TTO – Cho UBND xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mượn tổng cộng hơn 500 triệu đồng từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay năm hộ dân tại địa phương này vẫn chưa đòi được.
Hàng chục năm qua, những hộ dân này đã phải ôm xấp giấy vay nợ với đầy đủ chữ ký của kế toán, thủ quỹ, chủ tịch UBND xã chạy khắp nơi để đòi nợ…
Một lần cho mượn, 10 năm đi đòi
Ông Nguyễn Văn Ninh – trú thôn Thanh Sen 3, xã Phúc Trạch – là người được UBND xã Phúc Trạch “ưu ái” mượn tiền nhiều nhất trong số 5 hộ, với tổng số tiền 200 triệu đồng vào năm 2010.
Người đứng ra mượn số tiền trên là ông Nguyễn Ngọc Hoàn, thời điểm đó là chủ tịch UBND xã. Biên bản giao nhận tiền có sự chứng kiến và ký xác nhận của chủ tịch, phó chủ tịch UBND, kế toán và thủ quỹ của xã. Những tờ giấy mượn tiền này còn được đóng dấu đỏ của UBND xã Phúc Trạch.
“Lý do mượn tiền được chính quyền xã cho biết là do xã thu tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hàng chục người dân nhưng lại chi vào một số hoạt động của xã, nên xã phải mượn tiền dân để nộp về kho bạc nhà nước huyện”, ông Ninh cho hay.
Ông Lê Xuân Huề, trú thôn Phúc Đồng 1, cũng bị UBND xã mượn 50 triệu đồng từ năm 2009. Ông Huề nói thấy lãnh đạo xã trình bày hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để nộp về kho bạc huyện nên ông mới gom tiền cho mượn. Ông Hoàn hứa sẽ trả lại trong vòng 6 tháng. Thế nhưng nhiều năm sau đó đòi mãi xã vẫn không chịu trả.
Đến năm 2015, lãnh đạo xã có thay đổi, ông Hoàn nghỉ chế độ, người khác lên thay. Các hộ dân tiếp tục đòi nợ nhưng vẫn không được, nên họ phải làm đơn tố cáo lên huyện, tỉnh.
Ông Huề, 1 trong 5 hộ dân cho UBND xã Phúc Trạch mượn tiền, với chồng đơn thư của hành trình đòi nợ 10 năm qua – Ảnh: QUỐC NAM
“Chúng tôi toàn nông dân cả. Khi xã khó khăn, chúng tôi gắng gom góp cho chính quyền xã mượn tiền. Nhưng cho mượn rồi không ai nghĩ đi đòi cực như ri. Bao nhiêu công sức cả chục năm qua đi đòi tiền không ai tính cho hết.”
Ông Lê Xuân Huề
Chờ người dân… khởi kiện
Khoảng đầu năm 2017, một tia hi vọng lóe lên với các hộ dân này khi UBND huyện Bố Trạch thành lập đoàn thanh tra liên ngành xác minh một số vấn đề bất thường tại xã Phúc Trạch, trong đó có việc mượn tiền của dân.
Kết luận thanh tra cho thấy có việc UBND xã Phúc Trạch mượn hơn 500 triệu đồng của năm hộ dân. Số tiền này được gửi vào thủ quỹ để chi các hoạt động của UBND xã, nhưng không ghi chép vào sổ sách kế toán để quyết toán hằng năm.
UBND huyện thống nhất chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Bố Trạch để điều tra làm rõ. Ông Huề cho biết khoảng một vài tháng sau đó cán bộ công an huyện có về gặp các hộ dân để nắm thông tin, nhưng đến nay vụ việc cũng rơi vào im lặng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Tiến – chủ tịch UBND xã Phúc Trạch – cho biết đây là tiền nợ của những nhiệm kỳ trước, hiện tại xã cũng không biết phải làm cách nào để trả. “Hiện UBND xã cũng đang chờ chỉ đạo của huyện”, ông Tiến nói.
Còn ông Phan Thanh Hiền, chánh thanh tra huyện, cho biết ba năm qua huyện cũng chờ kết luận điều tra của công an.
Kết luận này phía công an vừa gửi cho UBND huyện giữa tháng 4-2020. Sau ba năm điều tra, công an huyện xác định đây là vụ việc dân sự nên cần khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Số tiền mượn xã sử dụng vào hoạt động chung của xã, chứ không có dấu hiệu tư lợi cá nhân.
“Cách duy nhất để trả nợ cho 5 hộ dân bằng ngân sách là phải có bản án của tòa. Sau đó, chính quyền xã sẽ làm văn bản đề xuất gửi lên huyện. Khi đó huyện mới trích ngân sách về cho xã trả nợ”, ông Hiền nói.
UBND xã mượn tiền dân: thật sự kỳ lạ!
Luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết theo Luật ngân sách nhà nước 2002, được thay thế bằng Luật ngân sách nhà nước năm 2015 thì việc chi ngân sách ở các cơ quan sử dụng ngân sách để chi cho hoạt động buộc phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Như vậy, thật sự kỳ lạ khi UBND cấp xã lại đi vay tiền để chi cho hoạt động của xã khi khoản chi đó không được hạch toán vào ngân sách, khoản chi đó chưa được phê duyệt.
Hiện nay, trên cơ sở vay nợ thì theo quy định của pháp luật dân sự được xem là một loại hợp đồng vay tài sản, theo đó UBND xã được xác định là bên vay tiền nên buộc phải trả lại tiền vay. Mặc cho theo quy định của pháp luật UBND cấp xã không được phép vay tiền, nhưng về nguyên tắc giao dịch thì người cho vay đều có quyền đòi lại tài sản đã cho vay và khi vay dưới danh nghĩa UBND xã, nên giờ UBND xã phải có nghĩa vụ trả nợ.
Dù chủ tịch xã hay những người đứng ra vay trước đây không còn làm việc thì nghĩa vụ đó được kế thừa để UBND xã hiện nay phải trả. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân làm sai có thể được xử lý theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm thất thoát ngân sách, chi ngân sách sai gây thiệt hại.
Hiện nay, với các khoản vay không được phép vay như thế này, việc thu chi không được hạch toán vào ngân sách nên nguồn chi trả nợ là hoàn toàn không có, do đó người cho vay đi đòi nợ rất khó khăn. Những năm qua cũng có nhiều người đi đòi tiền vay, đòi tiền nợ quán nhậu đã xảy ra… nhưng việc đòi nợ rất gian nan bởi các cơ quan này chỉ được chi trên cơ sở ngân sách được duyệt.
Do đó, cơ sở khả dĩ nhất là phải khởi kiện ra tòa án để đòi trả nợ. Khi có bản án sẽ tiến hành yêu cầu thi hành án buộc cơ quan, đơn vị nợ tiền phải trả, nếu không đề nghị phải cưỡng chế, kê biên xử lý theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.
Những trường hợp này là khá hi hữu, nhưng thực sự nếu chỉ đi đòi tiền vay qua đơn thư đề nghị là rất khó giải quyết, không có cơ quan nào có nguồn ngân sách để chi trả nợ cho những khoản vay không đúng, do đó lựa chọn khởi kiện ra tòa là giải pháp cần thiết để thu hồi nợ vay.
Cấp xã không có quyền vay nợ
Theo Luật quản lý nợ công năm 2009 sau này được thay thế bằng Luật quản lý nợ công năm 2017, chỉ có Chính phủ và UBND cấp tỉnh mới được vay nợ để thực hiện các hoạt động chi ngân sách theo quy định của pháp luật. UBND cấp xã hoàn toàn không được vay nợ bên ngoài để chi tiêu cho bất kỳ mục đích gì.
Theo QUỐC NAM – HỮU KHÁ báo Tuổi Trẻ