Trong những năm qua, các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) liên tục được cập nhật và hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Hiện tại, quy định về việc mở và sử dụng tài khoản DICA đang tuân theo Thông tư 06/2019/TT-NHNN, ngày 26/6/2019, hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với các hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý mà các nhà đầu tư nước ngoài cần nắm để có thể tuân thủ đúng các quy định khi sử dụng DICA.
- DICA là gì
DICA là tên gọi tắt của Direct Investment Capital Account, có nghĩa là “Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp”. Theo khoản 5, Điều 3, Thông tư 06/2019/TT-NHNN, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Các đối tượng bắt buộc sử dụng DICA
Doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài là nhóm chủ thể phải mở tài khoản DICA. Trước đây, khi nhắc đến doanh nghiệp FDI, nhiều người thường chỉ nghĩ đến các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ nước ngoài hoặc có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên/cổ đông ngay từ ban đầu và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, điều này chưa đầy đủ. Căn cứ theo khoản 1, Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định các đối tượng mở và sử dụng tài khoản DICA là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:
Nhóm đối tượng thứ nhất, Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:
- a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp tại mục (a) nêu trên có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
- c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nhóm đối tượng thứ hai, Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BBC.
Nhóm đối tượng thứ ba, Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án.
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN ba nhóm đối tượng trên bắt buộc phải mở tài khoản DICA bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tương ứng với loại ngoại tệ thực hiện góp vốn đầu tư, chỉ được mở 01 (một) tài khoản DICA bằng loại ngoại tệ đó tại 01 (một) ngân hàng được phép. Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam, được mở 01 (một) tài khoản DICA bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản DICA bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản DICA riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, sau khi có sự thay đổi về vốn góp và thành viên/cổ đông, trở thành đối tượng phải mở tài khoản DICA nhưng không hiểu rõ và không tuân theo quy định. Điều này có thể mang lại khó khăn và rủi ro cho các hoạt động sau này của doanh nghiệp như đầu tư, vay nước ngoài, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, rút vốn trong một số trường hợp, và nhiều vấn đề khác. Thông thường, thời điểm để mở tài khoản DICA là sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ mà không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thì việc mở tài khoản DICA được thực hiện sau khi hoàn thành thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận sự thay đổi về vốn góp, thành viên/cổ đông.
- Nguyên tắc sử dụng DICA
Theo Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định nguyên tắc chung khi góp vốn thông quan tài khoản DICA như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư Việt Nam được góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của họ tại các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành
- Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của NĐTNN
- Hợp đồng PPP đã ký kết
- Tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật.
- Người cư trú là nhà đầu tư Việt Nam được góp vốn đầu tư bằng nguồn ngoại tệ tự có
- Nhà đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư Việt Nam thực hiện góp vốn đầu tư bằng tiền thông qua hình thức chuyển khoản vào DICA
- Giao dịch thu tiền rút vốn, chi trả tiền gốc, lãi, phí, tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp quy định.
- Nhà đầu tư nước ngoài sử dụng lợi nhuận được chia trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Các giao dịch ngoại tệ phải thực hiện thông qua DICA
Theo Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-NHNN, các giao dịch ngoại tệ sau của 3 nhóm đối tượng đã nêu trên bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản DICA bao gồm:
Thứ nhất, về giao dịch thu:
- Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP;
- Thu chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư;
- Thu chuyển khoản ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài;
- Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;
- Thu chuyển đổi ngoại tệ để thực hiện góp vốn đầu tư trong trường hợp đồng tiền góp vốn khác với đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở;
- Thu chuyển khoản tiền thặng dư vốn cổ phần từ việc phát hành thêm cổ phần mới để tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Thu chuyển khoản ngoại tệ thu được từ doanh thu bán sản phẩm dầu khí trong nước (sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và trừ đi các chi phí bằng đồng Việt Nam) theo quy định của pháp luật về dầu khí và Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (nếu có);
- Các khoản thu chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trừ trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
- Các khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai, về giao dịch chi:
- Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP, người điều hành dự án dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Chi bán ngoại tệ cho tổ chức túi dụng được phép để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP;
- Chi chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng ở nước ngoài hoặc chi bán ngoại tệ để thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam;
- Chi chuyển khoản lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài;
- Chi chuyển khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài trong trường hợp giảm vốn đầu tư, kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Chi chuyển đổi ngoại tệ để thực hiện chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong trường hợp đồng tiền chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khác với đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở;
- Các khoản chi chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trừ trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
- Các khoản chi hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- 5. Các giao dịch bằng đồng Việt Nam phải thực hiện thông qua DICA
Theo Điều 7 Thông tư 06/2019/TT-NHNN, các giao dịch bằng đồng Việt Nam sau của 3 nhóm đối tượng đã nêu trên bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản DICA bao gồm:
Thứ nhất, về giao dịch thu:
- Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP;
- Thu chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư theo quy định;
- Thu chuyển khoản lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP để thực hiện tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư tại Vệt Nam;
- Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Vệt Nam của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;
- Thu chuyển khoản tiền thặng dư vốn cổ phần từ việc phát hành thêm cổ phần mới để tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Các khoản thu chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
- Các khoản thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai, về giao dịch chi:
- Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại ngân hàng được phép của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP, người điều hành dự án dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Chi chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng tại Việt Nam hoặc chi mua ngoại tệ để thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng ở nước ngoài theo quy định;
- Chi mua ngoại tệ chuyển khoản để chuyển lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài;
- Chi chuyển khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư Việt Nam hoặc chi mua ngoại tệ để chuyển vốn đầu tư trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài trong trường hợp giảm vốn đầu tư, kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Các khoản chi chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài;
- Các khoản chi hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Công ty Luật FDVN
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn