Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Công ty có được nợ lương, chậm trả lương cho người lao động hay không ?

Công ty có được nợ lương, chậm trả lương cho người lao động hay không ?

Tôi là chủ của một Doanh nghiệp tư nhân, trong thời gian gần đây do làm ăn thua lỗ nên tôi không xoay kịp nguồn kinh phí để chi trả cho 30 nhân viên đang làm trong công ty của mình. Với tình hình hiện nay thì trong thời gian tới tôi không thể trả lương đúng hạn cho nhân viên của mình được. Vậy cho tôi hỏi Doanh nghiệp của tôi được nợ lương hay không và được nợ lương của người lao động trong thời gian bao lâu? Nếu hết thời gian đó tôi vẫn không thể thanh toán lương cho nhân viên của mình thì có thể bị xử lý như thế nào? Mong Quý Công ty sớm phản hồi.

Tôi chân thành cảm ơn !

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1]. Công ty có được nợ lương của người lao động hay không ?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2012 thì:

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

  1. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
  2. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”

“người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.” theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2012.

Bên cạnh đó, Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động trả lương cho người lao động bằng hình thức sau:

1. Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:

  1. a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
  2. b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
  3. c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
  4. d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
  5. Tiền lương theo sản phẩm được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
  6. Tiền lương khoán được trả căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Đặc biệt tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 có quy định rõ về nguyên tắc trả lương cho người lao động: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Nguyên tắc trả lương cho người lao động này được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động theo đó:

“Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

  1. a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
  2. b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”

Do đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật như trên thì Công ty của Anh/Chị chỉ khi bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc có lý do bất khả kháng khác mà Anh/Chị đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì mới được chậm trả lương và phải trả tiền lãi chậm trả như quy định nêu trên.

[2]. Xử lý doanh nghiệp chậm trả lương, nợ lương của người lao động

Căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động nếu có hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động sẽ bị xử phạt như sau:

“a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

  1. b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  2. c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  3. d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Vậy, Công ty của Anh/Chị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trả lương không đúng hạn. Nếu không trả lương đúng hạn cho 30 nhân viên đang làm việc cho công ty của mình thì sẽ phải chịu mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý Khách.

Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan