Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Có được Sang tên “Sổ đỏ ” khi có thành viên trong hộ gia đình phản đối?

Có được Sang tên “Sổ đỏ ” khi có thành viên trong hộ gia đình phản đối?

    Có được Sang tên “Sổ đỏ ” khi có thành viên trong hộ gia đình phản đối?

 Số đỏ nhà tôi được cấp cho hộ gia đình và mẹ tôi đứng tên chủ hộ, nay mẹ tôi muốn sang tên sổ đỏ cho tôi nhưng anh trai tôi không đồng ý, còn lại tất cả mọi người trong gia đình đều đồng ý. Tôi muốn hỏi Quý công ty là mẹ tôi có thể sang tên cho tôi được hay không?

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. (Theo Khoản 29 – Điều 3 – Luật đất đai 2013)

[1]. Gia đình Anh/Chị không thể tiến hành sang tên “Sổ đỏ” khi có thành viên trong hộ gia đình không đồng ý

Đối với các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, pháp luật Việt Nam hiện nay đã quy định rõ các điều kiện để các giao dịch này hợp pháp và phát sinh hiệu lực. Theo đó:

– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/4/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai tại Khoản 1 Điều 64 quy định:“Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.”

– Tiếp đó, Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT, ngày 27/1/2015 tại Khoản 5 Điều 14 cũng quy định:“Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên đây, do có một thành viên trong gia đình không đồng ý việc chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình cho riêng Anh/Chị, nên mặc dù các thành viên khác đều đồng ý, việc sang tên sổ đỏ trong trường hợp này vẫn không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, gia đình Anh/Chị cũng có thể thực hiện tách riêng quyền sử dụng đất cho thành viên đó với điều kiện thửa đất đủ diện tích tách thửa. Phần đất còn lại sẽ được sang tên cho Anh/Chị khi các thành viên còn lại của hộ gia đình đồng ý sang tên cho Anh/Chị.

[2]. Thủ tục tách thửa đất

Thủ tục tách thửa đất được quy định tại Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Hồ sơ gồm:

Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK;

Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Anh/Chị nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện

Bước 2: Nếu hồ sơ hợp lệ Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện các công việc sau:

–  Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

– Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền;

– Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 3: Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ trả kết quả cho Anh/Chị hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Thời hạn giải quyết: Theo Nghị Định 01/2017/NĐ-CP  thì thời gian tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 15 ngày;

Lệ phí: Mức thu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định

Đồng thời, Anh/Chị còn có thể thương lượng mua lại phần đất mà thành viên gia đình không đồng ý này được hưởng hoặc các phương án khác để bảo đảm trọn vẹn quyền sử dụng thửa đất này.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                                     Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

Bài viết liên quan