CÔNG TY SẢN XUẤT HÀNG MAY MẶC CÓ BẮT BUỘC PHẢI MUA BẢO HIỂM CHÁY NỔ BẮT BUỘC?
Công ty B chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc, với nhà máy đặt tại tỉnh T, quy mô 2.000.000 sản phẩm/năm với khối tích nhà máy là 1.500 m3, tổng giá trị tài sản phân xưởng may mặc là 44 tỷ đồng, bao gồm nhà xưởng, công trình phụ của nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, thành phẩm và các tài sản khác…
Cuối tháng 3 năm 2019, Công an PCCC huyện D, thuộc tỉnh T đến kiểm tra PCCC định kỳ hằng quý đối với nhà máy Công ty B và phát hiện Công ty này chưa mua Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Công ty B bị phạt với số tiền là 75.000.000 đồng với hành vi vi phạm nói trên. Công an PCCC huyện D yêu cầu Công ty B phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Công ty B yêu cầu tư vấn về đối tượng phải mua Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, mức phí, mức khấu trừ phí bảo hiểm và số tiền phạt áp dụng khi không tuân thủ quy định về việc mua Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Dựa trên yêu cầu tư vấn của Công ty B, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật Công ty Luật FDVN (FDVN) đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, về đối tượng phải tham gia Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2018/NĐ-CP, ngày 23/2/20108 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, dẫn chiếu đến Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có), đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc bao gồm:
“18. Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.”
Trong đó, theo điểm c, mục C.2, phụ lục C, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình số QCVN 06:2010/BXD, quy định về một số nhà và gian phòng thuộc các phân xưởng, nhà kho, bộ phận sản xuất được phép phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ hạng C: “Phân xưởng dệt và may mặc”
Như vậy, nhà máy may mặc đặt tại tỉnh D của Công ty B thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Thứ hai, về mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ phí bảo hiểm.
- Về mức phí bảo hiểm:
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:
“a) Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.”
Theo đó, khoản 1 Mục I Phụ lục II, quy định như sau:
“1. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng, mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm. Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn tỷ lệ phí bảo hiểm sau:
TT | Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ | Mức khấu trừ (loại) | Tỷ lệ phí bảo hiểm /năm (%) |
18 | Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính | ||
18.1 | a) Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C (trừ công trình sản xuất gỗ, giầy) | B | 0,2 |
b) Công trình sản xuất gỗ | 0,5 | ||
c) Công trình sản xuất giầy | 0,35 |
Như vậy, Công ty B thuộc đối tượng quy định tại điểm a mục 18.1 mục 1 Phụ lục II có tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,2%/năm. Tổng giá trị tài sản bảo hiểm của bảo hiểm của Công ty B là 44 tỷ đồng, phí bảo hiểm tối thiểu với khối tài sản này là:
44 tỷ đồng x 0,2% = 88.000.000 đồng (chưa tính thuế GTGT)
- Về mức khấu trừ phí bảo hiểm:
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về mức khấu trừ phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:
“a) Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm mức khấu trừ bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro và lịch sử xảy ra tổn thất của từng cơ sở.”
Theo đó, điểm c khoản 1 Mục II Phụ lục II, quy định như sau:
- c) Trong mọi trường hợp, mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại điểm a và điểm b khoản này không thấp hơn mức khấu trừ bảo hiểm sau:
Đơn vị tính: triệu đồng
Số tiền bảo hiểm | Mức khấu trừ bảo hiểm |
Đến 2.000 | 4 |
Trên 2.000 đến 10.000 | 10 |
Trên 10.000 đến 50.000 | 20 |
Trên 50.000 đến 100.000 | 40 |
Trên 100.000 đến 200.000 | 60 |
Trên 200.000 | 100 |
Như vậy, Công ty B có số tiền bảo hiểm là 44 tỷ đồng thuộc nhóm trên 10 tỷ đến 50 tỷ, có mức khấu trừ bào hiểm không thấp hơn 20% số tiền bảo hiểm.
44 tỷ đồng x 20% = 8,8 tỷ đồng
Thứ ba, về mức phạt đối với hành vi không tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Theo điểm a Khoản 2 Điều 46 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
“a) Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định;”
Như vậy, mức phạt mà Công an PCCC huyện D, thuộc tỉnh T đưa ra đối với hành vi không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Công ty B là vượt quá quy định pháp luật về mức phạt tiền đối với hành vi này.
Theo CVPL: Bùi Trần Thùy Vy – Công ty Luật FDVN
……………………………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/