Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Dân bức xúc vì tranh tụng… một mình: Động thổ, khởi công đi được, sao không đối thoại với dân?

Dân bức xúc vì tranh tụng… một mình: Động thổ, khởi công đi được, sao không đối thoại với dân?

Việc chủ tịch hoặc đại diện UBND các cấp không ra tòa, không đối thoại là câu chuyện kéo dài đã nhiều năm nay. Các cuộc giám sát liên tiếp được thực hiện, hàng loạt kiến nghị được đưa ra, nhưng tại sao tình trạng này vẫn tồn tại, trở thành rào cản trong giải quyết án hành chính ?

Bận quá nhiều việc

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH), lý do chính được viện dẫn khi chủ tịch hoặc người đại diện UBND các cấp không tham gia phiên tòa, không tham gia đối thoại là do “bận công tác”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi quy định của luật Tố tụng hành chính chỉ cho phép chủ tịch UBND được ủy quyền cho các phó chủ tịch, thay vì có thể ủy quyền đến tận cán bộ chuyên môn như trước đây.

Chia sẻ với khó khăn trên, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp năm 2018, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, mỗi năm TP.HCM và Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính; tính trung bình mỗi ngày 3 vụ, đồng nghĩa phải có 3 chủ tịch hoặc phó chủ tịch ra tòa. Như vậy là khó khả thi, bởi “thời gian vật chất chỉ 24 tiếng, dù trách nhiệm bao nhiêu cũng không đủ”, ông Bình nói.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí khi trả lời chất vấn hồi tháng 3 vừa qua cũng cho biết, khi còn giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mỗi năm ông ký khoảng 3.500 quyết định giải quyết khiếu nại hành chính. Nếu phải đối thoại từng đó quyết định, tương ứng 3.500 cuộc gặp, thì sẽ không còn thời gian để làm việc. “Nói sòng phẳng thì chủ tịch phải đối thoại, phải tham gia phiên tòa; nhưng với thực tiễn của quản lý nhà nước ở địa phương, đặc biệt những nơi đang phát triển (số lượng án hành chính nhiều – PV) thì hình như nó không khả thi”, ông Trí nói.

Từ thực tiễn địa phương, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái Lê Thái Hưng cho biết, để giải quyết một vụ án hành chính cần rất nhiều thời gian. Nếu đúng và đủ, chủ tịch UBND sẽ phải đến tòa khoảng 3 – 4 lần cho mỗi vụ, trong khi khối lượng công việc ở chính quyền rất nhiều, nên rất khó để họ tham gia thường xuyên.

“Mỗi năm chỉ cần khoảng 100 vụ trở lên, UBND thành phố hoặc tỉnh dù có dành riêng một phó chủ tịch để tham gia tòa hành chính thì cũng không thể đủ”, ông Hưng ví dụ.

Không thể đổ lỗi hết cho khách quan

Tuy nhiên, phân tích về sự tham gia tố tụng hành chính của chủ tịch UBND các cấp, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra một nghịch lý: có địa phương số lượng án hành chính lớn nhưng chủ tịch UBND vẫn tham gia nghiêm túc; ngược lại có địa phương dù số lượng án rất ít nhưng chủ tịch UBND thường xuyên vắng mặt, thậm chí vắng 100%.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng: “Cứ đổ lỗi hết cho khách quan thì không phải, mà còn do trách nhiệm của ông chưa cao”. Theo ông Long, khi xây dựng luật Tố tụng hành chính, QH đã rất cân nhắc, tính toán rất kỹ, thậm chí có cả tổng kết để đi đến quyết định buộc chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch theo ủy quyền phải trực tiếp ra tòa. “Luật đã quy định như thế rồi, thực tế không thiếu gì cách cả”, ông Long nêu quan điểm.

Dù rất chia sẻ với những khó khăn của chủ tịch UBND các cấp khi không thể ra tòa thường xuyên, nhưng ông Lê Thái Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, cả năm mà không tham gia lần nào thì cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật cũng như thiện chí giải quyết vụ việc của cơ quan hành chính nhà nước. “Đồng ý là bận, nhưng một năm cả ngàn vụ mà không tham gia bất kỳ vụ nào là không hợp lý, quá bận thì chí ít cũng có thể tham gia 10 – 20 vụ”, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái nói.

Lời ông Hưng gợi nhớ đến phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp toàn thể năm 2018. Khi ấy, bà Nga đề cập tới 260 vụ án hành chính ở TP.HCM trong 3 năm (từ 2015 – 2017) nhưng chủ tịch hoặc người đại diện UBND các cấp không tham gia phiên tòa, cũng không đối thoại bất cứ vụ nào.

“Như vậy có phải do không đủ số cấp phó? Ít ra cũng phải tham gia được mấy vụ. Như vậy chúng ta có tôn trọng luật của QH không? Chẳng lẽ trong 3 năm trời ở một thành phố lớn không cử được một phó chủ tịch nào cả? Chúng tôi xem tivi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, dự hội nghị ngành nọ, ngành kia. Sao không tham gia đối thoại độ 10 vụ để gọi là có tham gia?”, bà Nga nói, và cho biết đây là câu hỏi được cử tri phản ánh với đại biểu QH.

“Đang lúng túng, chưa nghĩ ra”

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH hồi tháng 3 vừa qua, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận việc chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia xét xử, không cung cấp chứng cứ cho người dân theo yêu cầu của luật là những hạn chế chính làm cho án hành chính hiện nay không như mong muốn. Tuy nhiên, giải quyết tình trạng này thế nào thì ông Bình chưa có giải pháp.

Ông Bình cho biết, khi bàn về luật Tố tụng hành chính, câu chuyện ủy quyền cũng đã được QH nhiệm kỳ trước đặt ra. “Chỉ có 2 việc thôi: Nếu ông ra quyết định hành chính đúng thì ông phải ra tòa giải thích cho dân. Còn nếu ông ra quyết định hành chính sai thì phải sửa theo phán quyết của tòa. Việc yêu cầu chủ tịch UBND phải ra tòa là muốn đề cao trách nhiệm của chủ tịch trước khi ra quyết định phải cân đong, đo đếm thật kỹ, để đừng có sai. Còn nếu sai thì ông phải ra xử, không ủy quyền cho ai cả”, ông Bình nói. Tuy vậy, người đứng đầu ngành tòa án nói, ông không đặt ra việc phải sửa luật để thay đổi quy định về ủy quyền. Đó là việc “QH tổng kết và có quyết định”.

Sự phân vân của Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng được Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí chia sẻ. Tại phiên chất vấn hồi tháng 3, ông Trí nói cũng “đang lúng túng” và “chưa nghĩ ra” giải pháp nào là hợp lý cho vấn đề này.

“Bây giờ chọn giải pháp là sửa để có chế tài yêu cầu chủ tịch UBND phải ra tòa, phải đối thoại hay sửa cho phép chủ tịch UBND được ủy quyền thì tới giờ này, tôi cũng chưa nghĩ ra là nên nghiêng theo phía nào cho hợp lý”, ông Trí phân trần.

Theo ông, điều 60 của luật Tố tụng hành chính vẫn cho phép vắng mặt nhưng nếu bị lợi dụng, vắng mặt nhiều thì không được. Ngược lại, thực tế rất nhiều trường hợp không thể dự được mà có chế tài thì “hình như cũng không hợp lý”. “Đây đang là một khó khăn trong pháp lý”, ông Trí thừa nhận.

Trong lúc những người đứng đầu ngành tư pháp vẫn đang phân vân tìm lời giải tháo gỡ những ách tắc của án hành chính thì thực tế vẫn đang diễn ra. Dù luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực hơn 7 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp QH đã tổ chức giám sát chuyên đề và có nhiều kiến nghị cụ thể, song đến nay những tồn tại của án hành chính “vẫn tiếp tục kéo dài, chậm chuyển biến”.

(còn tiếp)

Vẫn còn nể nang, tác động

Ngoài trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật, tình trạng chủ tịch hoặc đại diện UBND các cấp không chịu ra tòa trong suốt nhiều năm khiến nhiều người băn khoăn: Liệu có sự nể nang của tòa án đối với chủ tịch hoặc UBND các cấp hay không?

Năm 2019, giải trình về những vướng mắc trong xét xử án hành chính, Phó chánh án thường trực TAND tối cao Lê Hồng Quang (nay là Bí thư Tỉnh ủy An Giang) phân trần rằng việc triệu tập chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu ra tòa là “cực khó”. Những người này nghĩ rằng “ông chủ tịch, phó bí thư tỉnh nằm trong thường trực tỉnh ủy mà phải đến tòa để thẩm phán trung cấp xét xử thì vị thế mình bị thấp”; chưa kể “ông chủ tịch to như thế mà thẩm phán bé như thế, không nể sao được”. Cũng vì những điều vừa nêu, lãnh đạo tỉnh thường không đến tòa, khiến không thể đối thoại, không thể cung cấp chứng cứ, kéo theo tòa phải hoãn nhiều lần, chất lượng xét xử cũng thấp xuống.

Bốn năm sau, tại phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao hồi tháng 3 vừa qua, đại biểu QH một lần nữa đề cập tình trạng án hành chính bị hủy, sửa còn cao, liệu có phải do thẩm phán nể nang, vì bên bị kiện chủ yếu là các cơ quan nhà nước? Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận việc nể nang là có thật nhưng không nhiều; tuyệt đại đa số thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc. Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng thừa nhận, án hành chính phức tạp ở chỗ người bị khởi kiện là cơ quan nhà nước và người có chức vụ trong cơ quan nhà nước. “Trong quá trình giải quyết, nếu nói không cả nể thì không đúng. Chúng tôi đã đưa ra xét xử nhiều vụ án hành chính nhưng yếu tố cả nể là có, yếu tố bị tác động là có”, ông Trí nói trước QH.

Link bài báo: Dân bức xúc vì tranh tụng… một mình: Động thổ, khởi công đi được, sao không đối thoại với dân?

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan