Nguyên phó Viện trưởng VKS TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TPHCM đang nóng trên các diễn đàn, gây bức xúc dư luận.
Dưới đây là bài viết của LS Lê Cao gửi Dân Việt, bày tỏ quan điểm dưới lăng kính luật pháp về vấn đề này.
Nhiều người đang hiểu sai về “dâm ô”
Hện nay trên thực tiễn xử lý hành vi dâm ô đối với trẻ em, hay các hành vi dâm ô đối với các nạn nhân là người yếu thế đang có biểu hiện nương nhẹ, điều này làm cho vấn đề bảo vệ các nạn nhân bị xâm hại về danh dự, nhân phẩm, thể chất và tinh thần đang bị buông lỏng đáng báo động.
Thời gian qua, xảy ra tình trạng có người dùng các hành vi có tính dâm ô đối với trẻ em nhưng người ta lại cố tìm cách đẩy hành vi này sang một biểu dạng khác để không thể xử lý hình sự.
Nhiều người cho rằng dâm ô phải là các hành vi có sự tác động lên các bộ phận sinh dục của nạn nhân (dù không có mục đích quan hệ tình dục), đồng thời các hành vi có yếu tố dâm dục tác động lên các bộ phận khác trên cơ thể nạn nhân thì không phải là hành vi dâm ô theo quy định của pháp luật. Do đó, có sự nương tay, tự suy diễn rằng chưa có cơ sở để buộc tội đối với các nghi phạm có hành vi này.
Những hình ảnh này đủ để buộc tội dâm ô trẻ em?
Hiện nay, Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm tù. Phạm tội trong trường hợp Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm tù.
Về cấu thành phạm tội nêu trên, chỉ cần người nào có hành vi “dâm ô” đối với người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác đã có cơ sở để xem xét buộc tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật hình sự.
Thế nhưng, hiện nay theo quan điểm của một số người cho rằng hành vi dâm ô phải là hành vi tác động lên bộ phận sinh dục của nạn nhân, theo chúng tôi nhận định này hoàn toàn không đúng tinh thần của điều 146 Bộ luật hình sự.
Như trường hợp người đàn ông đã có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy tại quận 4, TPHCM, liệu ai có thể nghĩ rằng đó không phải là biểu hiện của sự dâm ô, biểu hiện của việc dùng các hành vi để nhằm thỏa mãn các nhu cầu mang tính dâm dục?
Luật quy định dâm ô đã đủ yếu tố cấu thành của tội danh, nhưng nhiều người thi hành luật đòi hỏi phải đi tìm khái niệm dâm ô là gì, họ đã đi tìm lại quy định đã hết hiệu lực từ hai mươi năm nay để áp cho hiện tại, đồng thời suy diễn rằng dâm ô phải là hành vi “như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em” thì mới đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô.
Chúng tôi cho rằng chính tư tưởng suy luận sai lệch này về mặt khoa học pháp lý đã dẫn đến cách vận dụng pháp luật sai, bỏ lọt tội phạm và dẫn đến quyền của trẻ em không được bảo vệ.
Cần xử lý nghiêm!
Hiện nay, luật đã quy định hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải xử lý hình sự, do đó theo chúng tôi cần nghiêm khắc xử lý đối với hành vi dâm ô. Biểu hiện của hành vi này được hiểu là hành vi có tính dâm dục, nhằm thoải mãn bản tính dâm dục của người thực hiện hành vi và tác động lên người dưới 16 tuổi là nạn nhân đặc biệt, yếu thế cần được bảo vệ nghiêm ngặt về nhân phẩm, danh dự, tinh thần, thể chất.
Chỉ khi nhận thức đúng vấn đề này chúng ta mới xử lý được câu chuyện bảo vệ các nạn nhân trước những hành vi mang tính đồi bại hình thành trong đời sống.
Mới đây, nam thanh niên Đỗ Mạnh Hùng có biểu hiện của hành vi dâm dục, quấy rối đối với một nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội bị phạt hành chính 200 nghìn đồng. Cơ quan chức năng đã áp dụng quy định trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt hành vi được cho là xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trong khi, luật chưa có quy định nghiêm khắc cho vấn đề ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục vốn gây ra nhiều hậu quả nặng nề về nhân phẩm, tinh thần cho nạn nhân hơn các hành vi xâm phạm không liên quan đến vấn đề tình dục.
Tuy nhiên đó là vấn đề xâm phạm đối với người đã thành niên, là nạn nhân đã trưởng thành. Còn đối với người dưới 16 tuổi thì đây là nạn nhân có đặc điểm đặc thù, là chủ thể được xem là trẻ em theo Luật trẻ em 2016 nên cần được bảo vệ đặc biệt về nhân phẩm, tinh thần, thể xác và đặc biệt là cần bảo vệ đặc biệt để chống lại các hành vi tấn công tình dục.
Những năm gần đây, có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề quấy rối, tấn công tình dục bằng các biểu hiện khác nhau nhưng chúng ta dường như chưa xử lý rốt ráo.
Bộ luật hình sự đã quy định hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi phải chịu chế tài hình sự, chúng ta không cần suy diễn mà cần áp dụng luật hiện hành đang có hiệu lực để điều tra, xử lý rốt ráo những hành vi này, không chỉ xử phạt vi phạm hành chính là xong.
Bị hại không tố cáo vẫn có thể bị khởi tố
Liên quan đến vụ việc về người đàn ông có biểu hiện sàm sỡ với bé gái trong thang máy tại TPHCM, hiện nay nhiều nguồn tin cho rằng vẫn chưa có sự trình báo, thông tin của gia đình cháu bé đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đàn ông này.
Tuy nhiên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đối với dấu hiệu phạm tội của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không phải là tội danh chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
Do đó, khi xét thấy có dấu hiệu phạm tội cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra để làm rõ có hay không hành vi phạm tội.
Cơ quan điều tra có thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh việc phạm tội theo quy định của pháp luật.
Luật sư Lê Cao
Luật sư FDVN, Luật sư đoàn Luật sư TP Đà Nẵng