Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / ĐÀO TẠO CỬ NHÂN LUẬT KINH NGHIỆM TỪ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

ĐÀO TẠO CỬ NHÂN LUẬT KINH NGHIỆM TỪ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Tóm tắt:

Hiện nay, yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang ngày một cấp bách trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và xóa mờ biên giới các quốc gia trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Một trong những nhiệm vụ bức thiết đặt ra nhằm củng cố các chính sách xây dựng nhà nước pháp quyền chính là hoàn thiện quy chế đào tạo cử nhân luật, đặt nền tảng vững chắc để bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ, người hành nghề luật có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, việc đào tạo cử nhân luật tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.

Đào tạo cử nhân luật là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc đổi mới tư duy trong đào tạo cử nhân luật sẽ thúc đẩy rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ đổi mới và củng cố nền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhờ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu, trang bị các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ngay sau khi ra trường. Hiện nay, việc đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế, vẫn còn khá chú trọng lý thuyết, dẫn đến thời lượng thực hành không nhiều. Vì vậy, nhiều cử nhân luật ra trường không có đủ khả năng để hành nghề, phải học việc trong thời gian dài, không đáp ứng được nhu cầu công việc. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc đào tạo cử nhân luật, thiết nghĩ chúng ta cần phải thay đổi và cải cách phương thức và mô hình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của các nghề nghiệp, chức vụ liên quan đến pháp luật trong xã hội hiện đại.

Từ khóa: “cử nhân luật”, “đào tạo cử nhân luật”, “kinh nghiệm”

  1. Vai trò và ý nghĩa của việc đào tạo cử nhân luật

Tính đến năm 2020, cả nước ta có đến 60 cơ sở đào tạo ngành luật[1], tăng gần gấp 6 lần so với năm 2005[2], cho thấy nhu cầu dạy và học luật luôn không ngừng tăng cao. Điều này phản ánh nhu cầu tuyển dụng cử nhân luật trong các ngành, nghề liên quan đến ngành luật. Các cơ sở đào tạo luật cũng dần xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng, với mong muốn đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao của xã hội.

Với phương hướng được Đại hội Đảng đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, cụ thể: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính[3], có thể thấy trong nhiều năm liền, Đảng và Nhà nước luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo cử nhân luật càng cần được chú trọng, bởi nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh các mục tiêu xây dựng thể chế chính trị, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Một đội ngũ cán bộ có nền tảng lý luận sâu, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, phẩm chất trong sạch sẽ góp phần thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, phương hướng theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc đào tạo một thế hệ cử nhân luật với những phẩm chất trí tuệ và đạo đức tốt sẽ là nền tảng để hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của nền kinh tế – xã hội ngày nay kéo theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Như một kết quả tất yếu, quan hệ hợp tác của các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài… ngày càng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi những hành lang pháp lý mạnh mẽ và chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của các các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh Việt Nam trước sự biến động không ngừng của nền kinh tế thị trường. Muốn xây dựng, thực thi và áp dụng tốt những chính sách pháp luật đó, cần đào tạo và bồi dưỡng một thế hệ cử nhân luật được đào tạo bài bản cả về kiến thức lý luận lẫn kỹ năng hành nghề trong thực tiễn.

Như vậy, việc đào tạo cử nhân luật hiện nay đang là nhu cầu bức thiết, và chất lượng đào tạo cần được đặt lên hàng đầu để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hôi. Tuy nhiên, cử nhân luật hiện nay tại Việt Nam vẫn còn khá yếu kém trong kỹ năng hành nghề thực tiễn, nền tảng kiến thức chưa thực sự vững chắc, kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học còn rất nhiều hạn chế, gây khó khăn cho các cử nhân khi xin việc làm. Đây có thể là hậu quả của những quy chế đào tạo chưa thực sự bài bản và bám sát yêu cầu nghề nghiệp trong thực tế. Trong bối cảnh hội nhập, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo cử nhân luật sẽ đem lại những lợi ích nhất định để xây dựng các chiến lược đào tạo bài bản và phù hợp xu thế chung của thế giới.

  1. Một số mô hình đào tạo cử nhân luật từ các quốc gia trên thế giới

2.1. Đào tạo cử nhân luật tại Hoa Kỳ

Quy chế đào tạo cử nhân luật lại Hoa Kỳ có rất nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam về khung chương trình đào tạo, chất lượng giảng viên , chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra. Bằng cử nhân luật ở Hoa Kỳ là bằng sau đại học (bằng J. D – Juris Doctorate), có nghĩa là, muốn được học chương trình cử nhân luật, người học phải có sẵn một tấm bằng đại học ở bất kỳ chuyên ngành nào. Chương trình J.D kéo dài tối thiểu ba năm, vì vậy, người học phải mất ít nhất bảy năm mới có thể ra trường với tấm bằng cử nhân luật trên tay[4]. Chính vì là chương trình sau đại học, tấm bằng cử nhân luật ở Hoa Kỳ được xem là ngang với bằng tiến sĩ các ngành học khác[5]. Thông thường, các trường đào tạo ngành luật tại Hoa Kỳ không có sự phân ngành đối với ngành luật, trừ trường hợp các trường đại học lâu đời và có đủ uy tín, nguồn nhân lực để đào tạo riêng biệt một ngành học. Như vậy, trong năm đầu tiên, các trường luật đều dạy chung một khung chương trình với các học phần liên quan đến tài sản, hợp đồng, các vụ án dân sự, hình sự, tố tụng. Các môn học sẽ được giảng dạy bằng việc kết hợp hai phương pháp là giảng bài, đối thoại với sinh viên và nghiên cứu tình huống (case study). Theo đó, việc học theo nhóm và thực hành dưới sự dẫn dắt của giảng viên luôn được chú trọng và trở thành phương pháp học phổ biến nhất trong các trường luật tại Hoa Kỳ để đảm bảo chất lượng đầu ra là những cử nhân luật có khả năng tư duy và đàm phán độc lập, hướng đến nghề luật sư. Hầu hết các chương trình đào tạo cử nhân luật ở Hoa Kỳ đều hướng đến việc trang bị các kiến thức, kỹ năng và phẩm chất của một luật sư tương lai cho người học [6]. Tất cả các chương trình học tại Hoa Kỳ đều được giám sát bởi Liên Đoàn Luật sư Hoa Kỳ để đảm bảo chất lượng giảng viên, chương trình học khoa học, chặt chẽ và điều kiện vật chất của trường học[7].

2.2. Đào tạo cử nhân luật tại Pháp

Pháp là quốc gia có nền luật pháp lâu đời và phát triển nhất trong hệ thống dân luật. Vì vậy, quy chế đào tạo cử nhân luật ở Pháp có rất nhiều điểm mà Việt Nam ta đang tích cực học hỏi.

Về chương trình đào tạo, tương tự như Hoa Kỳ, chương trình đào tạo cử nhân luật ở Pháp có sự kết hợp giữa kiến thức lý luận và nghiên cứu các tình huống thực tiễn. Số tiết học sẽ được phân chia theo tỷ lệ 70% lý thuyết tại các giảng đường lớn (cours magistraux) và 30% nghiên cứu thực hành (travaux dirigés)[8]. Các chương trình đào tạo cử nhân luật của Pháp sẽ tập trung đào tạo kiến thức nền tảng và cơ bản cho sinh viên. Sau đại học, cử nhân luật ở Pháp có thể lựa chọn chương trình thạc sĩ hoặc đào tạo nghề luật sư, công chứng viên…[9]

Về thời lượng đào tạo, các trường đại học ở Pháp đều có thời gian đào tạo chung cho hệ cử nhân là 4 năm, khá tương đồng với Việt Nam ta hiện nay. Bên cạnh đó, tại Pháp, không có trường đại học chuyên ngành đào tạo luật mà chỉ có các khoa luật trực thuộc các trường đại học lớn [10].

Về chuẩn đầu vào, khác với Hoa Kỳ, các sinh viên ở Pháp chỉ cần có bằng baccalauréat (tương tự như tốt nghiệp trung học phổ thông tại Việt Nam) và ghi danh vào các trường đại học có đào tạo ngành luật thì có thể tiếp cận chương trình đào tạo cử nhân luật[11]. Cách thức thi đầu vào này tối giản hơn so với quy chế thi tại Việt Nam hiện nay. Về chuẩn đầu ra và đào tạo nghề sau đại học, chương trình đào tạo luật ở Pháp chú trọng công tác nghiên cứu, hướng đến việc hình thành các kiến thức nền tảng vững chắc để cử nhân luật trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu trong tương lai. Sau khi kết thúc chương trình đại học, cử nhân luật ở Pháp sẽ tiếp tục học các chương trình đào tạo luật sư, thẩm phán, công chứng viên[12].

2.3. Đào tạo cử nhân luật tại Trung Quốc

Tương tự với chương trình đào tạo ở Pháp, Trung Quốc – một quốc gia theo hệ thống pháp luật dân luật – cũng mở rộng chương trình đào tạo cử nhân luật cho học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đầu vào các trường đại học đào tạo luật. Thời lượng đào tạo luật ở Trung Quốc là 4 năm.

Việc đào tạo luật ở Trung Quốc cũng trải qua rất nhiều “thăng trầm”, cử nhân luật mới ra trường ở Trung Quốc cũng từng đối mặt với nạn thất nghiệp do chuẩn đầu ra chưa thực sự đạt được yêu cầu nghề nghiệp, và sự ảnh hưởng tiêu cực của các thể chế chính trị và sự cải cách văn hóa trong những năm 60 đến 80 của thế kỷ XX đã khiến việc đào tạo cử nhân luật ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn[13]. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã khắc phục những khó khăn này bằng những cải cách tiến chương trình và quy chế đào tạo luật từ những năm 1990 cho đến nay. Chương trình đào tạo luật ở Trung Quốc hiện tại có điểm nổi bật hơn hẳn so với Việt Nam, đặc biệt là sự chú trọng hợp tác quốc tế trong việc đào tạo[14]. Các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc thường mời các giáo sư từ Anh, Pháp và Mỹ đến thỉnh giảng, tạo ra môi trường đại học khá rộng mở, giúp sinh viên tiếp thu kiến thức luật pháp từ nhiều quốc gia khác nhau, làm phong phú chương trình học đồng thời nâng cao kỹ năng ngoại ngữ.

2.4. Đào tạo cử nhân luật tại Đức

Cũng giống như Pháp, Cộng Hòa Liên Bang Đức là một quốc gia điển hình cho hệ thống pháp luật dân luật. Các chương trình đào tạo luật tại Đức được phân chia làm hai phần riêng biệt, ít nhất 3,5 năm đào tạo kiến thức nền tảng, lý luận, và 2 năm đào tạo thực hành để bổ trợ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp[15].

Xu hướng đào tạo luật hiện nay ở Đức là đào tạo xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành, thay vì chú trọng lý thuyết như trước đây. Ở bậc đại học, các trường đại học có chuyên ngành luật ở Đức sẽ tập trung xây dựng kiến thức pháp luật cơ bản, khái quát, và khá toàn diện với các môn học bắt buộc và tự chọn. Các luật sư và các thẩm phán danh tiếng cũng được mời thỉnh giảng để tăng cường các bài học kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên[16].

Điểm mạnh của quy chế đào tạo cử nhân luật tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chính là tiêu chuẩn xét đầu ra khắt khe, đảm bảo đào tạo được những thế hệ cử nhân luật chất lượng. Hệ thống câu hỏi và thể lệ thi tốt nghiệp ngành luật ở Đức khá khắt khe đối với cử nhân luật, với thời gian thi kéo dài, được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Tư pháp mỗi bang. Vì vậy, chuẩn đầu ra của cử nhân luật ở Đức được đánh giá rất cao so với các quốc gia khác ở Châu Âu[17].

  1. Đào tạo cử nhân luật tại Việt Nam hiện nay

3.1. Thực trạng về quy chế đào tạo cử nhân luật tại Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 60 trường đại học đào tạo ngành luật, với các chuyên ngành được phân định rõ ngay từ khi thi tuyển: Luật học, Luật dân sự, Luật kinh doanh, Luật quốc tế, Luật thương mại, Luật thương mại quốc tế, Luật tài chính…

Về thời gian đào tạo, các trường đại học đào tạo luật tại Việt Nam đều áp dụng khung thời gian đào tạo 4 năm cho hệ cử nhân.

Về chương trình đào tạo, hiện nay Việt Nam áp dụng chương trình đào tạo khá tương đồng cho các trường luật với lượng kiến thức hàn lâm khá nặng. Chương trình học nhìn chung thường bắt đầu với các môn học mang tính lý luận nền tảng như Triết học, Lý luận về Nhà nước và Pháp luật, Lịch sử các học thuyết pháp lý, Những vấn đề chung về Luật dân sự… đến các môn học mang tính chuyên ngành sâu hơn như Hiến pháp Việt Nam, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật kinh doanh, Luật quốc tế, Luật so sánh, Tư pháp quốc tế, Luật hành chính, Luật hợp đồng, Luật hợp đồng thương mại quốc tế, Luật thương mại quốc tế… Các môn học nói trên không có sự đồng đều giữa các cơ sở đào tạo luật do đặc thù về việc phân chia chuyên ngành ngay từ đầu. Chương trình học của cử nhân luật Việt Nam hiện nay nặng về lý thuyết, chiếm khoảng 7 học kỳ trong suốt 4 năm học. Theo đó, sinh viên chỉ dành ra một học kỳ cuối cùng cho việc thực tập tại các cơ quan, tổ chức để tiếp xúc với các kiến thức thực tiễn. Việc quá chú trọng lý thuyết và không có sự đầu tư hợp lý cho các học phần thực hành là yếu điểm của quy chế đào tạo luật hiện nay ở Việt Nam.

Về chuẩn đầu vào, muốn trở thành sinh viên ngành luật ở Việt Nam, các học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông cần trải qua kỳ thi tuyển sinh khá gắt gao với điểm đầu vào dao động từ 15,50 đến 27,50 tùy theo từng trường[18]. Ngoài ra, một số trường cũng áp dụng quy chế xét tuyển thẳng, ví dụ Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển thẳng vào ngành luật với chỉ tiêu 20-30%, dành cho học sinh các trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu, đạt học sinh giỏi và hạnh kiểm tốt trong ba năm trung học phổ thông, đồng thời là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo luật Việt Nam chú trọng xây dựng kiến thức nền tảng cho sinh viên, chưa thực sự hướng đến đào tạo một ngành nghề cụ thể, để sinh viên chủ động lựa chọn một chức nghiệp nhất định sau khi ra trường như luật sư, thẩm phán, công chứng viên…

3.2. Đánh giá một số ưu điểm và nhược điểm của quy chế đào tạo cử nhân luật hiện nay ở nước ta

Về ưu điểm:

Về thời gian đào tạo, so với Hoa Kỳ, thời gian đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam ngắn hơn ba năm. Điều này giúp sinh viên rút ngắn thời gian học cử nhân để có thể tham gia làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên lựa chọn các chức nghiệp phù hợp sau khi ra trường và học tiếp chương trình đào tạo nghề trong một khoảng thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, về chuẩn đầu vào, các trường đại học có ngành luật hiện nay áp dụng quy chế thi hoặc xét tuyển đầu vào khá quy củ và chặt chẽ, với điểm số dao động từ 15,50 đến 27,50 tùy theo từng trường, giúp thí sinh chọn lựa được ngành học, trường học phù hợp với khả năng của mình. Đồng thời, quy chế khảo thí đầu vào cũng đánh giá được phần nào khả năng của thí sinh trong việc tiếp thu các kiến thức trung học phổ thông, chuẩn bị cho bốn năm đào tạo luật ở trường đại học.

Về chương trình đào tạo, chương trình đào tạo luật hiện nay phần nào đặt nền tảng kiến thức pháp luật tổng quát cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận các kiến thức lý luận theo từng môn học cụ thể. Quy chế thi cử được các trường đào tạo luật áp dụng hiện nay khá truyền thống, đều là những bài thi lý thuyết dưới dạng thi viết hoặc vấn đáp, vì vậy, kiến thức lý luận cho sinh viên cũng được củng cố qua từng học kỳ.

Về nhược điểm:

Bên cạnh các ưu điểm, quy chế đào tạo cử nhân luật hiện nay ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế và cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.

Chương trình học quá chú trọng lý thuyết, nặng nề về tính hàn lâm và chưa đi sâu thực hành khiến cho cử nhân luật gặp khá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn sau khi ra trường. Trong quá trình học tập, tính chủ động nghiên cứu và trải nghiệm nghề nghiệp của sinh viên bị hạn chế rất nhiều. Môi trường học tập khép kín, không có nhiều cơ hội để kiến tập và học hỏi từ các công việc thực tiễn liên quan đến luật cũng khiến cử nhân luật không có sự hình dung, định hướng rõ ràng trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Cử nhân luật hiện nay đều dành ra vài năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học để học việc tại các tổ chức hành nghề luật sư, hoặc phòng ban pháp chế trong các doanh nghiệp. Điều này cho thấy phần nào tình trạng không đáp ứng yêu cầu công việc của cử nhân luật tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng và cách tuyển chọn giảng viên cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy cử nhân luật hiện nay.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cử nhân luật hiện nay chưa chú trọng phát triển kỹ năng mềm cần thiết cho việc hành nghề luật sau khi ra trường. Việc đào tạo tin học, ngoại ngữ ở trường đại học hiện nay còn khá miễn cưỡng và chưa được đầu tư hợp lý, nặng nề lý thuyết và chưa chú trọng thực hành, dẫn đến nhiều cử nhân luật sau khi ra trường không đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ năng tin học văn phòng và ngoại ngữ của một số doanh nghiệp.

Một nhược điểm khá lớn của quy chế đào tạo cử nhân luật hiện nay ở Việt Nam là chuẩn đầu ra chưa thực sự hiệu quả. Không giống như ở Hoa Kỳ hay ở Pháp, các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam chưa vạch ra được chiến lược đào tạo để hướng đến việc định hình tác phong nhất định cho sinh viên đang theo học tại cơ sở của mình, dẫn đến nhiều sinh viên luật ra trường vẫn chưa định hướng được chức nghiệp phù hợp với mình. Bên cạnh đó, quy chế thi đầu ra của ngành luật vẫn chưa có sự đồng nhất giữa các trường đại học, dẫn đến sự chênh lệch về kiến thức giữa các cử nhân luật ở các trường khác nhau. Điều này phần nào gây khó khăn cho cử nhân luật khi tìm kiếm việc làm trong môi trường cạnh tranh công việc khá khắt nghiệt hiện nay.

  1. Một số kinh nghiệm rút ra từ các mô hình đào tạo cử nhân luật tại các nước trên thế giới

4.1. Về chương trình đào tạo

Từ thực trạng và bất cập trong chương trình đào tạo, có thể thấy việc cân bằng cả lý thuyết lẫn thực tiễn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho cử nhân luật sau khi ra trường. Hiện nay, việc đào tạo cử nhân luật còn thiếu các giáo cụ từ thực tiễn như các bản án, các loại hợp đồng, các bước thực hiện thủ tục hành chính… Để tạo sự hứng khởi cho người học, đồng thời giúp người học hình dung được những kiến thức sách vở sẽ được áp dụng như thế nào trong thực tế, giảng viên cần lồng ghép các vụ án, các hồ sơ thực tiễn liên quan đến môn học để giới thiệu với các sinh viên, và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, ngoài những tiết học lý thuyết, cần sắp xếp thêm những tiết học ngoại khóa để sinh viên thực hành diễn án, nghiên cứu bản án, soạn thảo hợp đồng, văn bản… với số tiết học hợp lý, bám sát thực tế hoạt động nghề nghiệp để người học dần làm quen với những công việc thực tiễn của một người hành nghề luật và các nghề cần kiến thức về pháp luật sau khi ra trường. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu từ quy chế đào tạo luật của Hoa Kỳ và Pháp – hai quốc gia đào tạo cử nhân luật hàng đầu hiện nay trên thế giới.

Ngoài ra, đào tạo ngành luật cũng cần sự chuyên môn hóa và tập trung vào những môn chuyên ngành mà sinh viên đang theo học. Các trường đại học đào tạo cử nhân luật cần chú trọng xây dựng các chiến lược tuyển dụng giảng viên theo chuyên ngành đào tạo, tránh trường hợp mất cân bằng chất lượng giảng viên ở các chuyên ngành. Nhiều trường đại học hiện nay vẫn chưa có các chiến lược thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến một số ngành học vẫn còn thiếu những giảng viên có trình độ cao[19]. Để khắc phục tình trạng này, mỗi trường đại học cần đề ra các định biên nhân và tiêu chí tuyển dụng giảng viên sự phù hợp với mục tiêu giảng dạy tại trường, tham vấn ý kiến từ Liên Đoàn luật sư, Hội đồng Thẩm phán… để xây dựng chương trình học vừa có tính lý luận, vừa bám sát thực tiễn hành nghề. Bên cạnh đó, nên khuyến khích tuyển dụng những luật sư có thâm niên trong hoạt động nghề nghiệp để giảng dạy một số bộ môn yêu cầu tính thực tiễn cao như tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, hợp đồng, kinh doanh, thương mại, đầu tư…

Ngoài việc cải tiến chương trình đào tạo, các trường đại học luật cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên các ngành luật, tạo sân chơi bổ ích để thúc đẩy người học chủ động khám phá kiến thức lý luận kết hợp với việc tìm tòi, góp nhặt những kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng soạn thảo văn bản, trình bày vấn đề… để hoàn thiện đề tài nghiên cứu của mình. Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, thiết nghĩ các công tác nghiên cứu khoa học, và các chương trình giảng dạy của các trường đại học luật trên cả nước cần được tham vấn bởi những luật sư có thâm niên hành nghề để đảm bảo việc đào tạo cần bằng cả kiến thức lý luận lẫn thực tiễn.

Một kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam nên học hỏi từ chương trình đào tạo của Trung Quốc chính là sự hợp tác quốc tế trong việc đào tạo luật, giúp sinh viên khám phá những kiến thức luật phong phú trên thế giới và tạo hứng khởi cho người học. Việc liên kết đào tạo cũng giúp sinh viên trau dồi kỹ năng mềm, sẵn sàng tham gia các khóa học ngoại khóa nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện phẩm chất của người học luật.

4.2. Về khung thời gian đào tạo

Để đạt được mục tiêu lồng ghép và cân bằng thực tiễn và lý luận, khung thời gian đào tạo cần được cải thiện để đảm bảo thời gian được phân chia một cách phù hợp, đảm bảo chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu của người học. Trong năm học đầu tiên, các môn học với kiến thức nền tảng cần được chú trọng đào tạo bài bản, làm cơ sở để người học tiếp thu các kiến thức và lý luận chuyên sâu trong ba năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian để người học được tiếp cận đồng thời lý thuyết, kiến thức lý luận có tính phương pháp và năng lực thực tiễn, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp[20].  Việc đào tạo thực tiễn cần được lồng ghép vào chương trình lý thuyết, chứ không chỉ tập trung hoàn toàn vào học kỳ cuối cùng (thực tập) như đại đa số các chương trình đào tạo cử nhân luật hiện nay. Thời gian đào tạo có thể được phân chia theo tỷ lệ 70% lý thuyết, 30% thực hành với các bài tập lớn, như kinh nghiệm đào tạo cử nhân luật từ Pháp.

4.3. Chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra

Quy định tuyển sinh và xét tuyển mà các trường đào tạo luật đang áp dụng hiện nay vẫn phù hợp để tuyển chọn sinh viên vào ngành luật. Theo tác giả, điểm số thi đầu vào của các trường luật vẫn cần được chú trọng, bởi nó phần nào phản ánh được tư duy và mức độ tiếp thu kiến thức, tính kỹ lưỡng khi làm bài thi của thí sinh trong những năm trung học. Đây là một trong những phẩm chất cần có của người hành nghề luật. Bên cạnh đó, cần áp dụng chuẩn đầu ra chặt chẽ và đồng nhất giữa các trường đại học, dưới sự giám sát chung của Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp, nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra đồng đều hơn. Chuẩn đầu ra cũng cần bổ sung thêm các tiêu chí về ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp để đánh giá mức độ mà các cử nhân luật có thể đáp ứng, khi yêu cầu nghề nghiệp liên quan đến luật đang ngày càng đa dạng và khắt khe.

Trong bối cảnh hội nhập văn hóa và kinh tế hiện nay, không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của các nền giáo dục trên thế giới đối với Việt Nam. Đặc biệt, đối với ngành luật, với thời lượng 4 năm học, việc đào tạo một thế hệ cử nhân chất lượng cao, có kiến thức lý luận sâu và kỹ năng linh hoạt, với các phẩm chất phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai đang là một bài toán khó với nền giáo dục đại học hiện nay ở nước ta. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm đào tạo cử nhân luật của các quốc gia trên thế giới, mỗi trường đại học cần xây dựng những chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài phù hợp. Bên cạnh đó, cần chú trọng vai trò của Liên đoàn Luật sư, Hội đồng Thẩm phán, Kiểm sát viên… trong việc hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo để lồng ghép các kỹ năng hành nghề thực tiễn vào kiến thức hàn lâm, tăng sự hứng khởi và nâng cao tính chủ động cho người học.

Bùi Trần Thùy Vy – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Mai Trâm (2019), “Danh sách các trường đào tạo ngành Luật ở Việt Nam”, https://edu2review.com/reviews/danh-sach-cac-truong-dao-tao-nganh-luat-o-viet-nam-10544.html, tham khảo ngày 26/12/2020

[2] Lê Tiến Châu (2005), “Thực trạng đào tạo cử nhân luật hiện nay của nước ta”, Tạp chí khoa học pháp lý, sô 4/2005.

[3] Xem “Dự Thảo Báo Cáo Tổng Kết Thực Hiện Chiến Lược Phát Triển  Kinh Tế – Xã Hội 10 Năm 2011 – 2020, Xây Dựng Chiến Lược  Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội 10 Năm 2021 – 2030” Của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa XII.

[4] Gs.Ts. Pamela Katz – Học Giả Chương Trình Fulbright Tại Việt Nam, 2012-2013, Ths. Lê Nguyễn Gia Thiện  – Giảng Viên Khoa Luật, Trường Đại Học Kinh Tế – Luật (2013),Khái Quát Về Đào Tạo Luật Tại Hoa Kỳ”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp, Số 23, Tháng 12/2013.

[5] Gs.Ts. Pamela Katz – Học Giả Chương Trình Fulbright Tại Việt Nam, 2012-2013, Ths. Lê Nguyễn Gia Thiện  – Giảng Viên Khoa Luật, Trường Đại Học Kinh Tế – Luật (2013), Khái Quát Về Đào Tạo Luật Tại Hoa Kỳ”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp, Số 23, Tháng 12/2013.

[6] Ts. Lê Thu Hà – Ts. Ngô Hoàng Oanh – Ts. Phạm Trí Hùng (2006), “đào tạo luật sư ở một số nước trên thế giới và những kinh nghiệm để hoàn thiện công tác đào tạo luật sư ở Việt Nam”, Tạp Chí Nghề Luật Số 3, Năm 2006.

[7] Gs.Ts. Pamela Katz – Học Giả Chương Trình Fulbright Tại Việt Nam, 2012-2013, Ths. Lê Nguyễn Gia Thiện  – Giảng Viên Khoa Luật, Trường Đại Học Kinh Tế – Luật (2013),Khái Quát Về Đào Tạo Luật Tại Hoa Kỳ”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp, Số 23, Tháng 12/2013.

[8] TS. Nguyễn Văn Quân – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Sơ lược về đào tạo Luật ở Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam”, tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, tham khảo ngày 26/12/2020.

[9] TS. Nguyễn Văn Quân – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Sơ lược về đào tạo Luật ở Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam”, tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, tham khảo ngày 26/12/2020.

[10] TS. Nguyễn Văn Quân – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Sơ lược về đào tạo Luật ở Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam”, tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, tham khảo ngày 26/12/2020.

[11] TS. Nguyễn Văn Quân – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Sơ lược về đào tạo Luật ở Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam”, tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, tham khảo ngày 26/12/2020.

[12] TS. Nguyễn Văn Quân – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Sơ lược về đào tạo Luật ở Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam”, tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, tham khảo ngày 26/12/2020.

[13] Carl Minzner (2013), “The Rise and Fall of Chinese Legal Education”, Tạp chí “Fordham International Law Journal”, Số 2, Tập 36.

[14] Zhizhou Wang, Sida Liu & Xueyao Li, “Internationalizing Chinese Legal Education in the Early Twenty-First Century”, trang 238

[15] ThS. Nguyễn Văn Nam – Khoa Luật Học viện An Ninh (2005), “Đào tạo luật và nghề luật ở Cộng Hòa Liên Bang Đức”, Tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp số 8/2005.

[16] ThS. Nguyễn Văn Nam – Khoa Luật Học viện An Ninh (2005), “Đào tạo luật và nghề luật ở Cộng Hòa Liên Bang Đức”, Tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp số 8/2005.

[17] ThS. Nguyễn Văn Nam – Khoa Luật Học viện An Ninh (2005), “Đào tạo luật và nghề luật ở Cộng Hòa Liên Bang Đức”, Tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp số 8/2005.

[18] Quỳnh Ny (2020), “Tổng hợp điểm chuẩn ngành Luật của các trường Đại học trên khắp cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020”, https://nhanlucnganhluat.vn/tin-tuc/tong-hop-diem-chuan-cua-nganh-luat-tren-khap-ca-nuoc-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2020.html, xem ngày 26/12/2020.

[19] Ts. Đinh Ngọc Thắng; Ts. Nguyễn Văn Đại (Gv Khoa Luật – Trường Đại Học Vinh) (2020) – “Tư Duy Về Đào Tạo Cử Nhân Luật: Thực Trạng Và Tiếp Tục Đổi Mới”, Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Vinh, Số 1b/2020.

[20] Ts. Đinh Ngọc Thắng; Ts. Nguyễn Văn Đại (Gv Khoa Luật – Trường Đại Học Vinh) (2020) – “Tư Duy Về Đào Tạo Cử Nhân Luật: Thực Trạng Và Tiếp Tục Đổi Mới”, Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Vinh, Số 1b/2020.

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan