Tôi có biết phương pháp cúng sao giải hạn do hay đi chùa, nên năm nào vào dịp đầu năm cũng cúng cho bà con hàng xóm và họ hàng mỗi khi nhờ giúp. Tôi chỉ lấy tiền để mua hoa quả, dụng cụ để cúng, hoàn toàn không lấy phí cúng dường, đa số là bà do tự nguyện cho coi như mời ăn sáng cà phê. Tuy nhiên, trong đầu năm nay, có một vài người tới, tự xưng là công an trật tự, yêu cầu tôi không được phép cúng sao nữa, nếu tiếp tục thì sẽ bị mời lên phường và xử phạt. Tôi muốn hỏi Luật sư là trong trường hợp này, tôi nếu vẫn cúng cho bà con theo hình thức trên, thì có bị xử phạt như lời cán bộ phường nói không? Nếu bị ohatj thì mức xử phạt là bao nhiêu? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Cúng sao, giải hạn có phải là mê tín dị đoan?
Việc cúng sao hạn không còn là điều xa lạ của người dân Việt Nam, theo quan niệm của dân gian, thì mỗi năm sẽ có một ngôi sao chiếu mạng, có sao xấu, sao tốt khác nhau. Nếu người nào gặp sao xấu thì sẽ đi cúng giải hạn để phần nào hạn chế được những điềm xấu mà sao chiếu mạng sẽ gây nên. Đây là tín ngưỡng dân gian tồn tại lâu đời bắt nguồn từ nhiều nguyên lý giải thích khác nhau. Tuy nhiên, nó đã bắt nguồn từ xa xưa, trở thành một phần trong tiềm thức của người dân. Theo Khoản 1 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo về tín ngưỡng: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.”
Mê tín dị đoan được hiểu là việc dùng bói toán, đồng bóng, yểm bùa, gọi hồn,… lợi dụng lòng tin của một bộ phận để thu tiền, trục lợi.
Những biểu hiện tin và làm theo những điều phản khoa học, vô lý, ảnh hưởng tâm lý của bản thân con người và xã hội thường là yểm bùa, bói toán, chữa bệnh bằng các phương pháp cúng dường,…
Như phân tích ở trên, sao hạn là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời, cúng sao hạn cũng là một trong những tập quán mà ông bà xưa thực hiện, nhằm để có sự bình an hơn về tinh thần, cầu mong cho một năm an lành sung túc. Chỉ những biến tướng về sao hạn như: nếu không cúng thì bị gặp nạn, lấy tiền để cúng thần linh… thì mới được xem là những trò mê tín, lừa bịp.
[2]. Mức xử phạt hành chính với các công việc mang tính chất mê tín dị đoan
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về nếp sống văn hóa:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
- b) Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.”
Như vậy, theo quy của pháp luật, thì những hành vi được cho là mê tín dị đoan như trên có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, vì bạn chỉ cúng giúp cho bà con hàng xóm và người dân trong gia đình, không thu phí và không xem bói, biến tướng việc cúng sao hạn, vậy nên bạn có thể giải trình với cán bộ để có cách giải quyết phù hợp.
Trên đây là ý kiến pháp lý của FDVN trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Tư vấn bởi Ngô Thị Mỹ Trâm – Công ty Luật FDVN