Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / CÓ GHI TÊN CÁC THÀNH VIÊN HỘ GIA ĐÌNH TRONG GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT?

CÓ GHI TÊN CÁC THÀNH VIÊN HỘ GIA ĐÌNH TRONG GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ, là chứng thư có giá trị pháp lý xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất về quyền hạn và nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai. Một thuật ngữ liên quan mật thiết là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (tức sổ hồng). Khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và Nhà nước là chủ thể đại diện duy nhất và tuyệt đối của quyền sở hữu đất đai.

Liên quan đến thông tin có ghi tên các thành viên hộ gia đình trong GCNQSDĐ, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai tại khoản 5 Điều 6 chương III quy định về ghi thông tin trên GCNQSDĐ đối với hộ gia đình thì “c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi“Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”.

Hiện nay tồn tại nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định ghi thông tin trên GCNQSDĐ của hộ gia đình theo đó khi ghi tên thông tin tất cả các thành viên hộ gia đình như trong sổ hộ khẩu gia đình, bởi theo quy định của Luật Cư trú, sổ hộ khẩu là giấy tờ quản lý hành chính về mặt cư trú, nơi ở (nơi thường trú) của công dân; sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Hộ gia đình trong sổ hộ khẩu là các cá nhân trong cùng một gia đình có chung địa chỉ đăng ký thường trú, không có ý nghĩa xác định về mặt sở hữu tài sản chung như hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự hay hộ gia đình sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Từ trước đến nay hầu hết trong các giao dịch đặc biệt là giao dịch giữa công dân với các cơ quan, tổ chức nhà nước đều sử dụng sổ hộ khẩu gia đình làm căn cứ,vì vậy ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình như sổ hộ khẩu là hợp lí.

Qua nghiên cứu Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, chúng tôi thấy quy định ghi tên các thành viên hộ gia đình trong GCNQSDĐ là ghi tên chủ hộ gia đình (hoặc người đại diện) và “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Những thành viên khác có tên trong hộ khẩu nhưng không có chung quyền sử dụng đất thì không được ghi tên trong sổ đỏ.  Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai quy định “hộ gia đình sử dụng đất” là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Do đó, quy định trên của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đã làm minh bạch, rõ ràng hơn về quyền sử dụng đất được nhà nước công nhận, ngăn chặn tình trạng sửa chữa, tấy xóa, tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất. Đồng thời trong sổ đỏ sẽ chỉ ghi đầy đủ tên các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp là đất “Hộ gia đình”, tức tài sản đó được xác định là của chung nhiều người trong gia đình. Khi đi đăng ký để được cấp GCNQSDĐ hộ gia đình có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc ghi tên các thành viên trong GCNQSDĐ.

Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng những quy định trong Thông tư 33/2017 về việc ghi thông tin trên GCNQSDĐ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta hiện nay.

 TRẦN VĂN HÙNG – Tòa án Quân sự Khu vực 1, Quân khu 4

NGUỒN: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/co-ghi-ten-cac-thanh-vien-ho-gia-dinh-trong-giay-chung-nhan-quyen-s-dung-dat/HkdxySz-G.html 

Bài viết liên quan