hiện rõ trách nhiệm của bên bán và bên mua. Vậy nên, nếu có bất kỳ thắc mắc hay băn khoăn cần tư vấn về việc xuất nhập khẩu hàng hóa, có thể liên hệ với FDVN để được hỗ trợ tư vấn chu đáo nhất.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Trong incoterms 2010, DAP được dịch là “Giao tại nơi đến” để phân biệt với DAT là “Giao hàng tại điểm tập kết”. Trong Incoterms 2020, DAP nên được dịch là “Giao hàng chưa dở” để phân biệt với DPU (thay thế cho DAT) là “Giao hàng chưa dở”
[2] https://phaata.com/thi-truong-logistics/dap-la-gi-901.html
[3] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 39
[4] https://phaata.com/thi-truong-logistics/dap-la-gi-901.html
[5] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 66
[6] UNCITRAL Digest of Case Law on the United Nations Convention on the International Sale of Goods
[7] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 67
[8] ICC, Questions and expert ICC guidance on the Incoterms ® 2010 rules, 2013
[9] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 81
[10] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 87
[11] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 95
[12] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 91
[13] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 100
[14] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 114
[15] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 83
[16] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 89
[17] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 97
[18] Tô Bình Minh, Incoterms 2020 Giải thích và hướng dẫn sử dụng (2020) Trang 127
Nguyễn Thị Hải Nhi – Công ty Luật FDVN
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn