Câu hỏi:
Chị gái tôi nghi ngờ chồng mình có mối quan hệ bất chính với đồng nghiệp trong công ty. Vì quá bức xúc nên chị tôi có rủ một người để đi đánh ghen. Tôi không biết là việc làm của chị tôi có vi phạm pháp luật không? Mong Quý công ty tư vấn.
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hành vi “Đánh ghen” và chưa có bất kỳ một chế tài cụ thể nào áp dụng cho hành vi này. Đây chỉ là cách gọi trong đời sống khi một người có lời nói, hành động quá khích đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng mình. Đối với những lời nói, hành động này nếu vượt quá chuẩn mực của xã hội, thuộc một trong những hành vi mà pháp luật cấm hoặc có những tình tiết khác cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ mà hành vi “Đánh ghen” có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Thứ nhất, Các trường hợp “Đánh ghen” có thể bị xử lý vi phạm hành chính (Theo quy định tại Điều 5 – Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;…
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;…
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau; Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;…
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ;
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Như vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi và phương tiện, tang vật thực hiện hành vi của chị gái Anh/chị mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó nếu chưa đủ cấu thành tội phạm. Mức xử phạt thấp nhất là cảnh cáo và mức phạt cao nhất là 5.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Thứ hai, Các trường hợp “Đánh ghen” có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Hành vi “Đánh ghen” thường là các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác. Chính vi vậy, tùy vào mức độ hành vi đã thực hiện và hậu quả gây ra, các hành vi này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các dấu hiệu cấu thành các tội phạm sau đây:
Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)): Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 2,3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)):
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp Thuộc Khoản 1 Điều này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;…Có thể bị phạt tù từ 02 năm đến mức cao nhất là chung thân tùy vào mức độ nguy hiểm, tình tiết được quy định cụ thể trong Điều này. Ngoài ra, người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)):
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Như vậy, nếu chị của Anh/chị có những lời nói, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, của người nghi là ngoại tình với chồng mình, tùy theo tính chất, mức độ và căn cứ vào các tình tiết khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo các quy định nêu trên.
Thứ ba, hiện nay, để đảm bảo chế độ hôn nhân một vợ một chồng, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể đối với những người vi phạm chế độ này.
Theo đó:
[1]. Những người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, ngày 24/09/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình:
Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
[2]. Đồng thời, pháp luật hình sự Việt Nam cũng đã quy định rõ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng nếu có các dấu hiệu, dẫn đến các hậu quả quy định tại Điều 812 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì có thể cấu hành Tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Chính vì vậy, nếu chị gái của Anh/chị nghi chồng mình có mối quan hệ bất chính với người khác có một trong các trường hợp được quy định tại quy định trên thì chị có thể thu thập chứng cứ, chứng minh về mối quan hệ đó và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Đó là một cách “Đánh ghen” văn minh.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương
Công ty Luật FDVN