CHA CHẾT TRƯỚC ÔNG NỘI, CÁC CON CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ?
Năm 2018, ông nội tôi mất để lại tài sản là một căn nhà nhưng ông không để lại di chúc. Các chú của tôi đều được hưởng thừa kế một phần căn nhà đó. Cha tôi đã mất trước ông bà nội từ lâu nên các chú của tôi không chia thừa kế cho cha tôi. Vậy các anh em tôi có được hưởng thừa kế tài sản của ông nội hay không?
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1].Theo thông tin anh/chị cung cấp, ông nội chết mà không để lại di chúc, do vậy di sản ông nội để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật [Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015].
Khi đó, những người thừa kế theo pháp luật của ông nội anh/chị được quy định thành từng hàng thừa kế tại Điều 651Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy các con của ông nội mà anh/chị gọi là chú, cô sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng di sản do ông nội để lại với cac phần di sản bằng nhau.
[2]. Đối với trường hợp của cha anh/chị chết trước ông nội, pháp luật có quy định trường hợp thừa kế thế vị. Theo đó, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Đối chiếu quy định này, vì cha anh/chị đã chết trước ông nội, do vậy, các anh/chị là cháu của ông nội sẽ cùng được hưởng chung 01 phần di sản từ di sản của ông nội. Đây là phần di sảng mà nếu cha anh/chị còn sống sẽ được hưởng và được tính bằng với phần di sản của các cô chú của anh/chị đã được hưởng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Thị Hằng – Công ty Luật FDVN
………………………………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/