Tôm hùm nước ngọt và tôm càng đỏ đều có những đặc tính khá tương tự nhau và có khả năng phá hoại môi trường, mùa màng, vì vậy, chúng bị cấm lưu thông trên thị trường.
-
Tại sao tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt bị cấm lưu thông trên thị trường?
Tôm hùm nước ngọt
Tôm càng đỏ
Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định Tôm càng đỏ là loài động vật thuộc danh mục “LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI”, Tôm hùm nước ngọt là loại động vật thuộc danh mục “LOÀI NGOẠI LAI CÓ NGUY CƠ XÂM HẠI”
Cả hai loài này đều có những đặc tính khá tương tự nhau như chống chịu với nhiều điều kiện môi trường thay đổi và khắc nghiệt, sinh sản nhanh, ăn tạp, phàm ăn, cả ăn động và thực vật, cạnh tranh thức ăn, có khả năng đào hang sâu, có khả năng lây truyền dịch bệnh sang các đối tượng tôm càng bản địa…
Chúng đều có thể nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Sự xâm nhập của chúng có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong quần xã động vật và thực vật bản địa, đồng thời có thể gây hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đê điều, nông nghiệp, nếu thoát ra ngoài…
Hơn nữa căn cứ Phụ lục VIII Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản, Tôm càng đỏ và tôm hùm đất không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Khoản 7 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại. Mà khoản 1 Điều 50 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định “Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”. Vậy việc nhập khẩu để buôn bán, phát triển tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt là vi phạm quy định của pháp luật
-
Trách nhiệm pháp lý khi lưu thông tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt trên thị trường:
Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ Điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng -000.000 đồng
- Phạt bổ sung bằng cách: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm
- Thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại xuất hiện; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu hoặc Buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ Khoản 3 Điều 42 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ có hiệu lực vào ngày 5/7/2019 quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Vậy:
- Việc cá nhân nhập khẩu, phát tán tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng-1.000.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm- 05 năm.
- Pháp nhân thương mại nhập khẩu, phát tán tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng- 5.000.000.000, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm cũng như các án phạt tù nếu có đủ dấu hiệu cấu thành hình sự.
Trên đây là những thông tin mà FDVN tổng hợp được dựa trên tình hình thực tế và liên hệ với các quy định pháp luật hiện hành, mong sẽ hữu ích đối với Qúy đọc giả.
Hoàng Thúy Quỳnh
Công ty Luật FDVN
Xem thêm:
Phạm tội trộm cắp tài sản 2 lần xử lý như thế nào?
Trốn nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất thông qua lập vi bằng
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/