TBCKVN – Trước khi quyết định hủy kết quả đấu thầu dự án Nhà máy nước Hòa Liên hơn 1.000 tỷ đồng, TP Đà Nẵng đã có văn bản tham vấn Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KHĐT) cũng như Sở Tư pháp Đà Nẵng về mặt pháp lý.
Theo tìm hiểu của Thời báo Chứng khoán Việt Nam, ngày 2/12/2019, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng có văn bản 2498/BDDCN-KH gửi Cục Quản lý đấu thầu đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu, liên quan kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu Công ty Đại Việt.
Tiếp đó, ngày 24/12/2019, UBND TP Đà Nẵng có công văn chỉ đạo Sở Tư pháp TP tham mưu về các vấn đề khiếu nại liên quan dự án Nhà máy nước Hòa Liên, trong đó có nội dung liên quan hồ sơ Công ty Đại Việt. Hai cơ quan này sau đó có văn bản nêu các cơ sở phù hợp trong hồ sơ của nhà thầu Đại Việt.
Bộ, Sở nói gì về hồ sơ nhà thầu Đại Việt?
Ngày 3/12/2019, trong công văn phúc đáp gửi Ban, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1 và Điều 128 khoản 2 điểm a) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yếu tố khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm.
Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Sở Tư pháp TP Đà Nẵng có văn bản cho biết có cơ sở khẳng định hồ sơ của nhà thầu Đại Việt phù hợp với quy định pháp luật hiện hành
“Theo đó, trường hợp việc ký hợp đồng sử dụng thầu phụ giữa công ty Wase (nhà thầu chính) với công ty Đại Việt (nhà thầu phụ) để thực hiện khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự toán dự án mở rộng nhà máy nước Dĩ An là phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế công ty Đại Việt đã thực hiện hoàn thành khối lượng công việc của hợp đồng, được chủ đầu tư xác nhận cũng như có đầy đủ thông tin làm bằng chứng trong việc thực hiện công việc khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán thì công ty Đại Việt có thể sử dụng hợp đồng này chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự cho các gói thầu tiếp theo”, Cục Quản lý đấu thầu nêu.
Ngày 3/1/2020, Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng có văn bản gửi UBND TP nêu ý kiến về các vấn đề khiếu nại liên quan gói thầu này. Trong văn bản do PGĐ Sở Tạ Tự Bình ký, Sở này cho rằng hồ sơ của công ty Đại Việt là phù hợp.
“Có cơ sở để khẳng định Công ty Đại Việt là nhà thầu tư vấn thiết kế phụ dự án mở rộng nhà máy nước Dĩ An theo hợp đồng thầu phụ số 16/2018/HĐ-WASE-DAIVIET. Điều này có nghĩa là Công ty Đại Việt được sử dụng hợp đồng này để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự cho gói thầu Nhà máy nước Hòa Liên”, Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết.
Doanh nghiệp có thể khởi kiện
Trao đổi với PV, luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng) cho biết theo quy định, mọi hành vi, quyết định hủy thầu, thay đổi lại kết quả đấu thầu vì lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp khác sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình, đồng thời hiện nay luật quy định rõ nếu việc hủy thầu trái pháp luật thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra theo quy định tại khoản 10 Điều 73 , khoản 9 Điều 74 Luật đấu thầu năm 2013. Trong trường hợp này, Công ty Đại Việt hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư Hậu cho rằng, Khoản 36 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định cách để xác định một nhà thầu phụ được quy định là “Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng đã ký với nhà thầu chính”. Như vậy, nếu trong dự án trước đó, Công ty Đại Việt đã ký kết hợp đồng thầu phụ với nhà thầu chính, đã được cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu chính xác nhận tư cách nhà thầu phụ, có đầy đủ hồ sơ làm bằng chứng cho việc thực hiện công việc trên thực tế thì họ đủ điều kiện đã thực hiện gói thầu tương tự theo luật định. Từ đó luật sư này cho rằng việc hủy thầu là rất có vấn đề và cần phải cẩn trọng xem xét lại.
Luật sư Trần Hậu: Khi bị hủy thầu mà không được xem xét, xử lý để đảm bảo quyền lợi của DN dự thầu thì DN có quyền khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi của mình
“Chúng tôi cho rằng cơ quan chuyên môn là Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến rất phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó Sở Tư pháp Thành phố Đà Nẵng khẳng định tại Công văn số 32/STP-XDKTVB, ngày 03/01/2020 rằng công ty Đại Việt được sử dụng hợp đồng này để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự cho gói thầu Nhà máy nước Hòa Liên.
Hiện nay không có quy định nào của pháp luật bắt buộc rằng trên bản vẽ thiết kế cuối cùng thầu chính bàn giao cho chủ đầu tư phải có chữ ký, con dấu của nhà thầu phụ. Trách nhiệm của nhà thầu phụ chỉ chịu trách nhiệm chính trước nhà thầu chính. Do đó, theo chúng tôi nếu thực sự có việc lấy lý do nhà thầu phụ không thể hiện việc ký vào bản vẽ thiết kế trước đó mà họ đã tham gia thực hiện để hủy kết quả thầu với dự án mới là hoàn toàn không thuyết phục.
Trao đổi với PV, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Ban này có quyết định hủy thầu từ chỉ đạo của TP sau khi xem xét ý kiến của Sở Xây dựng Đà Nẵng. Cụ thể, Sở Xây dựng cho rằng: Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì không có cơ sở xác định Công ty Đại Việt là nhà thầu tư vấn phụ thiết kế công trình Mở rộng nhà máy nước Dĩ An nâng thêm công suất 100.000m3/ngđ.
Lý do là trong hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình này không có tên, chứ ký của nhân sự có liên quan và dấu của Công ty Đại Việt. |
Cao Thái – Thời báo chứng khoán