Feel free to go with the truth

Trang chủ / Doanh nghiệp / ĐIỀU KIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH KHÍ DẦU HÓA LỎNG (LPG)?

ĐIỀU KIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH KHÍ DẦU HÓA LỎNG (LPG)?

Tình huống pháp lý: Điều kiện của thương nhân kinh doanh khí dầu hóa lỏng (LPG)?

Tôi muốn mở cơ sở kinh doanh mua bán dầu khí hóa lỏng (LPG) hay còn gọi là khí gas công nghiệp LPG thì phải đáp ứng điều kiện gì về thương nhân kinh doanh khí ga hóa lỏng? Phải xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện của thương nhân kinh doanh ở đâu? Thành phần hồ sơ gồm những gì? Trình tự, thủ tục như thế nào? Mong Luật sư tư vấn cho tôi và sớm phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1] Điều kiện của thương nhân kinh doanh khí dầu hóa lỏng (LPG)

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí (“Nghị định số 87/2018/NĐ-CP”) quy định: “Khí dầu mỏ hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (công thức hóa học C3H8) hoặc butan (công thức hóa học C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khí được nén đến một áp suất hoặc làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng.”

Căn cứ vào Điều 8 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí bao gồm:

“1. Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí gồm:

a) Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí hoặc có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG;

c) Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.”

[2]. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG:

Theo Điều 38 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG gồm:

– Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.

– Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa.

– Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

–  Đối với thương nhân kinh doanh mua bán LPG kinh doanh LPG chai ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này phải bổ sung các giấy tờ sau:

  • Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định chai LPG còn hiệu lực;
  • Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy đối với chai LPG.

[3]  Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện

Theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về  trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện như sau:

  • Thương nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp thương nhân chưa đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Thương nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phải nộp phí thẩm định điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực thương mại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực là 10 năm kể từ ngày cấp mới.
  • Theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP Sở Công Thương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhận kinh doanh mua bán LPG.

[4]. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

4.1. Quy định kỹ thuật

Bên cạnh các quy định nêu trên, Anh/Chị phải đáp ứng được các quy định theo quy chuẩn số QCVN 8:2019/BKHCN kèm theo Thông tư số 14/2019/TT-BKHCN ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng (lpg)” như sau:

Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): Là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (C3H8), propen (C3H6) hoặc butan (C4H10), buten (C4H8) hoặc hỗn hợp của các chất này. Tại nhiệt độ, áp suất bình thường các hydrocacbon này ở thể khí và khi được nén đến một áp suất nhất định hoặc làm lạnh đến nhiệt độ phù hợp thì chúng chuyển sang thể lỏng.

Propan thương phẩm: Là sản phẩm hydrocacbon có thành phần chính là propan, propen và phần còn lại là các alkan và alken từ C2 đến C4 (gồm cả các đồng phân).

Butan thương phẩm: Là sản phẩm hydrocacbon có thành phần chính là butan, buten và phần còn lại là các alkan và alken từ C3 đến C5 (gồm cả các đồng phân).

Hỗn hợp butan và propan thương phẩm: Là hỗn hợp chủ yếu gồm butan thương phẩm và propan thương phẩm.

4.1.1. LPG sử dụng làm khí đốt dân dụng và khí đốt công nghiệp

Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản và phương pháp thử của LPG sử dụng làm khí đốt
dân dụng và khí đốt công nghiệp phải phù hợp với các quy định trong Bảng 1.

Bảng 1. Chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản và phương pháp thử của LPG sử dụng làm khí đốt dân dụng và khí đốt công nghiệp

Tên chỉ tiêu Propan thương phẩm Butan thương phẩm Hỗn hợp butan, propan thương phẩm Phương pháp thử
1. Áp suất hơi ở 37,8oC, kPa, không lớn hơn 1430 485 1430 TCVN 8356:2010
(ASTM D 1267-02)
2. Lượng cặn sau khi bay hơi 100 mL, mL, không lớn hơn 0,05 0,05 0,05 TCVN 3165:2008
(ASTM D 2158-05)
3. Ăn mòn tấm đồng, không lớn hơn Loại 1 Loại 1 Loại 1 TCVN 8359:2010
(ASTM D 1838-07)
4. Hàm lượng lưu huỳnh tổng, mg/kg, không lớn hơn 140 140 140 TCVN 10143:2013 (ASTM D 6228-10);

ASTM D 6667-14

5. Hàm lượng butadien, % thể tích, không lớn hơn 0,5 0,5 0,5 TCVN 8360:2010
(ASTM D 2163-07)
6. Pentan và các chất nặng hơn, % thể tích, không lớn hơn 2,0 2,0 TCVN 8360:2010
(ASTM D 2163-07)
7. Butan và các chất nặng hơn, % thể tích, không lớn hơn 4,0 TCVN 8360:2010
(ASTM D 2163-07)
8. Olefin, % thể tích, không lớn hơn TCVN 8360:2010
(ASTM D 2163-07)
– Khí đốt dân dụng Công bố của nhà sản xuất, phân phối
– Khí đốt công nghiệp Theo sự thỏa thuận của các bên liên quan tại hợp đồng mua bán thương mại
9. Nước tự do Không có nước ở nhiệt độ 0oC, áp suất hơi bão hòa EN 15469:2007

4.2. Phương pháp thử

4.2.1. Lấy mẫu

Mẫu để xác định các chỉ tiêu quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này được lấy theo TCVN 8355:2010 (ASTM D 1265-05) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Lấy mẫu – Phương pháp thủ công.

4.2.2.  Phương pháp thử

Các chỉ tiêu của LPG quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này được xác định theo các phương pháp sau:

– TCVN 8362:2010 (ASTM D 2598-07) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Phương pháp tính toán các chỉ tiêu vật lý từ phân tích thành phần.

– TCVN 8356:2010 (ASTM D 1267-02) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Xác định áp suất hơi (Phương pháp LPG).

– TCVN 3165:2008 (ASTM D 2158-05) Khí dầu mỏ hóa lỏng – Phương pháp xác định cặn.

– TCVN 8359:2010 (ASTM D 1838-07) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Phương pháp xác định độ ăn mòn tấm đồng.

– TCVN 10143:2013 (ASTM D 6228-10) Khí thiên nhiên và nhiên liệu dạng khí – Xác định các hợp chất lưu huỳnh bằng phương pháp sắc ký khí và detector quang hóa ngọn lửa.

– ASTM D 6667-14 Standard test method for determination of total volatile sulfur in gaseous hydrocarbons and liquefied petroleum gases by ultraviolet fluorescence (Khí dầu mỏ hóa lỏng và khí hydrocacbon – Xác định lưu huỳnh tổng bằng phương pháp huỳnh quang tử ngoại).

– TCVN 8360:2010 (ASTM D 2163-07) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và hỗn hợp propan/propen – Xác định hydrocacbon bằng phương pháp sắc ký khí.

– EN 15469:2007 Petroleum products – Test method for free water in liquefied petroleum gas by visual inspection (Sản phẩm dầu mỏ – Phương pháp xác định nước tự do trong khí dầu mỏ hóa lỏng bằng cách kiểm tra bằng mắt thường).

– TCVN 6548:2019 Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

– TCVN 6702:2013 (ASTM D 3244-07a) Xử lý kết quả thử nghiệm để xác định sự phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN

…………..….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

 

Bài viết liên quan