Tôi rất yêu động vật và thường nhận nuôi những con vật bị bỏ rơi nên tôi khá rành về việc chăm sóc, chữa bệnh cho chó mèo. Học trường nông lâm nhưng khi ra trường thì thất nghiệp bạn tôi gợi ý tôi mở một cửa hàng bán thuốc thú ý tự kinh doanh, chủ yếu là cho chó mèo, gia cầm. Tôi muốn hỏi Quý công ty thủ tục mở cửa hàng này cần những gì?
Trả lời:
Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật FDVN (FDVN) – thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng. Đối với yêu cầu tư vấn của Quý khách, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có những trao đổi sau:
[1] Điều kiện buôn bán thuốc thú y
Theo Điều 92 Luật Thú y 2015 thì:
“Điều 92. Điều kiện buôn bán thuốc thú y
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp;
- Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y;
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.”
Theo Điều 17 Nghị định 35/2016/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật thú ý cũng quy định về điều kiện buôn bán thuốc thú y như sau:
“Điều 17. Điều kiện buôn bán thuốc thú y
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải theo quy định tại Điều 92 của Luật thú y và đáp ứng các Điều kiện sau đây:
- Có đủ quầy, tủ, giá kệ để chứa, đựng và trưng bày sản phẩm phải đảm bảo chắc chắn, dễ vệ sinh và tránh được những tác động bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, động vật gặm nhấm và côn trùng gây hại.
- Có trang thiết bị để bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm; có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi điều kiện bảo quản sản phẩm. Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản; có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm.”.
Như vậy, để có thể buôn bán thuốc thú y, Quý khách phải đáp ứng các điều kiện tại Luật Thú y năm 2015 và Nghị định 35/2016/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2018/NĐ-CP.
[2] Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thuốc thú y
Thứ nhất, về hồ sơ đăng ký:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận kinh doanh;
– Chứng chỉ hành nghề thú y.
– Mẫu đơn đăng ký cấp, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, nhập khẩu thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XX, XXXI ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT.
– Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật buôn bán, nhập khẩu thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT.
– Mẫu biên bản kiểm tra điều kiện buôn bán, nhập khẩu thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV và mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, nhập khẩu thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI, XXVII ban hành kèm theo Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT.
Thứ hai, trình tự đăng ký kinh doanh thuốc thú y
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ: tiến hành hồ sơ thủ tục đăng ký kinh doanh
Bước 2: Quý khách nộp hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ đến Cục thú y
Bước 3: Cục Thú y kiểm tra hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở nhập khẩu thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y;
Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Nhận kết quả tại Cục thú y
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.
Theo Thanh Trà – Công ty Luật FDVN